Giải pháp cấp bách để khắc phục tình trạng “có tiền mà không tiêu được”
Đối nội - Ngày đăng : 10:30, 12/09/2017
(BKTO) - Hiện tượng chậm giải ngân vốn đầu tư công đã thường xuyên diễn ra trong những năm gần đây, tuy nhiên, đến năm nay, tình trạng này đã trở nên rất trầm trọng. Trong 6 tháng đầu năm, 13 Bộ, ngành, địa phương chỉ giải ngân được khoảng 20% số vốn. Chính vì mức độ cấp bách của vấn đề, mới đây Chính phủ đã tổ chức cuộc họp để kiểm điểm trách nhiệm của các Bộ, ngành liên quan và kịp thời đề ra những giải pháp nhằm đẩy nhanh tiến độ thực hiện và giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công.
Chậm giải ngân là một điểm nghẽn đối với tăng trưởng kinh tế
Theo kế hoạch năm 2017, tổng số chi đầu tư phát triển từ nguồn NSNN là 357.150 tỷ đồng nhưng theo báo cáo từ Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ, đến ngày 15/6/2017, số vốn thanh toán là 85.188 tỷ đồng, chỉ bằng 23,9% tổng kế hoạch vốn năm 2017 và bằng 27,6% kế hoạch vốn được Quốc hội phân bổ và Thủ tướng giao. Trong đó, có tới 13 Bộ, ngành mới giải ngân được dưới 20% kế hoạch vốn được giao. Sau khi được đôn đốc, tình hình giải ngân của các đơn vị này đã có chuyển biến tích cực, một số đơn vị đạt trên 20%.
Cụ thể là, đến ngày 17/7/2017, tỷ lệ giải ngân của TP. HCM đạt 26%, Đà Nẵng 24,7%, Bình Dương 20,9%, Bộ Y tế 16%, Bộ Kế hoạch và Đầu tư (Bộ KH&ĐT) là 13,3%, Thông tấn xã Việt Nam 8,5%, Bộ Ngoại giao 5,1%... Riêng Ngân hàng Nhà nước, tỷ lệ giải ngân mới là 5,8%. Tuy nhiên, theo Phó Thống đốc Đào Minh Tú, so với số vốn đã được Thủ tướng giao thì tỷ lệ giải ngân đã đạt trên 56% và con số này được Tổ công tác chấp nhận.
Đánh giá về sự chậm trễ này, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng - Tổ trưởng Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ - cho rằng, nguyên nhân trước hết thuộc về lãnh đạo các Bộ, ngành, địa phương khi họ đã chỉ đạo không quyết liệt, cụ thể đối với đơn vị thi công, thủ tục còn vướng mắc, giải phóng mặt bằng còn chậm trễ, năng lực của đơn vị thi công chưa đáp ứng yêu cầu. Thậm chí, còn có hiện tượng sử dụng “mẹo” đẩy tiến độ giải ngân lên, ứng vốn sau đó gửi tiền vào ngân hàng dẫn đến tình trạng tăng tỷ lệ giải ngân nhưng tiền đó không chảy vào đầu tư phát triển. Bộ trưởng cho biết Chính phủ sẽ kiểm tra và xử lý vấn đề này.
Tình trạng chậm trễ giải ngân vốn đầu tư công gây ách tắc nguồn vốn, giảm hiệu quả sử dụng vốn, là một điểm nghẽn đối với tăng trưởng kinh tế. Không những thế, theo Bộ trưởng, việc này sẽ khiến lãng phí đến 3 lần. Một là lãng phí do công trình chậm đưa vào sử dụng; hai là tiền để đó trong khi Nhà nước phải trả lãi; ba là nhà thầu phải đi vay ngân hàng. Nếu không có các giải pháp cấp bách để thúc đẩy tiến độ giải ngân thì sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến tăng trưởng và sẽ gây áp lực lên lạm phát và toàn bộ nền kinh tế.
Tổ trưởng Tổ công tác nêu rõ: “Tinh thần là quyết tâm đến cuối năm 100% các đơn vị giải ngân hết vốn, nhưng không phải tới 31/12 mới giải ngân, mà phải giải ngân sớm để thúc đẩy tăng trưởng, đồng thời giảm tổn thất, tránh lãi giả, lỗ thật cho nhà thầu. Tới tháng 10/2017, đơn vị nào không giải ngân đạt yêu cầu thì Chính phủ sẽ điều chuyển vốn, không giao vốn cho đơn vị đó trong năm sau”.
Phát biểu tại buổi làm việc nói trên, Thứ trưởng Bộ KH&ĐT Đào Quang Thu cho rằng, quy trình phân bổ vốn đầu tư công hiện nay “quá ôm đồm”, vì vậy, cần tăng cường phân cấp việc ra quyết định cho các địa phương, Bộ KH&ĐT chỉ thực hiện hậu kiểm.
Phải làm thủ tục thanh toán sau 4 ngày nghiệm thu
Tại Hội nghị sơ kết công tác tài chính - NSNN 6 tháng đầu năm 2017 của Bộ Tài chính, Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng cho biết, việc giải ngân vốn đầu tư xây dựng cơ bản còn chậm. Đến tháng 7/2017 mới giao được hơn 10% dự toán trong tổng số 50.000 tỷ đồng vốn trái phiếu chính phủ (TPCP), do đó rất khó có thể giải ngân hết số vốn này trong năm nay. Bộ trưởng khẳng định: chúng tôi cam kết cứ có đủ hồ sơ hậu kiểm thì trong 01 ngày là giải ngân hết, không cần đến 3-5 ngày như quy định tại Nghị quyết 60 của Chính phủ về những nhiệm vụ, giải pháp đẩy nhanh tiến độ thực hiện và giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công năm 2016. Tuy nhiên, trước khâu giải ngân còn có hàng loạt công việc phải tiến hành theo trình tự như giao vốn, thủ tục đầu tư, phê duyệt... do đó, Chính phủ cần chỉ đạo sửa đổi những vướng mắc chủ yếu về thủ tục đầu tư xây dựng cơ bản tại Luật Đầu tư công và Luật Xây dựng như Bộ Tài chính đã kiến nghị trước đây. Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng đề xuất, nếu nguồn vốn TPCP 50.000 tỷ đồng này không được giao hết trong năm nay, Chính phủ nên kiên quyết cắt, không để tình trạng giao vốn muộn vào cuối năm và kéo dài sang năm sau để đảm bảo tỷ lệ bội chi và nợ công. Nếu bội chi và nợ công “đội” lên sẽ không chỉ gây khó khăn cho công tác điều hành tài chính - ngân sách mà còn ảnh hưởng đến uy tín của quốc gia. |
Nhằm phấn đấu giải ngân hết kế hoạch vốn đầu tư công năm 2017, góp phần thực hiện mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội năm 2017; tăng cường kỷ luật, kỷ cương; nâng cao trách nhiệm của người đứng đầu, của công chức và đạo đức công vụ; tăng cường công tác phối hợp theo dõi, kiểm tra, thanh tra và thực hiện kế hoạch, ngày 3/8/2017, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 70/NQ-CP về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu đẩy nhanh tiến độ thực hiện và giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công.
Theo đó, Chính phủ yêu cầu trong quý III năm 2017, Bộ KH&ĐT khẩn trương rà soát, tổng hợp các vướng mắc trong triển khai Luật Đầu tư công; phối hợp với Bộ Tư pháp đề xuất sửa đổi Nghị định số 136/2015/NĐ-CP của Chính phủ hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Đầu tư công; Nghị định số 77/2015/NĐ-CP của Chính phủ về kế hoạch đầu tư công trung hạn và hằng năm; Nghị định số 161/2016/NĐ-CP của Chính phủ về cơ chế đặc thù trong quản lý đầu tư xây dựng đối với một số dự án thuộc các Chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2016-2020 theo quy trình rút gọn.
Bộ Tài chính báo cáo độc lập về việc rà soát các quy định của pháp luật về đầu tư công và giải ngân vốn đầu tư công hiện đang vướng mắc cần được sửa đổi, bổ sung để báo cáo Thủ tướng Chính phủ; tiếp tục rà soát thủ tục giải ngân nhằm tạo thuận lợi cho chủ đầu tư thực hiện thanh, quyết toán vốn đầu tư công năm 2017; tăng cường công tác quản lý, theo dõi, giám sát, cập nhật thông tin giải ngân kế hoạch đầu tư công năm 2017 đối với các chương trình, dự án của các Bộ, ngành và địa phương, đảm bảo thông tin, số liệu giải ngân đầy đủ, kịp thời, chính xác.
Bộ Xây dựng tiếp tục rà soát các quy định của pháp luật liên quan đến xây dựng. Các thủ tục về thẩm định, thẩm tra, cấp giấy phép... hiện đang vướng mắc, cần tiếp tục được sửa đổi, bổ sung, báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định.
Bộ Tài nguyên và Môi trường rà soát toàn bộ các quy định pháp luật về đánh giá tác động môi trường; cấp phép khai thác, sử dụng tài nguyên nước, đề xuất giải pháp xử lý phù hợp nhằm đơn giản hóa các thủ tục, rút ngắn thời gian chuẩn bị đầu tư của các dự án nhưng vẫn đảm bảo công tác quản lý, theo dõi, giám sát môi trường; báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định.
Chính phủ yêu cầu Bộ KH&ĐT: chủ trì khẩn trương phối hợp với các Bộ, ngành và địa phương liên quan tiến hành hoàn thiện các thủ tục đầu tư theo đúng quy định để phân bổ vốn trung hạn giai đoạn 2016-2020 của Chương trình mục tiêu ứng phó với biến đổi khí hậu và tăng trưởng xanh, Chương trình mục tiêu Biển Đông - Hải đảo, phần vốn góp nhà nước cho các dự án đường ven biển đầu tư theo hình thức PPP để báo cáo Thủ tướng Chính phủ trong tháng 8/2017. Đồng thời, phối hợp với các Bộ, cơ quan, địa phương rà soát, tổng hợp trình Thủ tướng Chính phủ giao kế hoạch đầu tư vốn trái phiếu chính phủ năm 2017 cho các dự án khởi công mới đã đủ thủ tục đầu tư.
Các Bộ, ngành và địa phương tập trung hoàn thành việc thông báo và giao chi tiết kế hoạch đầu tư công năm 2017 đã được cấp thẩm quyền quyết định cho các chủ đầu tư theo đúng quy định tại các quyết định giao kế hoạch đầu tư năm 2017 của Thủ tướng Chính phủ; gửi báo cáo triển khai cho Bộ KH&ĐT, Bộ Tài chính để các bộ này tổng hợp, báo cáo Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, từ đó Chính phủ sẽ đưa ra biện pháp xử lý đối với những trường hợp chậm trễ thông báo và giao chi tiết kế hoạch vốn đầu tư công năm 2017.
Bên cạnh đó, Chính phủ cũng cho phép bố trí kế hoạch năm 2017 cho các dự án khởi công mới, sử dụng vốn cân đối ngân sách địa phương, vốn trái phiếu chính phủ, vốn ODA và vốn vay ưu đãi của các nhà tài trợ nước ngoài, các dự án thuộc chương trình mục tiêu quốc gia, vốn đầu tư từ nguồn thu sử dụng đất, vốn từ nguồn thu để lại cho đầu tư nhưng chưa đưa vào cân đối NSNN hoàn thiện thủ tục đầu tư theo quy định đến ngày 30/9/2017.
Các dự án khởi công mới nhóm C, quy mô nhỏ thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia sẽ được áp dụng quy trình thẩm định nguồn vốn và khả năng cân đối vốn theo quy định tại Điều 3 Nghị định số 161/2016/NĐ-CP của Chính phủ nếu đáp ứng các tiêu chí: thuộc nội dung đầu tư của các chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2016-2020; tổng mức đầu tư dưới 15 tỷ đồng và kỹ thuật không phức tạp; sử dụng một phần NSNN, phần kinh phí còn lại do nhân dân đóng góp và các nguồn khác, có sự tham gia thực hiện và giám sát của người dân.
Chính phủ yêu cầu không áp dụng quy định tiết kiệm 10% tổng mức đầu tư dự án đã được nêu tại Nghị quyết số 89/NQ-CP ngày 10/10/2016 của Chính phủ đối với các dự án của cơ quan đại diện và cơ quan khác của Việt Nam ở nước ngoài, các dự án đã đấu thầu và giá trị đấu thầu đạt trên 90%, các dự án có khối lượng hoàn thành trên 90%, các dự án hoàn thành đã bàn giao đưa vào sử dụng, các dự án mua sắm trang thiết bị, các dự án đã có quyết định phê duyệt quyết toán công trình hoàn thành, các dự án đã thực hiện tiết kiệm 10% trong quyết định phê duyệt chủ trương đầu tư, các dự án chỉ lập báo cáo kinh tế kỹ thuật, các dự án đầu tư từ nguồn thu để lại cho đầu tư nhưng chưa đưa vào cân đối NSNN.
Chính phủ cũng cho phép các dự án nhóm A đầu tư theo hình thức đối tác công tư (PPP) đã được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận đầu tư và đã được cấp có thẩm quyền chấp thuận sử dụng phần vốn đầu tư của Nhà nước tới đây sẽ không phải thực hiện lại quy trình, thủ tục phê duyệt quyết định chủ trương đầu tư theo quy định tại Điều 10 Nghị định số 136/2015/NĐ-CP của Chính phủ.
Đặc biệt, Chính phủ đã yêu cầu các Bộ, ngành và địa phương phải khẩn trương hoàn thiện hồ sơ, làm thủ tục thanh toán ngay với Kho bạc Nhà nước trong thời hạn 4 ngày, kể từ ngày có khối lượng được nghiệm thu, không dồn vốn để thanh toán vào cuối năm. Đối với các dự án đã hoàn thành đưa vào sử dụng, phải khẩn trương phê duyệt quyết toán, giải ngân hết số vốn cho các nhà thầu theo nội dung hợp đồng; chủ động rà soát, đề xuất cấp có thẩm quyền điều chuyển kế hoạch vốn năm 2017 của các dự án chậm tiến độ thực hiện và giải ngân sang các dự án khác có nhu cầu, có tiến độ giải ngân tốt; đẩy nhanh tiến độ thực hiện để các dự án này sớm hoàn thành.
Đồng thời, các đơn vị liên quan phải rà soát tình hình và tiến độ thực hiện kế hoạch giải ngân các chương trình, dự án sử dụng vốn ODA và vốn vay ưu đãi của các nhà tài trợ nước ngoài.
Hằng tháng, Bộ KH&ĐT phối hợp với Bộ Tài chính theo dõi tình hình, tiến độ giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công của các Bộ, ngành và địa phương; trong tháng 9/2017 báo cáo đánh giá dự kiến khả năng giải ngân các nguồn vốn đầu tư công đến hết ngày 31/1/2018, trình Thủ tướng Chính phủ.
Bộ Tài chính chỉ đạo Kho bạc Nhà nước thanh toán cho các dự án khi có đủ điều kiện giải ngân trong thời hạn 4 ngày làm việc và phối hợp chặt chẽ với chủ đầu tư xử lý các vướng mắc phát sinh.
Với sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, hy vọng những giải pháp nói trên sẽ khắc phục được tình trạng có tiền mà không tiêu được và góp phần đạt được mục tiêu tăng trưởng kinh tế 6,7% của năm 2017.
Theo báo cáo kiểm toán năm 2016 về niên độ ngân sách năm 2015 của KTNN, năm 2015, Bộ KH&ĐT giao chi tiết kế hoạch vốn đầu tư nguồn NSNN còn chậm và giao nhiều lần (11 lần), trong đó có 10 lần giao sau ngày 31/12/2014. Điều này không đúng với quy định tại khoản 2, Điều 50 Luật NSNN năm 2002. Bên cạnh đó, đến ngày 25/01/2017 Bộ KH&ĐT mới trình Chính phủ phương án điều chỉnh kế hoạch đầu tư vốn nước ngoài trong khi Chính phủ yêu cầu phải báo cáo Ủy ban thường vụ Quốc hội vấn đề này vào quý II năm 2016. |
THÙY ANH
Theo Đặc san cuối tháng ra ngày 25-8-2017