Kiểm soát thành công dịch Covid-19 quyết định sự ổn định và phục hồi kinh tế
Chính trị - Ngày đăng : 17:48, 25/07/2021
(BKTO) - Theo chương trình làm việc mới được điều chỉnh, tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ Nhất, hôm nay (25/7), Quốc hội dành cả ngày làm việc tại hội trường, thảo luận về kinh tế - xã hội, NSNN; trong đó có nội dung về tăng cường công tác phòng, chống dịch Covid-19 trong thời gian tới.
Qua thảo luận, các đại biểu Quốc hội đánh giá cao kết quả kinh tế - xã hội đạt được trong 6 tháng đầu năm 2021, nhất là việc thực hiện “mục tiêu kép”, tổ chức thành công nhiều sự kiện lớn của Đảng, Quốc hội, Chính phủ…, góp phần củng cố niềm tin của nhân dân vào Đảng và Nhà nước.
Tuy nhiên, trước sự bùng phát dịch và diễn biến phức tạp của đợt dịch Covid-19 từ cuối tháng 4 đến nay ảnh hưởng lớn người dân, DN, các đại biểu cho rằng, việc kiểm soát, ngăn chặn dịch bệnh là nhiệm vụ quan trọng trong thời gian tới và cũng là yếu tố có vai trò quyết định đến sự ổn định, phục hồi kinh tế.
Quang cảnh phiên thảo luận - Ảnh: quochoi.vn |
Trao “thượng phương bảo kiếm” cho Chính phủ để phòng, chống dịch
Theo đại biểu Nguyễn Trường Giang (Đắk Nông), trong thời gian tới, việc tiếp tục thực hiện hiệu quả “mục tiêu kép”, vừa quyết liệt phòng, chống dịch bệnh hiệu quả, vừa đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội là một nhiệm vụ hết sức khó khăn nhưng cần tiếp tục kiên trì thực hiện. Trong đó, việc ứng phó, ngăn chặn kiểm soát thành công dịch Covid-19, bảo vệ sức khỏe, tính mạng của người dân là yếu tố quan trọng, có vai trò quyết định tới sự ổn định và phục hồi kinh tế.
Để thực hiện thành công mục tiêu này, đại biểu đề nghị, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ cần thực hiện các biện pháp mạnh hơn nữa. “Việc Quốc hội giao Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ quyền chủ động quyết định và tổ chức thực hiện các biện pháp mà pháp luật quy định về phòng, chống dịch bệnh Covid-19; quyết định việc áp dụng các biện pháp chưa có luật hoặc khác với quy định của một số luật hiện hành để kịp thời ứng phó với đại dịch Covid-19 là rất cần thiết và cần được thực hiện ngay tại kỳ họp này” - đại biểu Nguyễn Trường Giang phát biểu.
Đại biểu Trần Văn Lâm (Bắc Giang) cũng bày tỏ nhất trí cao với đề xuất của Chính phủ đưa vào nghị quyết kỳ họp lần này những nội dung quy định vượt khuôn khổ để tạo điều kiện cho Chính phủ chủ động, linh hoạt, tăng cường các nguồn lực ứng phó kịp thời, hiệu quả chống chọi dịch bệnh.
Đại biểu Trần Văn Lâm phát biểu thảo luận - Ảnh: quochoi.vn |
“Đây có thể coi như một ‘thượng phương bảo kiếm’ mà Quốc hội tin tưởng trao cho vị tướng ra trận. Với sự đồng hành của cả hệ thống chính trị và toàn dân tôi tin tưởng đất nước ta sẽ sớm chiến thắng trong cuộc chiến cam go này” - đại biểu Lâm bày tỏ.
Đồng tình việc đưa vào dự thảo Nghị quyết Kỳ họp những nội dung về các biện pháp phòng, chống Covid-19 là rất cần thiết, linh hoạt để đảm bảo công tác phòng, chống dịch, tuy nhiên đại biểu Vũ Thị Lưu Mai (TP. Hà Nội), đại biểu Nguyễn Thị Mai Phương (Gia Lai) lưu ý, cần xác định rất cụ thể về phạm vi điều chỉnh là chỉ áp dụng đối với các biện pháp phòng, chống Covid-19, đồng thời cần khống chế thời hạn nhất định và xác định cụ thể trách nhiệm, đặc biệt là có biện pháp để không lợi dụng chính sách trục lợi và gây thất thoát cho NSNN.
Đảm bảo ổn định vĩ mô, hỗ trợ hiệu quả cho người dân, doanh nghiệp
Tham gia thảo luận, đại biểu Nguyễn Anh Trí (TP. Hà Nội) đánh giá, các báo cáo kinh tế - xã hội của Chính phủ và báo cáo thẩm tra cho thấy bức tranh toàn cảnh về tình hình đất nước thời gian qua. Dù trong muôn vàn khó khăn song đất nước ta đã đạt được nhiều thành công. Phân tích những diễn biến phức tạp của tình hình dịch bệnh trong nước tác động tiêu cực đến kinh tế, sinh hoạt và sức khỏe nhân dân, đại biểu đề nghị Chính phủ quan tâm cập nhật, xây dựng các kịch bản về dịch bệnh và dựa vào các kịch bản đó xây dựng các chỉ tiêu, kịch bản phù hợp cho sản xuất, cho phát triển kinh tế một cách hiệu quả, bền vững.
"Trước mắt cần tập trung mạnh ưu tiên nguồn lực để chống dịch và phải giữ vững được ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm đời sống nhân dân. Cần đặc biệt triển khai thực hiện nghiêm túc nguyên tắc 5K+ vắc xin trong chống dịch, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong chẩn đoán, khám chữa bệnh…” - đại biểu Nguyễn Anh Trí đề xuất.
Đại biểu Nguyễn Thị Thủy phát biểu thảo luận - Ảnh: quochoi.vn |
Đại biểu Trần Văn Lâm cũng cho rằng, việc tiếp tục kiên trì mục tiêu ổn định vĩ mô sẽ là nền tảng để thực hiện các chính sách, các giải pháp để thúc đẩy cũng như bảo vệ thành quả tăng trưởng nhanh, bền vững. Cùng với các giải pháp xây dựng, hoàn thiện thể chế, chính sách pháp luật, kinh tế thị trường và thực thi hiệu quả thì đồng thời phải chú trọng thực hiện tốt các chính sách về xã hội, môi trường. Bên cạnh đó, tình hình dịch bệnh đòi hỏi phải đẩy nhanh, đồng thời cũng mở ra những cơ hội để đẩy mạnh tái cơ cấu toàn diện nền kinh tế.
Theo đó, mỗi DN cần chủ động thay đổi để thích ứng trong điều kiện tình hình dịch bệnh có thể xảy ra, các chuỗi sản xuất cung ứng cần được sắp xếp lại. Các ngành, lĩnh vực cũng cần được nghiên cứu, điều chỉnh không gian; nắm bắt cơ hội tham gia sâu hơn vào chuỗi giá trị toàn cầu bị giãn ra, đứt gãy do dịch bệnh... Đây là cơ hội để giải quyết căn bản vấn đề tái cơ cấu một cách hiệu quả ở các cấp, quy mô quản lý.
Đặc biệt, tại phiên thảo luận, nhiều đại biểu Quốc hội quan tâm đến việc thực hiện hiệu quả các gói hỗ trợ cho người dân, DN bị ảnh hưởng tiêu cực bởi dịch Covid-19.
Nhấn mạnh “những khó khăn của nền kinh tế trong đại dịch đang ngấm ngày càng sâu vào từng người lao động, từng DN”, đại biểu Nguyễn Thị Thủy (Bắc Kạn) cho rằng, quyết định tiếp tục triển khai gói hỗ trợ an sinh mới của Đảng, Nhà nước là rất kịp thời, hợp lòng dân. Tuy nhiên, đại biểu kiến nghị Chính phủ triển khai phần mềm liên thông để kịp thời hỗ trợ người lao động và DN bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh nhằm rà soát chính xác, nhanh chóng đối tượng thụ hưởng; tránh việc bỏ sót có thể xảy ra.... Bên cạnh đó, cần rà soát, đánh giá sức chống chịu của DN trong bối cảnh dịch bệnh để có biện pháp căn cơ trong thời gian sắp tới.
Đại biểu Vũ Thị Lưu Mai nhận xét, rút kinh nghiệm từ gói 62.000 tỷ đồng chúng ta thực hiện chưa kịp thời và kết quả chỉ thực hiện được 36.000 tỷ, tương đương 36% tổng mức dự kiến, gói cứu trợ thứ hai là 26.000 tỷ được xây dựng trên tinh thần hết sức thông thoáng là sự đổi mới đáng được trân trọng. Tuy nhiên đại biểu cũng cho rằng, sự khẩn trương là cần thiết nhưng nhất định phải đúng đối tượng, không phô trương, không hình thức.
Đại biểu cũng đề nghị cân nhắc việc áp dụng cơ chế hậu kiểm đối với gói cứu trợ. “Khi kê khai người dân chỉ biết nộp hồ sơ, việc xác nhận tính đúng đắn đó là trách nhiệm quản lý nhà nước, của cơ quan công quyền trong thi hành công vụ, khi đã xuất tiền cho người dân thì mặc nhiên là công nhận tính đúng đắn. Mặt khác, chính sách hỗ trợ là thể hiện tính nhân văn cao cả, là hình ảnh Chính phủ đưa bàn tay để cùng người dân đi qua khó khăn. Do vậy, việc hành xử cũng cần hết sức nhân văn” - đại biểu nêu quan điểm.
Đ. KHOA