Chuẩn bị nguồn nhân lực đại học chất lượng cao cho đất nước
Xã hội - Ngày đăng : 21:11, 25/07/2021
(BKTO) - Trong bối cảnh dịch bệnh, việc chuẩn bị nguồn nhân lực chất lượng cao, sẵn sàng đáp ứng yêu cầu hồi phục nền kinh tế sau đại dịch được đặt ra một cách bức thiết. Nâng cao hiệu quả giáo dục đại học (ĐH), trong đó có vấn đề tự chủ ĐH sẽ góp phần quan trọng để hình thành nguồn nhân lực chất lượng cao, đáp ứng yều cầu phát triển của đất nước.
Đại học không phải 'học đại''
Tại Phiên thảo luận về kinh tế - xã hội, phòng, chống Covid-19 của Quốc hội sáng ngày 25/7,đại biểu Quốc hội Lê Quân (Đoàn Cà Mau) - Giám đốc ĐH Quốc gia Hà Nội nhấn mạnh,nhiệm kỳ qua, vấn đề tự chủ ĐH được Quốc hội, Chính phủ quan tâm nên đạt được nhiều thành công. Tuy nhiên, trong quá trình triển khai vẫn còn nhiều vướng mắc. Trong 6 tháng cuối năm nay và kế hoạch 5 năm tới, Chính phủ cần quan tâm hơn đến vấn đề này.
Thay vì chi tiền lương, ngân sách có thể chuyển sang chi đầu tư, giúp nâng cao chất lượng đào tạo và thu hút người học. Ảnh minh họa: N.LỘC |
Theo đại biểu Lê Quân, thực tế, trong thời gian qua, nhiều cơ sở giáo dục ĐH chuyển sang tự chủ nhưng không nhận được chi thường xuyên. “Chúng ta có thể không chi lương, nhưng hoàn toàn có thể chi đầu tư, giúp nâng cao chất lượng đào tạo và thu hút người học” - Đại biểu Lê Quân nói.
Trong khi đó, chủ trương chuyển cấp ngân sách cho chi thường xuyên sang chi đặt hàng đang gặp nhiều khó khăn và thiếu hành lang pháp lý, nhất là đối với khu vực tư vẫn gặp rào cản. Hiện chỉ có một số ít DN lớn thuộc khu vực tư nhân thực hiện đặt hàng đào tạo nhân lực, đặc biệt là nhân lực chuyên sâu, kỹ năng cao.
Nhận định việc thực hiện tự chủ ĐH sẽ tác động đến một bộ phận người học,đại biểu Quân kiến nghị: "Chúng ta cần có chính sách thật tốt để con em nghèo học giỏi hoặc các em học giỏi có thể tiếp cận được học bổng và được đảm bảo quyền học ĐH. Chúng ta cũng phải đảm bảo rằng học phí cũng là một rào cản kỹ thuật để tránh việc học sinh lao vào học ĐH và trở thành "học đại".
Theo đại biểu, tư duy về tự chủ cần đi liền với thay đổi về quản lý Nhà nước. Tự chủ là phải quản lý được đầu ra và đánh giá được chỉ số hiệu quả, chất lượng trên cơ sở từng ngành nghề, vấn đề việc làm, chất lượng việc làm để đáp ứng yêu cầu của xã hội. Tự chủ để từng cơ sở có trách nhiệm giải trình về việc làm của mình đóng góp ra sao cho xã hội.
Để các trường tập trung đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao
Thực tế thời gian qua, việc áp dụng thí điểm tự chủ theo Nghị quyết số 77/NQ-CP của Chính phủ đã từng bước mang lại hiệu quả thiết thực. Nhấn mạnh vai trò của tự chủ ĐH với đích đến cuối cùng là đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho đất nước, các trường đều mong muốn khắc phục những bất cập, rào cản trong quá trình thực hiện để nâng cao hiệu quả của công tác này, từ đó giúp nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực.
Hướng đến đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, PGS,TS. Trần Đình Khôi Nguyên (Trường ĐH Kinh tế - ĐH Đà Nẵng) nhấn mạnh, tương lai sẽ chứng kiến sự ra đời của nhiều lĩnh vực, ngành nghề mới đòi hỏi các trường phải bắt kịp xu thế để đào tạo các ngành nghề mới, sẵn sàng cung ứng nguồn nhân lực cao cho đất nước.
Tuy nhiên, điểm vướng mắc trong tự chủ mở ngành liên quan đến sự không tương thích về chất lượng đội ngũ nếu đối chiếu với quy định việc mở ngành hiện nay của Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT). Thực tế là nhiều giảng viên lâu năm vốn được đào tạo ở những ngành nghề truyền thống, nhưng khi mở ngành mới thì không có sự phù hợp về văn bằng.
Dẫn ví dụ về ĐH vùng, TS. Nguyễn Hiệp (ĐH Đà Nẵng) cho rằng, cách thức, thời gian thực hiện việc tự chủ trong tuyển sinh cũng bị hạn chế do các quy định áp dụng chung của Bộ GD&ĐT. Bên cạnh đó, việc phân định chỉ tiêu nội bộ, mở ngành đào tạo mới của ĐH vùng lại bị hạn chế giống như các trường ĐH khác nên chưa phát huy được hết vai trò. Ngoài ra, những giới hạn về trần giờ chuẩn, trần thù lao chuyên gia trình độ cao… khiến cho việc triển khai công tác đào tạo vẫn chưa phát huy hết tính ưu việt của một ĐH tập trung đa ngành.
KTNN đã kiến nghị nhiều giải pháp khắc phục các bất cập, tháo gỡ vướng mắc để nâng cao tự chủ ĐH. Ảnh: N.LỘC |
Từ thực tiễn tự chủ, TS. Phạm Thu Hương (Trường ĐH Ngoại thương) cho rằng, không chỉ riêng với ĐH Ngoại thương, việc đổi mới cơ chế hoạt động là xu thế tất yếu tại các trường ĐH công lập Việt Nam trong giai đoạn hiện nay. Để mở rộng sự thừa nhận của cộng đồng quốc tế đối với các chương trình đào tạo ĐH tại Việt Nam, các trường cần phải tiếp tục thực hiện những đổi mới trong cơ chế hoạt động nhằm giải quyết các vấn đề đặt ra liên quan đến công tác đào tạo. Bên cạnh đó, Nhà nước cần phải có những giải pháp khuyến khích đổi mới cơ chế hoạt động tại các trường ĐH qua đó nâng cao chất lượng đào tạo của hệ thống giáo dục Việt Nam.
Thể hiện cái nhìn bao quát về kết quả tự chủ ĐH qua công tác kiểm toán, KTNN cho rằng, thông qua tự chủ, chất lượng, hiệu quả công tác đào tạo đã được nâng lên, áp lực chi NSNN cho lĩnh vực GD&ĐT được giảm nhẹ. Một số trường đã chủ động huy động nguồn lực ngoài NSNN để gia tăng nguồn thu sự nghiệp, tăng thu nhập cho người lao động, tăng đầu tư cơ sở vật chất, từ đó giúp nâng cao chất lượng đào tạo.
Tuy vậy, bên cạnh những kết quả đạt được, cơ chế tự chủ đối với các trường ĐH công lập còn bộc lộ không ít tồn tại, vướng mắc. Trên cơ sở chỉ ra những tồn tại, hạn chế này, KTNN đã kiến nghị đến Chính phủ, các cơ quan chức năng chấn chỉnh, khắc phục những hạn chế để nâng cao hiệu quả tự chủ.
NGUYỄN LỘC