Đề xuất gói hỗ trợ mới về thuế, phí cho doanh nghiệp khoảng 24.000 tỷ đồng

Chính trị - Ngày đăng : 22:05, 25/07/2021

(BKTO) - Phát biểu làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội quan tâm tại phiên thảo luận chiều 25/7, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết, Bộ Tài chính đang nghiên cứu để trình Chính phủ, Quốc hội quyết định gói hỗ trợ mới về thuế, phí với số tiền dự kiến khoảng 24.000 tỷ đồng.


                
   

Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc báo cáo tại phiên thảo luận - Ảnh: quochoi.vn

   

Cắt giảm 50% chi hội họp, nâng cao hiệu quả đầu tư công

Điểm lại những kết quả nổi bật trong phát triển kinh tế - xã hội, NSNN 6 tháng đầu năm, Bộ trưởng Hồ Đức Phớc cho biết, thời gian vừa qua, Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ đã chủ động quyết liệt lãnh đạo phòng, chống dịch và phát triển kinh tế - xã hội, Chủ tịch Quốc hội, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, lãnh đạo Đảng và Nhà nước đã quan tâm sát sao chỉ đạo với nhiều giải pháp linh hoạt.

Theo đó, Chính phủ đã ban hành quy định về việc giảm và hoãn thuế 147.300 tỷ đồng, miễn 30 loại phí và lệ phí, ban hành 17 Nghị định, 50 Thông tư và đặc biệt là Nghị định 52/2021/NĐ-CP đã giảm, hoãn được 37.500 tỷ đồng và một số Nghị định khác đã mở đường cho việc phát triển nguồn lực…

Chính phủ cũng ban hành gói hỗ trợ theo Nghị quyết số 68/NĐ-CP là 26.000 tỷ đồng và chi phí chống dịch là 5.156 tỷ đồng; đã xây dựng được Quỹ Vắc xin phòng Covid-19 là 8.300 tỷ đồng tính đến thời điểm hiện nay. Đồng thời, bố trí nguồn mua 2 loại vắc xin với 91 triệu liều, trong đó đã chủ động chi 8.187 tỷ đồng và đang trình 12.280 tỷ đồng. Ngoài ra, xuất từ Tổng cục Dự trữ quốc gia các loại vật tư, hàng hóa phục vụ công tác chống dịch; đồng thời kịp thời giải quyết, tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc để tập trung chống dịch.

Bên cạnh đó, Bộ trưởng Hồ Đức Phớc cho biết, hiện nay Bộ Tài chính đang được Chính phủ giao nghiên cứu gói hỗ trợ mới về thuế, phí. “Chúng tôi sẽ báo cáo Chủ tịch Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Chính phủ để quyết định gói hỗ trợ này với số tiền khoảng 24.000 tỷ đồng. Đồng thời, Bộ Tài chính cũng đang trình Chính phủ hoãn thực hiện Thông tư số 40/2021/TT-BTC cho đến ngày 01/01/2022” – Bộ trưởng nói.

Trong thời gian tới, để thực hiện “mục tiêu kép”, Bộ Tài chính đã trình Chính phủ thực hiện chủ trương giảm 10% chi thường xuyên; giảm 50% chi hội họp, công tác phí, công tác nước ngoài… Đồng thời, nâng cao hiệu quả đầu tư công, kể cả các dự án ODA, cắt giảm các dự án không hiệu quả và các dự án vay ưu đãi; quản lý tốt thị trường chứng khoán, bảo hiểm, thị trường tiền tệ, kết hợp chính sách tiền tệ và chính sách tài khóa một cách hợp lý trong quá trình điều hành.

“Chúng tôi rất mong các Bộ, các địa phương hết sức ủng hộ chủ trương này để chúng ta dành kinh phí phòng, chống dịch và ưu tiên đầu tư phát triển. Đồng thời, đề nghị Quốc hội, các đại biểu Quốc hội tiếp tục giám sát để thực hiện tốt chủ trương trên” - Bộ trưởng Hồ Đức Phớc chia sẻ.

Tháo gỡ những khó khăn về định giá doanh nghiệp

Liên quan đến vấn đề cổ phần hóa DNNN, Bộ trưởng Bộ Tài chính nêu rõ, trong 6 tháng đầu năm đã thực hiện phê duyệt được 3 DN và thoái vốn được 9 DN với số vốn 2.081 tỷ đồng. Tuy nhiên, chủ trương là sẽ cổ phần hóa những đơn vị làm ăn không hiệu quả còn những DNNN đang làm ăn hiệu quả, là “những con gà đẻ trứng vàng” thì tiếp tục để phát triển. Vì vậy, vừa qua, Bộ Tài chính đã tham mưu cho Chính phủ cho phép dùng phần lợi nhuận để lại của 4 ngân hàng thương mại gồm: Vietcombank, Vietinbank, BIDV, Agribank để tăng vốn điều lệ nhằm tăng sức mạnh của DNNN, tạo nên những “quả đấm thép” để hỗ trợ cho các ngành khác phát triển.
                
   

Quang cảnh phiên thảo luận - Ảnh: quochoi.vn

   

“Sắp tới chúng tôi sẽ cùng với các Bộ, ngành, địa phương đẩy mạnh phê duyệt phương án tháo gỡ những vướng mắc, khó khăn về vấn đề định giá, về vấn đề đất đai và tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo để thực hiện có hiệu quả vấn đề cổ phần hóa” - Bộ trưởng Hồ Đức Phớc cho biết.

Đề cập đến vấn đề mua sắm vật tư y tế, thiết bị phòng, chống dịch, Bộ trưởng Hồ Đức Phớc nêu rõ, vấn đề này đã được giải quyết tại các nghị quyết của Chính phủ. Theo đó, trong điều kiện dịch bệnh, được chỉ định thầu để mua sắm các vật tư y tế trong những điều kiện khẩn cấp. Bộ Y tế chịu trách nhiệm về vấn đề thẩm định giá và vấn đề mua bán theo đúng nghị định của Thủ tướng Chính phủ. Hiện nay, Bộ Tài chính cũng đã ban hành thông tư hướng dẫn các địa phương cũng như Bộ Y tế thực hiện việc mua sắm để phục vụ phòng, chống dịch kịp thời, hiệu quả.
N. HỒNG