Phải đưa tiết kiệm, chống lãng phí trở thành thói quen, nếp sống của mỗi công dân
Chính trị - Ngày đăng : 18:11, 29/07/2021
(BKTO) - Chỉ ra những tồn tại, hạn chế trong công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí (TKCLP), các đại biểu Quốc hội cho rằng, cùng với việc hoàn thiện chính sách pháp luật, xây dựng các tiêu chí, định mức, chỉ số đánh giá mang tính định lượng, thì cần chú trọng công tác tuyên truyền, giáo dục để việc TKCLP trở thành thói quen, nếp sống của mỗi người…
Bức xúc với tình trạng lãng phí trên nhiều lĩnh vực
Các đại biểu Quốc hội đánh giá, năm 2020 Đảng, Nhà nước và Chính phủ tiếp tục có những chủ trương, giải pháp tích cực trong công tác thực hành TKCLP và đã đem lại nhiều kết quả rất tích cực, góp phần vào thực hiện thành công các mục tiêu kinh tế - xã hội mà chúng ta đã đề ra. Tuy nhiên, công tác thực hành TKCLP vẫn còn những hạn chế, trong đó có những hạn chế đã diễn ra nhiều năm nhưng chậm được khắc phục.
Đề cập đến lãng phí trong lĩnh vực đầu tư công, đại biểu Đào Hồng Vận (Hưng Yên) cho rằng, từ việc một số công trình chậm tiến độ, chậm triển khai thực hiện và hoàn thành đã gây lãng phí không nhỏ, trong đó có lãng phí về mặt tài chính do kéo dài, do tăng giá, trượt giá, tăng vốn; lãng phí về cơ hội do không kịp thời được đưa vào sử dụng để phát huy hiệu quả cũng như lãng phí về mặt xã hội, ảnh hưởng đến đời sống của nhân dân.
Đại biểu Hoàng Văn Cường phát biểu thảo luận - Ảnh: quochoi.vn |
Một dạng lãng phí khác được đại biểu Cường chỉ ra là những dự án đầu tư xong không có hiệu quả hoặc hiệu quả không cao. Đó là những lãng phí từ quyết định đầu tư dẫn đến không mang lại lợi ích xã hội, lãng phí do không có sự phối hợp, tính toán một cách chắc chắn về bước đi. Bên cạnh đó là lãng phí trong việc sử dụng tài sản công, trụ sở làm việc, tài sản của các DN.
“Rất nhiều trụ sở làm việc của các cơ quan ở những vị trí đất vàng, nhưng sử dụng không hiệu quả. Cử tri và nhân dân cũng bức xúc về lãng phí tài sản ở các DNNN không có hiệu quả, những DN yếu kém, thua lỗ. Điển hình như 12 đại dự án thua lỗ, khi chúng ta không xử lý được thì hàng năm tiếp tục lỗ thêm, tài sản tiếp tục hư hỏng. Đó sẽ là một lãng phí vô cùng lớn của xã hội” - đại biểu Cường chỉ rõ và đề nghị cần có các giải pháp mạnh để dứt điểm việc lãng phí những nguồn lực rất lớn này.
Đại biểu Nguyễn Danh Tú (tỉnh Kiên Giang) thì đề nghị giải quyết dứt điểm với các dự án treo, bởi: “Có dự án đến 26 năm vẫn nằm trên giấy, có dự án treo gần 3 thập niên, có dự án 10 năm vẫn là khu đất trống. Các dự án treo thời gian dài chưa triển khai hoặc triển khai dở dang, gây lãng phí nguồn lực của Nhà nước, của xã hội, người dân, ảnh hưởng đến phát triển kinh tế - xã hội” - đại biểu phản ánh.
Phải đưa tiết kiệm, chống lãng phí thành ý thức tự thân, thói quen hàng ngày
Từ thực tế trên, các đại biểu cho rằng, để thực hành tiết kiệm và ngăn ngừa lãng phí, Chính phủ cần tập trung hoàn thiện các quy định của pháp luật về đầu tư xây dựng, về đất đai, đảm bảo đồng bộ và thuận lợi trong triển khai thực hiện. Đồng thời, đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính trong các khâu, từ giao kế hoạch, thẩm định, quyết định đầu tư, nâng cao phân cấp, phân quyền trong đầu tư xây dựng cơ bản, gắn việc giao quyền với chế độ chịu trách nhiệm…
Đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga phát biểu thảo luận - Ảnh: quochoi.vn |
Đại biểu Nguyễn Văn Cảnh (tỉnh Bình Định) cũng cho rằng, cần có chỉ số đánh giá về thực hiện TKCLP. Với việc hình thành các chỉ số cụ thể và hiệu quả sử dụng ngân sách thì trách nhiệm của các địa phương đối với hiệu quả sử dụng ngân sách sẽ được tăng lên, lợi thế riêng của từng địa phương sẽ được phát huy tốt hơn và lúc đó sẽ có nhiều con số định lượng để chúng ta phân tích ngân sách tốt hơn.
Đặc biệt, tại phiên thảo luận, nhiều đại biểu Quốc hội nhấn mạnh đến việc thực hành TKCLP phải trở thành ý thức tự thân, trở thành thói quen của mỗi công dân.
Đại biểu Trương Trọng Nghĩa (TP. Hồ Chí Minh) nêu quan điểm: TKCLP phải bền vững, lâu dài, mọi nơi, mọi lúc, mọi việc; TKCLP phải trở thành một thói quen, một nếp sống của từng cá nhân trước khi nó là một yêu cầu đối với một cán bộ, công chức ở một cơ quan.Muốn vậy, vấn đề TKCLP phải là một tiêu chí để đánh giá thành tích của cán bộ của tổ chức, của cơ quan.
Đồng quan điểm, đại biểu Nguyễn Anh Trí (TP. Hà Nội) cho rằng, chống lãng phí trước hết là phải thực hành tiết kiệm và quan trọng hơn là không làm ra những việc gây lãng phí. Muốn vậy phải đẩy mạnh giáo dục, truyền thông về TKCLP. “Phải coi tiết kiệm là lẽ sống, là đạo đức để sống, để thực hành và quản lý xã hội” - đại biểu nói.
Chỉ ra thực tế hiện nay nhiều nơi, nhiều người hiểu chưa đúng về TKCLP, cho rằng chỉ NSNN được kiểm soát chặt chẽ mới cần tiết kiệm, đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga (tỉnh Hải Dương) cho rằng, nếu việc tiết kiệm chưa trở thành phẩm chất của mỗi công dân thì tất cả mọi kế hoạch TKCLP sẽ mang tính hình thức và chưa đi vào thực chất.
“Muốn TKCLP đi vào thực chất, hiệu quả hơn thì cần có sự thay đổi từ trong nhận thức, trong giáo dục lối sống của mỗi người. Làm được điều đó thì việc TKCLPsẽ không chỉ nằm trong những báo cáo hằng năm về việc chúng ta cắt giảm được bao nhiêu phần trăm kinh phí” - đại biểu Nga nêu quan điểm./.
N.HỒNG