Xây dựng lại mạng lưới đại học theo hướng để thị trường điều tiết
Xã hội - Ngày đăng : 18:35, 12/01/2017
(BKTO) - Đào tạo không tính tớiyếu tố thị trường, nhiều cơ sở đào tạo không đạt tiêu chuẩn… được cho là những nguyênnhân chính dẫn đến chất lượng giáo dục đại học (ĐH) còn nhiều bất cập. Bên cạnhviệc bàn giải pháp nâng cao chất lượng giáo dục ĐH, nhiều vấn đề gợi mở trong bốicảnh mới như chú trọng tạo dựng tinh thần khởi nghiệp cho sinh viên cũng được cácđại biểu chỉ ra tại Hội nghị giải pháp nâng cao chất lượng giáo dục ĐH diễn ramới đây.
Cần phải xây dựng tinh thần khởi nghiệp cho sinh viên tự tạo việc làm cho mình và cho người khác. Ảnh: TS
Đào tạo ồ ạt, chất lượng đi xuống
Dẫn số liệu thống kê của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, về tình hình việc làm hiện nay, trong đó nhóm lao động có “trình độ cao đẳng chuyên nghiệp” và “ĐH trở lên” có tỷ lệ thất nghiệp cao (chiếm 12,58%), GS.TS Đặng Kim Vui - Giám đốc ĐH Thái Nguyên cho rằng, đó là những con số đáng báo động. Kết quả này cũng phản ánh chất lượng đào tạo ĐH của Việt Nam đang ở mức thấp. Nguyên nhân là do số lượng sinh viên tuyển vào quá nhiều so với năng lực thực tế của các trường. Trong khi đó, nhiều trường ĐH còn chưa đảm bảo tiêu chuẩn đào tạo, từ đội ngũ giảng viên, cơ sở vật chất đến định hướng đào tạo…
PGS.TS Lê Kim Long - Hiệu trưởng trường ĐH Giáo dục (ĐH Quốc gia Hà Nội) - cũng cho rằng, chất lượng đào tạo ĐH đáng báo động như vừa qua, là hệ quả của một thời kỳ “bùng nổ” các trường ĐH, vượt khả năng kiểm soát của cơ quan quản lý. Tuy nhiên, tình trạng sinh viên ra trường không có việc làm, lỗi không thể đổ hết cho cơ quan quản lý, nhà trường mà bản thân người học chưa thực sự năng động, chưa có trách nhiệm với việc học tập của mình.
Thừa nhận chất lượng đào tạo ĐH của Việt Nam là thấp, nhưng theo Hiệu trưởng Trường ĐH Bách khoa Hà Nội Hoàng Minh Sơn, so với chi phí mà Việt Nam đầu tư cho mỗi suất sinh viên thì hiệu quả không thấp. Ông Sơn cho rằng, hiện chi phí đào tạo ĐH của Việt Nam chỉ bằng 1/17 Malaysia, 1/15 Singapore, hay 1/20 của Hồng Kông là rất thấp, trong khi bối cảnh đang đòi hỏi sự cạnh tranh rất lớn giữa các trường. Với nguồn chi phí như vậy thì các trường không thể tham gia cuộc chơi mang tính hội nhập như hiện nay.
Đồng tình với ý kiến này, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ cho biết, hiện nay, chi phí đào tạo cho sinh viên của Việt Nam chỉ khoảng 13 triệu đồng/năm, tính ra khoảng 500 USD. Trong khi đó, mức này ở Mỹ là 16.000 USD với trường công và 36.000 USD với trường tư. Điều này dẫn đến các trường phải tập trung thời gian cho việc tìm kiếm nguồn thu, lấy thu bù chi, duy trì tồn tại nên ít có điều kiện tập trung nâng cao chất lượng đào tạo.
Chú trọng tạo dựng tinh thần khởi nghiệp cho sinh viên
Tình trạng trường không đạt chuẩn được xác định là lý do lớn nhất dẫn đến những hạn chế trong chất lượng đào tạo, do đó, nhiều đại biểu cho rằng, đã đến lúc cần cơ cấu lại chính hệ thống các trường. PGS.TS Võ Văn Sen - Hiệu trưởng Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn (ĐH Quốc gia TP. HCM) nhấn mạnh: “Quá khứ của chúng ta đã mắc phải sai lầm đó là đẻ ra quá nhiều trường ĐH không đạt chuẩn. Vì vậy, việc cần làm bây giờ là phải khắc phục những sai lầm đó bằng cách chấn hưng lại mạng lưới ĐH”.
Đáp lại ý kiến của các đại biểu, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cho biết, tới đây Bộ sẽ tiến hành quy hoạch rà soát lại mạng lưới ĐH. Các trường phải tiến hành kiểm định chất lượng; trường nào xét thấy không trụ nổi thì tôi nghĩ chính các trường muốn khai tử chứ không chờ cơ quan quản lý lên tiếng.
Lưu ý trọng tâm của việc cơ cấu lại các trường là xây dựng mạng lưới các trường ĐH theo hướng để thị trường điều tiết không can thiệp bằng các biện pháp hành chính, Bộ trưởng Bộ Giáo dục cũng chỉ ra những khó khăn, thách thức mà các trường sẽ gặp phải, như tình trạng các ngành thị trường cần nhưng nhà trường lại không có đủ điều kiện, năng lực để đáp ứng, môi trường chính sách chưa kiến tạo được cho các trường ĐH tiếp cận với nhu cầu thực tế…
Cũng theo Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ, vấn đề quan trọng là các chương trình đào tạo phải được xây dựng sao cho phù hợp với yêu cầu của DN và thị trường hiện nay. Để làm được điều này, các trường phải thắt chặt mối quan hệ giữa nhà trường và DN. Bên cạnh đó, để tạo việc làm cho sinh viên phải đổi mới cách thức đào tạo để có tinh thần khởi nghiệp, tự tạo việc làm cho họ và cho những người khác. Khi kinh tế không phát triển mạnh, số việc làm không thay đổi nhiều thì việc trang bị cho sinh viên tinh thần khởi nghiệp có thể giải quyết căn bản cho vấn đề sinh viên không có việc làm.
Đối với khó khăn do nguồn thu thấp, khó nâng cao chất lượng đào tạo của các trường, Bộ trưởng Bộ Giáo dục cho rằng, hiện đang có 15 trường được giao thí điểm tự chủ hoàn toàn, được chủ động trong mức thu học phí, tuyển sinh… Sau khi tổng kết, đánh giá, rút kinh nghiệm, mô hình này sẽ được nhân rộng ra toàn hệ thống giáo dục ĐH để đảm bảo những điều kiện phát triển tốt nhất cho các trường.
THU HIỀN