Tiềm năng tăng trưởng lớn của các công ty đại chúng uy tín và hiệu quả

Đầu tư - Ngày đăng : 14:15, 30/07/2021

(BKTO) - Top 50 Công ty Đại chúng uy tín và hiệu quả (VIX50) năm 2021 trong Bảng xếp hạng mà Vietnam Report mới công bố không chỉ thể hiện sự vượt trội về sức mạnh tài chính mà còn thể hiện tiềm năng tăng trưởng, phát triển bền vững, chất lượng quản trị và vị thế trong ngành.


                
   

Top 50 Công ty Đại chúng uy tín và hiệu quả năm 2021. Nguồn: Vietnam Report

   

Lợi nhuận cao, tiềm năng tăng trưởng lớn

Tại thời điểm cuối tháng 5/2021, vốn hóa của 50 công ty đại chúng trong VIX50 chiếm trên 60% của toàn thị trường, ROE năm 2020 trung bình đạt 16,82%, tốc độ tăng trưởng kép của doanh thu và lợi nhuận trung bình 5 năm đạt tương ứng lần lượt là 11,99% và 17,17%.

Trong danh sách của VIX50, có 27 công ty đạt vốn hóa trên một tỷ USD, 21 công ty đạt doanh thu trên 1 tỷ USD, và 36 công ty đạt lợi nhuận trên 1.000 tỷ đồng. Kết quả này cho thấy sức mạnh nội tại, khả năng thích ứng và sẵn sàng đón nhận những cơ hội khi đại dịch đi qua của các doanh nghiệp trong Top 50 Công ty Đại chúng uy tín và hiệu quả.

Do đặc thù ngành hàng, nhóm ngành ngân hàng chiếm nhiều cái tên nhất với 12 cái tên trong Top 50. Bên cạnh đó là nhóm ngành bất động sản, sản xuất thực phẩm, dịch vụ tài chính, hóa chất, xây dựng và vật liệu xây dựng. Trong danh sách này, Vingroup là quán quân về doanh thu, còn Vinhome là quán quân về lợi nhuận.
                
   

Vốn hóa thị trường của 50 Công ty Đại chúng uy tín và hiệu quả năm 2021. Nguồn: Vietnam Report

   

Xét về hiệu quả sinh lời ROE thì Nam Tân Uyên là doanh nghiệp đứng đầu, tiếp đó là Vicostone và Cao su Phước Hòa. Các tên tuổi như Vinhomes (VHM), Tienphongbank (TPB), VIBbank (VIB), Thế giới số (DGW), Thành Thành Công - Biên Hòa (SBT), Chứng khoán Sài Gòn - Hà Nội (SHS), Chứng khoán Vndirect (VND), Tập đoàn Hòa Phát (HPG), Bất động sản Phát Đạt (PDR), MBBank (MBB) thuộc nhóm doanh nghiệp có tốc độ tăng trưởng kép về doanh thu giai đoạn 2016-2020 cao nhất thị trường (trên 20%).

Trong Top 10 doanh nghiệp đứng đầu, có tới 06 doanh nghiệp thuộc nhóm ngành ngân hàng, cho thấy khả năng tăng trưởng vượt trội của nhóm ngành này so với thị trường chung (tăng trưởng lợi nhuận sau thuế trung bình ngành ngân hàng trong quý I/2021 đạt hơn 120%).

Theo khuyến nghị của các chuyên gia, trong bối cảnh nền kinh tế Việt Nam đang dần phải thích nghi với trạng thái “bình thường tiếp theo”, các công ty đại chúng trong VIX50 cần phải tiếp tục cân bằng chiến lược tối ưu hóa chi phí đồng thời chuyển hướng đầu tư cho các yếu tố giúp tăng trưởng trong bối cảnh mới.

Đây cũng chính là thời điểm thích hợp để rà soát lại các lĩnh vực ưu tiên và tìm kiếm sự khác biệt trong chuỗi giá trị và vận hành doanh nghiệp theo những phương thức mới để giữ vững được uy tín thương hiệu, nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh và phát triển bền vững cho các doanh nghiệp VIX50 trong thời kỳ bình thường tiếp theo.

Chiến lược sẵn sàng để phát triển bền vững

Trải qua 2 năm đối phó với sự khắc nghiệt từ đại dịch Covid-19, các doanh nghiệp đều đã có những kinh nghiệm và bài học riêng để thích ứng với thời kỳ khủng hoảng và đầy biến động này. Hiện nay, đại dịch vẫn đang diễn biến hết sức phức tạp trên phạm vi toàn cầu, ảnh hưởng mạnh mẽ tới nhiều lĩnh vực ngành nghề và cả nền kinh tế. Đỉnh dịch tại Việt Nam vẫn chưa thể xác định, tuy nhiên, có thể chắc chắn rằng Covid-19 đã và đang thay đổi thói quen người tiêu dùng trên toàn cầu trong đó có Việt Nam.
                
   

Chiến lược phát triển của Top 50 Công ty Đại chúng uy tín và hiệu quả năm 2021. Nguồn: Vietnam Report

   

Hơn nữa, những năm trở lại đây, sự lan tỏa của cuộc cách mạng 4.0 trên thế giới đã tạo ra những áp lực càng tăng cho doanh nghiệp Việt về nỗi lo của sự tụt hậu trên thị trường, hay sự kém hiệu quả của các cấu trúc tổ chức ma trận truyền thống còn nhiều tính phức tạp. Trước bối cảnh này, doanh nghiệp Việt cần phải có sự chuyển mình liên tục để thích ứng với môi trường mới, mô hình kinh doanh mới, đánh giá lại các chiến lược cũng như xác định lại vị thế trên thị trường để có thể phát triển trong dài hạn.

Danh sách VIX50 năm 2021 có phần lớn doanh nghiệp là những tên tuổi trên thị trường, không chỉ dẫn đầu về năng lực cạnh tranh trong lĩnh vực hoạt động mà còn trong cả nền kinh tế. Tuy nhiên, nhìn về tương lai, để cải thiện khả năng phát triển hơn nữa thì không chỉ những doanh nghiệp VIX50 mà cả các doanh nghiệp khác đều cần phải xác định doanh nghiệp mình ở đâu và đại diện cho điều gì; từ đó, thiết lập tốc độ và nhịp độ vận hành; sáng tạo và tìm kiếm những ý tưởng mới để có thể “trăm trận trăm thắng”.

Cuộc khủng hoảng Covid-19 và Cách mạng công nghiệp 4.0 đã khiến yếu tố tốc độ trở thành ưu tiên hàng đầu của nhiều doanh nghiệp, nhằm chống lại khả năng tiệm cận ranh giới bị đào thải trên thị trường. Các mô hình vận hành thời kỳ mới cần phải nhanh chóng, linh hoạt và đơn giản hóa hơn để có thể tạo ra một mạng lưới các nhóm nhân viên làm việc năng động, được trao khả năng quyết định để tìm ra các nguồn giá trị mới.

Cụ thể, cuộc khủng hoảng Covid-19 đã buộc các công ty phải “tăng tốc” trong việc đưa ra quyết định khi cần thiết. Nhưng khi bước sang giai đoạn bình thường tiếp theo, các doanh nghiệp phải xem xét lại các nguyên lý cơ bản của tổ chức để tránh đưa ra những quyết định phức tạp và có thể gây tốn kém cho doanh nghiệp.

Còn cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 đã thúc đẩy khả năng kết nối và tự động hóa ngày càng gia tăng, do đó các doanh nghiệp phải chuẩn bị để có thể thích ứng và phát triển nhanh hơn trong bất cứ hoàn cảnh nào. Doanh nghiệp cần liên tục tương tác, mở rộng và khai thác hệ sinh thái gồm các đối tác bên ngoài ranh giới truyền thống, xây dựng các nền tảng công nghệ với dữ liệu lớn thúc đẩy quá trình đổi mới, đồng thời tăng tốc độ học tập của nhân viên để thúc đẩy các tài năng mà doanh nghiệp cần.

PHÚC KHANG