Vững tin vào con đường đi lên xã hội chủ nghĩa
Đối nội - Ngày đăng : 18:08, 30/07/2021
(BKTO) - Lắng đọng và thể hiện tầm nhìn, tính dự báo sâu sắc, toát lên khát vọng, niềm tin, sự kiên định với con đường mà dân tộc đã lựa chọn - đó là đánh giá của các chuyên gia, học giả về Bài viết của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng với nhan đề: "Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về chủ nghĩa xã hội (CNXH) và con đường đi lên CNXH ở Việt Nam".
Xây dựng chế độ xã hội chủ nghĩa để đem lại tự do, hạnh phúc cho Nhân dân
Bày tỏ sự tâm đắc với bài viết với những luận điểm thuyết phục, giàu tính “chiến đấu” trong bối cảnh toàn Đảng, toàn dân đang đứng trước những thách thức to lớn, PGS,TS. Lưu Ngọc Khải (Viện Khoa học xã hội và nhân văn quân sự) cho rằng, bài viết của Tổng Bí thư đã thể hiện sự nhất quán, khẳng định xây dựng chế độ XHCN ở Việt Nam vì mục tiêu cuối cùng là đem lại tự do, hạnh phúc của Nhân dân: “Chúng ta cần một xã hội mà trong đó sự phát triển là thực sự vì con người, chứ không phải vì lợi nhuận mà bóc lột và chà đạp lên phẩm giá con người. Chúng ta cần sự phát triển về kinh tế đi đôi với tiến bộ và công bằng xã hội, chứ không phải gia tăng khoảng cách giàu nghèo và bất bình đẳng xã hội (...). XHCN mà Nhân dân ta xây dựng là một xã hội: Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh. Đảng, Nhà nước luôn luôn thực hiện quan điểm nhất quán là “dân là gốc”, với phương châm “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng”.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng chúc tết công nhân lao động. Ảnh: TTXVN |
Khẳng định mối quan hệ giữa Đảng, Nhà nước và Nhân dân là trường tồn, PGS,TS. Đỗ Thị Thạch - nguyên Viện trưởng Viện Chủ nghĩa xã hội khoa học - tâm đắc: Bài viết của Tổng Bí thư đã nhận diện rất rõ, mạch lạc mối quan hệ này trong chế độ XHCN và thể hiện quan điểm xuyên suốt của Đảng ta từ khi còn là tổ chức tiền thân cho đến nay.
Đề cập thêm về vấn đề này, PGS,TS. Đỗ Thị Thạch cho biết, hệ thống chính trị của hầu hết các nước trên thế giới ngày nay đều được cấu trúc bởi ba chủ thể: Đảng chính trị, Nhà nước và Nhân dân. Tùy theo vai trò, chức năng và mối quan hệ giữa các chủ thể này mà hình thành nên những hệ thống chính trị có những đặc điểm và bản chất chính trị khác nhau ở các nước. Ở nước ta, ngay từ khi Nhà nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa được xác lập, Đảng ta đã khẳng định: Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, nhưng người chủ của đất nước là Nhân dân. Như Tổng Bí thư nhấn mạnh: “… Một hệ thống chính trị mà quyền lực thực sự thuộc về Nhân dân, do Nhân dân và phục vụ lợi ích của Nhân dân, chứ không phải chỉ cho một thiểu số giàu có”. Đây là đặc điểm cơ bản nhất, thể hiện bản chất của chế độ ta, là cơ chế vận hành của xã hội ta.
“Quyền lực chính trị của Đảng, quyền lực của Nhà nước là do Nhân dân ủy quyền. Đảng viên của Đảng, cán bộ, công chức của Nhà nước là con em của Nhân dân, được dân nuôi dưỡng, tạo điều kiện làm việc để phục vụ Nhân dân, phải là “công bộc”, “đầy tớ” của Nhân dân” - PGS,TS. Đỗ Thị Thạch nhấn mạnh và cho rằng, đây cũng chính là tư tưởng lớn, bao trùm trong Bài viết của Tổng Bí thư.
Không những chỉ ra, làm sâu sắc thêm mối quan hệ giữa Đảng, Nhà nước và Nhân dân, theo PGS,TS. Đỗ Thị Thạch, trong Bài viết, Tổng Bí thư còn đặt ra yêu cầu, mệnh lệnh hành động; vừa có tính chất dẫn lối lại hết sức cụ thể, ai đọc cũng có thể hiểu: “Nhân dân là người chủ xã hội, cho nên Nhân dân không chỉ có quyền mà còn có trách nhiệm tham gia hoạch định, thi hành các chủ trương, chính sách của Đảng và pháp luật của Nhà nước.”
Mang đậm hơi thở của cuộc sống, thời đại
Bài viết của Tổng Bí thư, theo PGS,TS. Lưu Ngọc Khải, dù ngắn gọn, súc tích song đã thể hiện các giá trị lớn bao trùm trên các mặt lý luận, tư tưởng và tổ chức, triển khai; bất cứ ai đọc cũng có thể cảm nhận rõ, hiểu đúng để vận dụng vào thực tiễn.
Với tinh thần, công tác lý luận phải đi trước, phải soi sáng, mở đường để đưa lại những hành động đúng đắn, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đặt ra nhiệm vụ đối với toàn Đảng nói chung và đội ngũ làm công tác lý luận nói riêng là tăng cường tổng kết thực tiễn để làm rõ hơn nữa lý luận về con đường đi lên CNXH ở Việt Nam trong thời kỳ đổi mới, dưới tác động biến đổi của các nhân tố thời đại và thế giới hiện nay.
Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc (thứ 2, từ trái sang) thăm, tặng quà gia đình chính sách tại Hà Nội. Ảnh: Báo Nhân dân |
Theo ThS. Bùi Thị Thu (Trường Chính trị tỉnh Thanh Hóa), Bài viết của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng là một công trình khoa học có giá trị to lớn cả về lý luận và thực tiễn. Bài viết đã đi sâu nghiên cứu, phân tích, dẫn chứng làm sáng tỏ nhiều vấn đề về CNXH và con đường đi lên CNXH ở nước ta. Những nội dung đó được trình bày một cách hệ thống, đồng bộ và đầy sức thuyết phục.
Đánh giá rất cao giá trị tư tưởng cũng như tính thời sự của bài viết, ThS. Bùi Thị Thu cho rằng, Bài viết của Tổng Bí thư được công bố trong bối cảnh nước ta đang chuẩn bị kỷ niệm 131 năm Ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh; là lúc cả nước ra sức thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng với những nhiệm vụ lớn lao; là lúc cử tri cả nước chuẩn bị bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021-2026, lựa chọn những người đại diện xứng đáng cho mình vào cơ quan quyền lực cao nhất của đất nước; cùng với đó là cả dân tộc quyết liệt phòng, chống dịch Covid-19. Bài viết, vì thế có tác động rất lớn đến tư tưởng, tình cảm, hành động của mỗi cán bộ, đảng viên và Nhân dân. Đây như một lời hiệu triệu gửi đến mọi người dân Việt Nam, đồng lòng, đồng sức phát triển đất nước, xây dựng thành công CNXH.
Đồng quan điểm, TS. Lê Thị Chiên (Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh) khẳng định: Trong bối cảnh Đảng ta đang đẩy mạnh tuyên truyền, quán triệt, đưa Nghị quyết Đại hội XIII vào cuộc sống, Bài viết của Tổng Bí thư vừa có ý nghĩa quan trọng trong việc thống nhất nhận thức, tư tưởng về những nội dung của Nghị quyết Đại hội XIII, vừa trực diện đấu tranh, phản bác những quan điểm sai trái, thù địch về con đường đi lên CNXH ở Việt Nam; đồng thời tiếp thêm niềm tin, sức mạnh cho dân tộc trong quá trình xây dựng CNXH.
Sau khi Bài viết của Tổng Bí thư được đăng tải rộng rãi, giới khoa học, học giả trong nước và quốc tế đã dành sự quan tâm đặc biệt. Bởi, những nhận định, đánh giá trong Bài viết đã đặt ra vấn đề xây dựng con đường đi lên CNXH ở Việt Nam với đích đến: Vì sự tự do, hạnh phúc cho Nhân dân. Vì thế, “mọi đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật và hoạt động của Nhà nước đều vì lợi ích của Nhân dân, lấy hạnh phúc của Nhân dân làm mục tiêu phấn đấu”. Đồng thời, Bài viết còn là tài liệu quý để các quốc gia, đặc biệt là các nước trong hệ thống XHCN đều có thể nghiên cứu, vận dụng vào thực tế của dân tộc mình, vào tương lai xây dựng một chế độ xã hội tiến bộ, ưu việt nhất của loài người./.
NGUYỄN LỘC