Năm học mới: Lại “nóng” các khoản thu ngoài luồng

Xã hội - Ngày đăng : 10:05, 20/09/2017

(BKTO) - Năm học mới 2017-2018 vừa chính thức bắt đầu được ít ngày, thế nhưng, câu chuyện lạm thu tiếp tục trở thành chủ đề “nóng” khi tình trạng thu ngoài quy định tại các cơ sở giáo dục xuất hiện ngày càng nhiều.


Trăm khoản thu đổ đầu…năm học mới

Dù lễ khai giảng năm học vừa diễn ra được vài ngày, thế nhưng tại nhiều trường học đã xuất hiện hiện tượng lạm thu, tạo gánh nặng cho gia đình học sinh. Bức xúc trước các khoản phí thu vô lý, nhiều phụ huynh Trường Tiểu học Uy Nỗ (huyện Đông Anh - Hà Nội) đã phản ánh đến các cơ quan báo chí về việc nhà trường thu 150 nghìn đồng/học sinh/tháng cho chương trình học tiếng Anh có giáo viên nước ngoài. Mỗi học sinh cũng được yêu cầu nộp 40 nghìn đồng/tháng cho giáo dục kỹ năng sống, dù trong chương trình đã có môn học đạo đức dạy kỹ năng này. Ngoài ra, phụ huynh phải nộp tiền mua điều hòa đầu cấp với số tiền 1 triệu đồng/học sinh.

Tương tự, tại Trường Tiểu học Chúc Sơn A (huyện Chương Mỹ - Hà Nội), nhiều phụ huynh cũng phản ánh về những khoản đóng góp phi lý đầu năm học mà nhà trường đưa ra, như: tiền phòng học 40 nghìn đồng/tháng; dạy kỹ năng sống 50 nghìn đồng/tháng; tiếng Anh chương trình trong nước 50 nghìn đồng/tháng… Đối với máy chiếu trong các phòng học, học sinh đầu cấp được thông báo nộp 500 nghìn đồng/học sinh...

Cá biệt, Trường THCS Minh Tân (huyện Thủy Nguyên, TP. Hải Phòng) thu các khoản đầu năm lên tới hơn 9 triệu đồng, trong đó, chỉ riêng tiền học thêm trái quy định đã lên tới 3 triệu đồng. Theo phản ánh của phụ huynh, trong nhiều năm liền, Trường Tiểu học Thạch Quý (TP. Hà Tĩnh, tỉnh Hà Tĩnh) dù chưa vào năm học mới, nhưng vẫn yêu cầu phụ huynh phải nộp tiền triệu để tu sửa cơ sở vật chất…

Điều đáng nói, các khoản thu ngoài quy định đều được lãnh đạo nhà trường biện minh là đã “thỏa thuận với phụ huynh” và nhiều trường hợp thu tiền nhưng không có hóa đơn. Trong khi phụ huynh cho rằng, khi nhận được thông báo đóng tiền, họ không có nhiều sự lựa chọn bởi lo ngại việc học tập của con sẽ bị ảnh hưởng.

TS. Nguyễn Tùng Lâm - Chủ tịch Hội tâm lý giáo dục Hà Nội - cho rằng, đối với học sinh lớp đầu cấp, em nào cũng phải đóng một khoản để mua điều hoà nhiệt độ, trong khi các thiết bị này hết năm học thường được để lại cho khóa sau dùng… “Vậy, số tiền thu được dùng vào việc gì? Nếu chỉ bảo dưỡng thiết bị thì đó là số tiền quá lớn!” - TS. Lâm cho biết.

Còn theo PGS. TS Mai Văn Hưng - Giám đốc Trung tâm Nhân học và Phát triển trí tuệ (Trường Đại học Giáo dục, Đại học Quốc gia Hà Nội) - thực tế nhiều phụ huynh bỏ trường công lập cho con ra học trường tư để thoát khỏi những bức bối, thiếu minh bạch về tài chính tồn tại rất nhiều năm qua, chưa kể những tiêu cực về thi cử, quà cáp dịp lễ, tết... Tuy nhiên, nhiều gia đình vì không có điều kiện kinh tế vẫn phải cho con theo học, nhưng không dám lên tiếng trước các tiêu cực nên đành “một điều nhịn chín điều lành”.

Cấm thu ngoài luồng,từ văn bản đến thực tiễn

Như thường lệ, ngay trước khi năm học mới được bắt đầu, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) đã có công văn yêu cầu các địa phương và các cơ sở giáo dục trên cả nước cam kết thực hiện giá dịch vụ giáo dục năm học 2017-2018. Công văn cũng đề nghị giãn thời gian, tránh thu cùng một thời điểm đối với các cấp học để hạn chế tối đa tác động của học phí đến chỉ số giá tiêu dùng.

Lãnh đạo Bộ GD&ĐT còn đề nghị các địa phương chỉ đạo các cơ sở giáo dục cam kết và nghiêm túc không thu các khoản thu ngoài học phí trái quy định trong trường học. Các địa phương phải tự chịu trách nhiệm và có hình thức xử lý nghiêm đối với các đơn vị, cá nhân cố tình vi phạm.

Thực hiện chỉ đạo này, cũng như nhiều cơ quan khác, Sở GD&ĐT Hà Nội đã ban hành văn bản hướng dẫn quản lý thu, chi đối với các cơ sở giáo dục, kèm theo đó, cơ quan này đã công bố đường dây nóng tiếp nhận phản ánh tình trạng thu, chi trái quy định của các cơ sở giáo dục trên địa bàn.

Sự vào cuộc chỉ đạo, xử lý của các cơ quan chức năng đã giúp cho vấn nạn lạm thu bớt “nóng” qua từng năm, tuy nhiên, theo các chuyên gia giáo dục, các văn bản chỉ đạo vẫn chung chung, chưa thực sự có giải pháp đột phá. Tình trạng lạm thu từng gây bức xúc trong dư luận xã hội, nhưng việc xử lý trách nhiệm của lãnh đạo trường để xảy ra sai phạm đến đâu vẫn còn là dấu chấm hỏi. GS. Nguyễn Xuân Hãn (Đại học Quốc gia Hà Nội) thẳng thắn: “Liệu có xử lý hay không, hay chỉ đề ra cho có, khiến phụ huynh mất lòng tin!”. Ông Hãn dẫn chứng cụ thể: “Một số cơ sở vừa bị phản ánh là có tình trạng lạm thu, vậy, Hà Nội sẽ xử lý thế nào, dư luận xã hội, phụ huynh đang chờ câu trả lời”.

Trong khi đó, nguyên tắc thu tiền tự nguyện được nêu trong các văn bản, thực chất lại đang bị biến tướng. Cũng là một phụ huynh có con học trường công lập, TS. Lê Thị Hồng Hoa (Học viện Báo chí và Tuyên truyền) cho biết, bản thân chị từng chấp nhận cho qua, khi nhà trường kêu gọi học sinh đóng tiền ngoài quy định. “Chính việc xử lý thiếu nghiêm minh các cơ sở giáo dục có lạm thu đã dung dưỡng cho tiêu cực tồn tại” - TS. Hoa cho biết.

Do đó, theo TS. Hoa, để chống tiêu cực trong trường học nói chung và nạn lạm thu nói riêng không là khẩu hiệu, các cơ quan quản lý cần nghiêm túc chấn chỉnh kỷ luật, kỷ cương tại các cơ sở giáo dục trên địa bàn, trực tiếp là người đứng đầu cơ sở. Chỉ có vậy, lạm thu mới không còn là điệp khúc buồn mỗi dịp đầu năm học.

NGUYỄN LỘC
Theo Tuần Báo ra ngày 14-9-2017