Biến “nguy” thành “cơ”, vượt thách thức để phát triển kinh tế

Đối nội - Ngày đăng : 10:05, 23/06/2021

(BKTO) - Covid-19 bắt đầu xuất hiện từ tháng 12/2019, đến nay, dịch đã lan ra hầu hết các quốc gia trên thế giới. Kinh tế thế giới, trong đó có Việt Nam vẫn đang phải chịu những tác động tiêu cực bởi đại dịch. Ngay lúc này, Việt Nam cần biến “nguy” thành “cơ”, vượt qua thách thức để nền kinh tế tăng tốc, chuyển biến mạnh mẽ, không những bù đắp những tổn thất to lớn do dịch bệnh gây ra mà còn đưa nền kinh tế phát triển, vươn lên.



Việt Nam cần biến “nguy” thành “cơ”, vượt qua thách thức đưa nền kinh tế phát triển, vươn lên. Ảnh: V.HOÀNG

Thứ nhất, nhiệm vụ hàng đầu là tiếp tục thực hiện tốt công tác phòng, chống dịch, kết hợp với đẩy mạnh nghiên cứu và triển khai tiêm vắc-xin ngừa Covid-19. Việt Nam đã khống chế được 3 đợt dịch Covid-19. Tuy nhiên, hiện nay, đợt dịch thứ 4 đang diễn biến theo chiều hướng phức tạp với đa ổ dịch, đa nguồn lây và đa biến chủng. Trong bối cảnh hiện nay, các Bộ, ngành, địa phương cần tiếp tục thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ với tinh thần “chống dịch như chống giặc”; đồng thời vẫn phải quan tâm phát triển kinh tế. Bên cạnh đó, cần đẩy mạnh nghiên cứu, nhập khẩu và tiêm vắc-xin tối đa cho người dân để hướng tới đạt tỷ lệ miễn dịch cộng đồng, nếu không Việt Nam sẽ mất lợi thế trong mở cửa nền kinh tế khi các nước khác đã kiểm soát dịch một cách bền vững bằng chương trình tiêm chủng.

Thứ hai, tiếp tục thực hiện các giải pháp tháo gỡ khó khăn và hỗ trợ hoạt động sản xuất kinh doanh của DN. Đồng thời, cần thêm các chính sách có thể “chạm” tới hầu hết các DN đang gặp khó khăn. Bên cạnh đó, các giải pháp về chuỗi cung ứng phải được triển khai kịp thời để hỗ trợ DN chủ động hơn về nguồn cung ứng nguyên vật liệu, sản xuất linh kiện, sản phẩm trung gian trong nước. DN trong nước cần chủ động, tích cực tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu, tạo ra giá trị gia tăng cao hơn so với trước đây. Ngoài ra, cần lưu ý đến chính sách tiền tệ để cung cấp dòng tín dụng cần thiết, giảm lãi suất cho vay giúp các DN duy trì hoạt động. Trong bối cảnh hiện nay, chính sách tiền tệ đóng vai trò quan trọng. Tuy nhiên, cũng cần lưu ý việc lạm dụng chính sách này dễ dẫn đến rủi ro lạm phát cũng như tính ổn định vĩ mô trong dài hạn.

Các Bộ, cơ quan T.Ư và địa phương cần có chương trình, hành động cụ thể, không gây phiền hà, tạo điều kiện tối đa cho DN khôi phục hoạt động sản xuất, kinh doanh. Đối với KTNN, để tạo điều kiện cho DN khắc phục khó khăn, phát triển sản xuất kinh doanh, ngày 10/4/2020, Ban cán sự đảng KTNN đã ban hành Kết luận số 31-TB/BCS yêu cầu các đơn vị trực thuộc tập trung rà soát, cắt giảm quy mô, rút ngắn thời gian kiểm toán, kể cả các cuộc kiểm toán đã triển khai và các cuộc kiểm toán đã xét duyệt hoặc đã ban hành quyết định kiểm toán nhưng chưa triển khai để các cuộc kiểm toán thuộc Kế hoạch kiểm toán năm 2020 kết thúc trước ngày 30/11/2020 và vẫn đảm bảo chất lượng, hiệu quả.

Ngoài ra, Tổng Kiểm toán Nhà nước yêu cầu các đoàn kiểm toán thuộc Kế hoạch kiểm toán năm 2020 không đối chiếu nghĩa vụ thuế của các DN, trừ trường hợp đặc biệt qua kiểm toán tại cơ quan thuế phát hiện DN có dấu hiệu sai phạm, gian lận thuế nghiêm trọng, thủ trưởng đơn vị chủ trì cuộc kiểm toán báo cáo lãnh đạo KTNN phụ trách xem xét, quyết định việc thực hiện xác minh, đối chiếu thuế. Tương tự, năm 2021, nhằm tiếp tục tạo điều kiện cho các đơn vị được kiểm toán trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, ngày 31/5/2021 Tổng Kiểm toán Nhà nước Trần Sỹ Thanh đã ký ban hành Công văn số 548/KTNN-TH về việc tổ chức hoạt động kiểm toán trong điều kiện dịch Covid-19 trong đó ưu tiên tối đa cho công tác phòng dịch Covid-19, tạo mọi điều kiện cho các cơ quan chức năng, đặc biệt là ngành y tế và các lực lượng trực tiếp phòng, chống dịch thực hiện nhiệm vụ và cho phép lùi thời gian kết thúc các cuộc kiểm toán thuộc Kế hoạch kiểm toán năm 2021 từ ngày 31/10/2021 sang ngày 30/11/2021.

Thứ ba, tăng cường thu hút vốn đầu tư nước ngoài từ làn sóng dịch chuyển đầu tư sau dịch Covid-19. Để thu hút đầu tư, Việt Nam cần tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh; coi trọng công tác quy hoạch và tập trung phát triển kết cấu hạ tầng; tiếp tục đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, tăng cường tính minh bạch, công bằng; kịp thời tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc, tạo điều kiện thuận lợi nhất để các nhà đầu tư nước ngoài tìm hiểu và đầu tư.

Thứ tư, tăng cường giải ngân vốn đầu tư công. Việt Nam cần có chính sách tài khóa kích thích tổng cầu để giảm thiểu tác động bất lợi do giảm tốc của hoạt động kinh tế. Các chính sách kích thích tổng cầu thông qua tăng đầu tư của Nhà nước vào cơ sở hạ tầng phải được coi là giải pháp đặc biệt quan trọng. Các Bộ, ngành, địa phương phải quyết liệt thực hiện đồng bộ các giải pháp để giải ngân vốn đầu tư công theo kế hoạch được giao và các nguồn vốn từ các năm trước chuyển sang.

Thứ năm, tăng cường xuất khẩu và chú trọng thị trường trong nước. Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam và EU (EVFTA) có hiệu lực từ giữa năm 2020 sẽ loại bỏ gần như toàn bộ thuế quan theo lộ trình và mở ra các lĩnh vực mới cho đầu tư. Đây là chất xúc tác, mang đến cho các DN ở Việt Nam lợi thế đẩy mạnh xuất khẩu sang khu vực EU, tháo gỡ khó khăn cho các DN, tạo công ăn việc làm và tăng thu nhập cho người lao động, đóng góp vào tăng trưởng của đất nước. Việt Nam cần đưa ra kế hoạch, giải pháp xuất khẩu hàng hóa sang thị trường EU; nâng cao năng lực sản xuất để có thể đáp ứng được các điều kiện, tiêu chuẩn cao của thị trường châu Âu. Đồng thời, quy mô gần 100 triệu dân có thể coi là “cứu cánh” cho thị trường trong nước. Vì vậy, cần thực hiện tốt Cuộc vận động “người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, khuyến khích tăng cường nhu cầu, tiêu thụ hàng hóa nội địa để giúp các DN ổn định và phát triển sản xuất.

Thứ sáu, đẩy mạnh chuyển đổi số quốc gia. Trong thời gian dịch Covid-19 bùng phát, tỷ lệ sử dụng dịch vụ công trực tuyến đã tăng vọt, lưu lượng truy cập internet cũng tăng gấp đôi, nhiều DN đã xây dựng ứng dụng độc đáo, mới lạ, hiệu quả và đi trước so với thế giới như ứng dụng khai báo y tế bắt buộc tại cửa khẩu, phần mềm dự báo dịch bệnh, phần mềm khai báo y tế tự nguyện NCOVI, dạy và học online, cơ quan làm việc trực tuyến... Dịch Covid-19 đặt ra nhiều thách thức nhưng cũng là thời cơ để Việt Nam vươn lên nhóm 50 nước dẫn đầu về Chính phủ điện tử. Muốn vậy, Việt Nam cần đẩy nhanh việc phát triển và làm chủ các nền tảng số.

Bài tuyên truyền thực hiện Nghị quyết số 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ

ThS. LÊ MINH NAM
Giám đốc Trường Đào tạo và Bồi dưỡng nghiệp vụ kiểm toán, KTNN