WHO sẵn sàng đồng hành với Việt Nam trong ứng phó với Covid-19

Đối nội - Ngày đăng : 08:55, 04/08/2021

(BKTO) - Tại buổi làm việc với Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long chiều 3/8, ông Kidong Park - Trưởng Đại diện Tổ chức Y tế thế giới (WHO) tại Việt Nam, đánh giá dù đợt dịch này rất khó khăn nhưng các ứng phó của Việt Nam đã “đi đúng hướng”; đồng thời khẳng định, WHO sẵn sàng đồng hành với Chính phủ Việt Nam và Bộ Y tế trong công cuộc phòng, chống dịch này.


Tại buổi làm việc, hai bên đã chia sẻ về sự bùng phát của dịch Covid-19 do tác động của biến thể Delta tại nhiều nước trong đó có Việt Nam.

Đánh giá tình hình dịch Covid-19 tại Việt Nam hiện đang diễn biến phức tạp do khả năng lây nhiễm mạnh và tốc độ lây lan rất nhanh của biến thể Delta, Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long nhận định đợt dịch lần này sẽ còn kéo dài.
                
   

Quang cảnh buổi làm việc - Ảnh: Tiến Minh

   

Để ứng phó với đợt dịch này, Việt Nam đã áp dụng các biện pháp quyết liệt, mạnh mẽ hơn so với các đợt dịch trước đây, bao gồm giãn cách xã hội tại nhiều tỉnh, thành phố. Một số tỉnh phía Nam còn áp dụng hình thức bổ sung như không cho phép người dân ra ngoài trong một số khung giờ nhất định.

Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long cho biết, các ca mắc gia tăng nhanh trong thời gian ngắn với nhiều bệnh nhân nặng đã gây áp lực lớn cho y tế, đặc biệt trong công tác điều trị và hồi sức tích cực (ICU).

Song song với việc hướng dẫn các cơ sở y tế thực hiện phân tầng điều trị theo tình trạng bệnh nhân, Bộ Y tế đã thành lập các Trung tâm ICU tại các tỉnh phía Nam do các bệnh viện Trung ương đảm nhiệm với các chuyên gia hàng đầu được tăng cường giúp địa phương chăm sóc, điều trị bệnh nhân Covid-19 hiệu quả. Đơn cử, tại TP. Hồ Chí Minh, hiện có 5 trung tâm hồi sức tại đây với công suất 2.700 giường ICU.

Tại Hà Nội hiện cũng đang gấp rút xây dựng trung tâm ICU, dự kiến sẽ hoàn thành trong ít ngày tới.

Về vắc xin, Bộ Y tế đã và đang nỗ lực để tiếp cận tất cả các nguồn có thể cung ứng vắc xin về một cách nhanh nhất để tiêm chủng sớm nhất cho người dân. Bộ Y tế cũng chỉ đạo đẩy nhanh tốc độ tiêm chủng nhằm tăng độ bao phủ vắc xin. Tuy nhiên, nguồn cung ứng vắc xin vẫn đang là thách thức rất lớn, nhất là trong tháng 8-9/2021.

Tại buổi làm việc, Trưởng Đại diện WHO tại Việt Nam đánh giá, đợt dịch thứ 4 rất khó khăn với tốc độ lây nhiễm mạnh mẽ của biến thể Delta, nhưng Việt Nam đã “đi đúng hướng” trong việc áp dụng các biện pháp phòng, chống dịch.

Ông bày tỏ tin tưởng Việt Nam có thể vượt qua đại dịch với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và người dân. Tổ chức WHO tại Việt Nam sẵn sàng đồng hành với Chính phủ Việt Nam và Bộ Y tế trong công cuộc phòng, chống dịch này.

Đánh giá cao việc Bộ Y tế đã khẩn trương thành lập các Trung tâm ICU tại TP. Hồ Chí Minh và các tỉnh phía Nam để điều trị bệnh nhân Covid-19 nặng và nguy kịch nhằm giảm thiểu tỷ lệ tử vong, đại diện WHO tại Việt Nam cho biết sẵn sàng hỗ trợ Bộ Y tế trong việc tăng cường đào tạo tập huấn chuyên môn cho cán bộ và các biện pháp dự phòng lây nhiễm cho nhân viên y tế.

Về vắc xin, ông Kidong Park khẳng định tất cả các loại vắc xin Covid-19 đã được WHO phê duyệt đều đảm bảo an toàn và hiệu quả.

Đại diện WHO tại Việt Nam khẳng định sẵn sàng hỗ trợ Bộ Y tế trong việc nâng cao năng lực, thử nghiệm đánh giá, cấp phép với vắc xin sản xuất trong nước qua hệ thống NRA (Hệ thống quản lý quốc gia về vắc xin) theo đúng các quy định. Hiện nay, Việt Nam là 1 trong 39 quốc gia được WHO xác nhận đạt tiêu chuẩn này. WHO sẽ sớm trao đổi, thảo luận để triển khai các công việc có liên quan.

Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long nhấn mạnh quan điểm, Việt Nam khuyến khích các cơ quan, tổ chức nghiên cứu, phát triển vắc xin sản xuất trong nước. Bộ Y tế sẽ hỗ trợ tối đa trong việc cắt giảm các thủ tục hành chính, tuy nhiên, việc cấp phép phải đúng quy định, quy trình, đảm bảo tính khách quan, khoa học, có tham chiếu, đáp ứng đủ yêu cầu và không đốt cháy giai đoạn với mục tiêu đặt sức khoẻ của người dân lên trên hết./.

ĐĂNG KHOA