Nhà nước có nên thành lập Quỹ Bồi thường?
Xã hội - Ngày đăng : 18:40, 12/01/2017
(BKTO) - Thảo luận về Dựthảo Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước (sửa đổi) tại kỳ họp thứ 2, Quốchội khóa XIV, có ý kiến đại biểu Quốc hội đề nghị thành lập Quỹ Bồi thường độclập. Nguồn thu của Quỹ có thể được trích từ một phần tiền phạt xử lý vi phạmhành chính, tiền do phạm tội mà có, tiền hoàn trả của người thi hành công vụ vàmột số nguồn thu hợp pháp khác. Tại phiên họp thứ 6 của Ủy ban Thường vụ Quốc hộidiễn ra ngày 9/01, việc nên hay không nên thành lập Quỹ Bồi thường tiếp tục đượcđặt ra.
Nhiều cử tri cho rằng, thành lập Quỹ Bồi tường độc lập là không cần thiết, tránh phát sinh thêm bộ máy biên chế. Ảnh: TK
Chia sẻ thực tế này, Trưởng Ban Dân nguyện Nguyễn Thanh Hải cho rằng, việc thành lập Quỹ Bồi thường là cần thiết. Bởi qua tổng hợp ý kiến, kiến nghị, cử tri rất băn khoăn về vấn đề nhà nước lấy tiền ở đâu để bồi thường oan sai. Tiền bồi thường vẫn phải lấy từ NSNN, nhưng vẫn nên trích một phần NSNN để thành lập một quỹ độc lập. Nếu có sự tách bạch rõ ràng như vậy thì người dân sẽ cảm thấy minh bạch hơn, tiền bồi thường oan sai không phải lấy từ tiền thuế họ đóng vào ngân sách.
Tuy nhiên, từ góc độ cơ quan thẩm tra, Thường trực Ủy ban Pháp luật nhận thấy, khoản tiền xử lý vi phạm hành chính, tiền do phạm tội mà có, tiền hoàn trả của người thi hành công vụ là các khoản thuộc nguồn thu của NSNN. Theo quy định của Luật NSNN thì toàn bộ các khoản thu, chi ngân sách phải được dự toán, tổng hợp đầy đủ vào NSNN. Vì vậy, nếu thành lập Quỹ Bồi thường độc lập thì các nguồn thu này vẫn phải nộp vào NSNN, sau đó NSNN phân bổ cho Quỹ. “Trong điều kiện NSNN còn khó khăn, việc bố trí một khoản tiền để thành lập Quỹ Bồi thường nhà nước cần được hết sức cân nhắc. Mặt khác, nếu thành lập Quỹ sẽ phát sinh tổ chức bộ máy biên chế, không phù hợp với chủ trương tinh giản biên chế và cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức. Vì vậy, đề nghị giữ cơ chế về chi trả bồi thường như Dự thảo Luật”- Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Nguyễn Khắc Định nhấn mạnh.
Tán thành quan điểm trên, tại phiên thảo luận, đa số ý kiến cho rằng, không nên thành lập Quỹ Bồi thường. Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển phân tích: Hoạt động của nhà nước phải do NSNN đảm nhiệm. Nhà nước bồi thường oan sai phải lấy tiền từ ngân sách. Nếu người dân không hiểu rõ, phải giải thích cho người dân hiểu là lấy từ khoản nào, nguồn thuế, nguồn xử phạt hay các khoản thu khác. Cá nhân hay tổ chức nhân danh nhà nước xử lý không đúng thì tiền bồi thường phải lấy từ NSNN. Không nên lập quỹ vì nước ta đã có quá nhiều quỹ, quỹ cũng trích từ ngân sách, hơn nữa việc thành lập quỹ lại làm tăng bộ máy biên chế. Phó Chủ tịch Quốc hội cũng lưu ý, việc phải lượng hóa thiệt hại để có căn cứ tính mức bồi thường và thương lượng.
Góp ý vào Dự thảo Luật theo hướng nhà nước phải có trách nhiệm bố trí khoản tiền từ ngân sách để bồi thường Nhà nước, Thứ trưởng Bộ Tài chính Đỗ Hoàng Anh Tuấn cho biết, số tiền hằng năm thu được từ các vụ án khoảng 6.000 tỷ đồng, tiền thu được trong việc bán hàng tịch thu từ các vụ án được khoảng 500 tỷ đồng, các khoản thu từ tòa án cũng được khoảng 600 tỷ đồng. Như vậy, trong khoảng 7.000 tỷ đồng thu được từ việc xử lý các vụ án mỗi năm ấy, Nhà nước có thể trích ra một phần để bồi thường.
Liên quan đến quy định về lập dự toán kinh phí bồi thường, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu cho rằng, theo Luật NSNN không thể để Bộ Tài chính lập dự toán hằng năm, vì cơ quan nào chi thì cơ quan đó phải lập dự toán. Tuy nhiên, như vậy sẽ có quá nhiều đầu mối, quá phức tạp, khó lập dự toán đúng thời gian. Do đó, các cơ quan cần nghiên cứu, trao đổi thêm và cần tiếp tục đưa ra thảo luận để thống nhất về các quy định này.
Điều 58, Dự thảo Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước (sửa đổi) quy định về kinh phí bồi thường như sau:
- Nhà nước có trách nhiệm bố trí một khoản kinh phí trong NSNN để thực hiện trách nhiệm bồi thường của Nhà nước.
- Trường hợp cơ quan giải quyết bồi thường được bảo đảm kinh phí hoạt động từ ngân sách Trung ương thì kinh phí bồi thường được bảo đảm từ ngân sách Trung ương.
- Trường hợp cơ quan giải quyết bồi thường được bảo đảm kinh phí hoạt động từ ngân sách địa phương thì kinh phí bồi thường được bảo đảm từ ngân sách cấp tỉnh.
- Bộ Tài chính, Sở Tài chính có trách nhiệm cấp phát kịp thời và đầy đủ tiền bồi thường.
ĐĂNG KHOA