Các địa phương cần chủ động tìm đến đối tượng hỗ trợ

Xã hội - Ngày đăng : 08:28, 06/08/2021

(BKTO) – Bộ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội (Bộ LĐ-TB&XH) Đào Ngọc Dung yêu cầu, nơi nào chưa làm tốt chính sách hỗ trợ người lao động, DN gặp khó khăn do Covid-19 thì phải xem lại. Các địa phương chủ động tìm đến đối tượng hỗ trợ, không thể thụ động chờ đợi.


                
   

Theo Bộ trưởng Đào Ngọc Dung, các địa phương chủ động tìm đến các đối tượng hỗ trợ, không thể thụ động chờ đợi. Ảnh:molisa.gov.vn

   

Tại Hội nghị giao ban trực tuyến đôn đốc thực hiện Nghị quyết số 68/NQ-CP và Quyết định số 23/2021/QĐ-TTg tại địa phương ngày 05/8, bên cạnh việc ghi nhận những nỗ lực của các tỉnh, thành, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cũng thẳng thắn chỉ ra sự chậm trễ trong việc triển khai chính sách tại một số địa phương.

“Nhu cầu xã hội bức bách như thế nhưng bên cạnh những địa phương làm tốt, một số địa phương còn coi nhẹ chủ trương, không chú ý đến đời sống người dân. Các địa phương làm tốt lại là các địa phương đang thực hiện giãn cách xã hội. Như vậy, không phải khó khăn là không thực hiện tốt. Dân người ta khát khao lắm rồi, cần lắm rồi nên chúng ta đừng thờ ơ với việc này” - Bộ trưởng Đào Ngọc Dung nhấn mạnh, đồng thời yêu cầu, nơi nào chưa làm tốt thì phải xem lại, nơi nào chưa sáng tạo thì phải sáng tạo. Nơi nào làm tốt rồi thì làm tốt hơn, nơi nào chưa quan tâm thì phải quan tâm hơn.

Trên tinh thần đó, Bộ trưởng đề nghị các địa phương tập trung hỗ trợ vào mấy nhóm cơ bản: Nhóm phát tiền mặt F0, F1, trẻ em, lực lượng lao động, DN.

Các địa phương chủ động tìm đến các đối tượng hỗ trợ, không thể thụ động chờ đợi. Đồng thời, tăng cường rà soát, nắm bắt đời sống nhóm đối tượng lao động tự do, nhất là các khu vực giãn cách xã hội, phong tỏa gắn với đó là vận động cộng đồng, toàn dân thực hiện các chính sách hỗ trợ.

Bên cạnh đó, Bộ trưởng cũng yêu cầu các tỉnh thành chia thành các nhóm: Các tỉnh đang bình yên, ít bị ảnh hưởng bởi Covid-19, phấn đấu trong 10 ngày giải quyết xong các chính hỗ trợ “tiền tươi, thóc thật” và các chính sách liên quan đến bảo hiểm xã hội.

Nhóm các tỉnh có dịch nhưng chưa thực hiện Chỉ thị 16 cần phân loại 3 nhóm hỗ trợ: Nhóm hỗ trợ tiền mặt thì khẩn trương triển khai, đồng thời tập trung triển khai các chính sách giãn hoãn, miễn đóng từ bảo hiểm xã hội và chính sách hỗ trợ tiền lương cho vay.

Riêng nhóm 26 tỉnh hiện nay đang thực hiện Chỉ thị 16, phương châm lúc này là tập trung cái ăn, mặc cho người dân, lao động trên nguyên tắc đảm bảo người dân không bị thiếu đói.

Bộ trưởng đề nghị, UBND các tỉnh chỉ đạo các sở, ngành, UBND cấp huyện, cấp xã khẩn trương lập danh sách, trình các cấp có thẩm quyền phê duyệt và chi trả hỗ trợ, nhất là hỗ trợ tiền mặt cho các nhóm đối tượng, trong đó cần đẩy mạnh việc nộp hồ sơ đề nghị hỗ trợ qua dịch vụ bưu chính, Cổng dịch vụ công quốc gia để đảm bảo các yêu cầu phòng, chống dịch Covid-19; tăng cường thông tin, tuyên truyền về chính sách hỗ trợ; đồng thời, phối hợp với Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp chủ động triển khai giám sát, đánh giá việc rà soát, lập danh sách, phê duyệt và chi trả hỗ trợ; cập nhật báo cáo theo quy định trên Hệ thống thông tin báo cáo Chính phủ và định kỳ báo cáo về Bộ LĐ-TB&XH.

Về phía Bộ LĐ-TB&XH, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung yêu cầu phối hợp chặt chẽ với các ngành để triển khai theo nguyên tắc giảm thủ tục hành chính, giảm thời gian, không được tăng thời gian về xử lý quy trình. Những vẫn đề thuộc thẩm quyền ngành LĐ-TB&XH phải xử lý ngay, phân cấp triệt để. Các đơn vị phải có kế hoạch chi tiết với từng nhóm đối tượng, phân công theo dõi từng đối tượng, cụ thể hóa trách nhiệm cá nhân./.
THÀNH ĐỨC