Sửa đổi 5 luật thuế: Tác động thế nào tới cộng đồng doanh nghiệp?
Đầu tư - Ngày đăng : 15:00, 25/09/2017
(BKTO) - Với 30 chính sách thuế được sửa đổi có tác động lớn đến nhiều ngành, nghề khác nhau, Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thuế giá trị gia tăng (GTGT), Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (TTĐB), Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN), Luật Thuế thu nhập cá nhân (TNCN) và Luật Thuế tài nguyên tiếp tục thu hút sự quan tâm góp ý của nhiều DN và chuyên gia.
Tác động rộng khắp đến nhiều DN, ngành, nghề
Trong 5 Luật trên, luật thu hút sự quan tâm của cộng đồng DN nhất chính là Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thuế GTGT. Ông Bùi Ngọc Tuấn - Phó Tổng Giám đốc dịch vụ tư vấn thuế Công ty TNHH Deloitte Việt Nam - cho rằng: Việc bỏ quy định chuyển quyền sử dụng đất từ đối tượng không chịu thuế sang chịu Thuế GTGT với mức thuế suất thông thường 10% sẽ dẫn đến hiện tượng phí chồng phí, ảnh hưởng tới hoạt động tín dụng, thị trường bất động sản…
Thực tế cho thấy, phân loại và xác định quyền sử dụng đất là đối tượng không chịu thuế như hiện hành là phù hợp với bản chất của Thuế GTGT, đảm bảo tính thống nhất của hệ thống pháp luật. Do đó, ông Tuấn kiến nghị, Bộ Tài chính nên cân nhắc loại trừ chuyển quyền sử dụng đất khỏi đối tượng chịu Thuế GTGT. Mặt khác, để tháo gỡ vướng mắc trong triển khai quy định không hoàn Thuế GTGT theo Luật số 106/2013/QH13 sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thuế GTGT, Luật Thuế TTĐB và Luật Quản lý thuế, ông Tuấn đề xuất, Luật này cần sửa lại theo hướng hoàn Thuế GTGT đối với hàng hóa nhập khẩu sau đó xuất bán vào khu phi thuế quan, xuất khẩu ra nước ngoài hoặc xuất trả lại chủ hàng, thực hiện xuất khẩu tại địa bàn hoạt động hải quan theo quy định của Luật Hải quan và các văn bản hướng dẫn.
Liên quan đến Thuế TNDN, luật sư Trương Thanh Đức - Chủ tịch HĐTV Công ty Luật Basico - khuyến nghị, Dự thảo Luật không nên áp dụng mức thuế suất khác nhau 15 - 17 - 20% theo quy mô doanh thu, lao động. Điều này không có nhiều ý nghĩa trong thực tế, dễ bị gian lận, lợi dụng, vô tình khuyến khích DN duy trì quy mô nhỏ, khó phát huy được lợi thế cạnh tranh.
Một vấn đề khác được nêu trong Dự thảo sửa đổi, bổ sung 5 Luật thuế lần này là bổ sung các loại nước ngọt có ga, không ga, nước tăng lực, trà, cà phê uống liền được đóng gói theo dây chuyền sản xuất công nghiệp (trừ nước trái cây, nước rau quả 100% tự nhiên, sữa và các sản phẩm sữa) vào đối tượng chịu Thuế TTĐB.
Đặt giả thiết nếu Dự án Luật này được thông qua, Phó Chủ tịch Thường trực Hiệp hội Bia - Rượu - Nước giải khát Việt Nam Nguyễn Tiến Vỵ nhận định, các DN sản xuất, kinh doanh nước giải khát sẽ phải chịu nhiều loại thuế với mức tăng như sau: Thuế GTGT tăng từ 10% lên 12%, Thuế TTĐB đối với DN sản xuất nước ngọt là 10%, mức thuế suất Thuế GTGT áp dụng cho đường tăng từ 5% lên 6%. Khi đó, giá các sản phẩm nước giải khát trên thị trường sẽ tăng khoảng 12%, đồng thời chi phí sản xuất sẽ tăng lên.
Điều này có thể dẫn đến việc giảm khả năng tiêu thụ sản phẩm, doanh thu và quy mô sản xuất... Hơn nữa, giá bán cao còn có khả năng tạo kẽ hở cho hàng nhập lậu, hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng tràn lan. Từ đây, ông Vỵ kiến nghị, Bộ Tài chính xem xét áp Thuế TTĐB đối với tất cả các hàng hóa thực phẩm có chứa đường ở một mức thuế thấp, hoặc chỉ áp thuế đối với những sản phẩm nước ngọt có hàm lượng đường cao.
Sửa Luật phải đảm bảotính bền vững
Bên cạnh đó, góp ý vào dự thảo sửa đổi, bổ sung 5 Luật thuế, cộng đồng DN còn gửi đến cơ quan soạn thảo nhiều kiến nghị liên quan đến các quy định về vốn mỏng, chuyển nhượng vốn, chuyển tiếp ưu đãi, xác định giá tính Thuế Tài nguyên… Điều này cho thấy, việc điều chỉnh chính sách thuế tác động lớn tới nền kinh tế. Tuy nhiên, để nhìn nhận rõ hơn những ảnh hưởng này, theo các chuyên gia, cơ quan soạn thảo vẫn cần có thêm bản đánh giá tác động chi tiết việc sửa đổi 5 Luật thuế đối với tổng thể nền kinh tế cũng như các DN.
Theo đó, Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan kỳ vọng, bản đánh giá tác động sẽ phải giải đáp được một số câu hỏi. Cụ thể, sau khi điều chỉnh 5 Luật thuế này, thu ngân sách sẽ tăng lên bao nhiêu? Dự án Luật đã lường hết được những tác động đối với DN hay chưa? Ngành, nghề nào sẽ chịu thua thiệt lớn? Việc sửa đổi này có phù hợp với chủ trương tái cơ cấu kinh tế không? Mặt khác, việc đánh giá tác động của Dự án Luật phải do các cơ quan độc lập, khách quan, nếu chính cơ quan sửa chính sách đánh giá thì kết quả sẽ không thể toàn diện.
Thêm nữa, điều mà các chuyên gia băn khoăn là tính bền vững của việc sửa đổi 5 Luật thuế. Sửa Luật để cơ cấu lại nguồn thu ngân sách, song “việc tăng thu này liệu có bền vững hay chỉ đảm bảo trong một, hai năm rồi chúng ta lại điều chỉnh tiếp?” - bà Phạm Chi Lan đặt câu hỏi.
Cùng băn khoăn trên, ông Đào Huy Giám - Tổng Thư ký Diễn đàn Kinh tế tư nhân, nguyên Trưởng cơ quan đại diện Thương mại Việt Nam tại WTO - nêu quan điểm: DN và người dân luôn kỳ vọng một hệ thống thuế hoàn chỉnh và có tính ổn định. Do vậy, trong quá trình xây dựng pháp luật, chúng ta cần cân nhắc để tránh phải điều chỉnh liên tục.
Sau 5 năm, trong 5 Luật trên, chúng ta đã sửa tới 4 Luật (1 Luật được thực thi trong 9 năm). Trong quá trình sửa đổi, bổ sung lần này, chúng ta nên rút kinh nghiệm làm sao để nếu Quốc hội đồng ý thông qua thì các luật mang tính ổn định hơn và được áp dụng lâu dài trong thực tế. Nếu một vài năm, Luật lại phải sửa một lần thì chúng ta vẫn còn có mặt hạn chế.
NGỌC MAI
Theo tuần báo số ra ngày 21/9/2017