Triển khai sâu rộng và thiết thực phong trào chung tay vì người nghèo
Hoạt động của Ngành - Ngày đăng : 13:35, 27/09/2017
(BKTO) - Đó làmột trong những yêu cầu mà lãnh đạo KTNN đặt ra đối với các đơn vị trong toànNgành tại Kế hoạch số 1245/KH-KTNN banhành ngày 25/9/2017 về tổ chức, triển khai thực hiện Phongtrào thi đua “KTNN chung tay vì người nghèo - Không để ai bị bỏ lại phía sau”giai đoạn 2016-2020 (gọi tắt là Phongtrào thi đua).
Phong trào thi đua được phát động nhằm kêu gọi toàn thể đội ngũ công chức, viên chức, người lao động của KTNN hưởng ứng Phong trào thi đua “Cả nước chung tay vì người nghèo - Không để ai bị bỏ lại phía sau” giai đoạn 2016-2020 theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Quyết định số 1258/QĐ-TTg ngày 21/8/2017; qua đó phát huy tinh thần đoàn kết, sức mạnh tập thể và tuyên truyền nâng cao nhận thức, tinh thần chủ động sáng tạo của mỗi cá nhân, tập thể, tạo khí thế thi đua sôi nổi trong toàn Ngành, góp phần thực hiện thắng lợi chính sách, chương trình giảm nghèo của Đảng và Nhà nước.
Việc KTNN tổ chức Phong trào thi đua còn nhằm góp phần cùng với cả nước phấn đấu đến năm 2020, giảm tỷ lệ hộ nghèo cả nước bình quân 1-1,5%/năm theo chuẩn nghèo quốc gia giai đoạn 2016-2020; cải thiện sinh kế và nâng cao chất lượng cuộc sống của người nghèo, bảo đảm thu nhập bình quân đầu người của hộ nghèo cả nước cuối năm 2020 tăng lên 1,5 lần so với cuối năm 2015.
Với ý nghĩa đó, lãnh đạo KTNN yêu cầu, Phong trào thi đua phải trở thành nhiệm vụ trọng tâm thường xuyên trong các phong trào thi đua của KTNN và của từng đơn vị giai đoạn 2016-2020. Phong trào phải được triển khai sâu rộng trong toàn Ngành với nội dung đa dạng, hình thức phong phú, thiết thực, phù hợp với điều kiện thực tế của mỗi đơn vị; phát huy được sáng kiến của mỗi cá nhân. Việc thực hiện Phong trào thi đua gắn với hưởng ứng Phong trào “Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới”; thi đua đồng thuận, hợp tác, trách nhiệm vì người nghèo với mục tiêu “không để ai bị bỏ lại phía sau”.
Ngoài ra, trong quá trình thực hiện Phong trào thi đua, các đơn vị cần chú trọng phát hiện, bồi dưỡng, nhân rộng các điển hình tiên tiến, phổ biến những sáng kiến, kinh nghiệm hay, những cách làm sáng tạo trong việc góp phần thực hiện chính sách, chương trình giảm nghèo, đặc biệt đối với hoạt động kiểm toán có liên quan đến việc thực hiện chính sách, chương trình giảm nghèo. Đây cũng là dịp để KTNN biểu dương, tôn vinh, khen thưởng các tập thể, cá nhân có thành tích tiêu biểu, xuất sắc trong Phong trào thi đua.
Để thực hiện tốt Kế hoạch này, KTNN đã đề ra 8 giải pháp thực hiện. Theo đó, trước hết, các đơn vị trực thuộc KTNN cần căn cứ vào đặc điểm, tình hình và yêu cầu, nhiệm vụ và đối tượng cụ thể để xây dựng kế hoạch tổ chức thực hiện; tập trung vào các hoạt động nghiên cứu, phát huy sáng kiến trong xây dựng ban hành tổ chức thực hiện các chính sách, đề xuất các giải pháp gắn với nhiệm vụ công tác chuyên môn, nghiệp vụ nhằm góp phần thực hiện mục tiêu giảm nghèo. Các đơn vị cần có các hình thức tuyên truyền cho phù hợp, nhất là việc chủ động phối hợp với các cơ quan thông tin, tuyên truyền trong và ngoài Ngành để đẩy mạnh tuyên truyền phát động Phong trào thi đua trên các lĩnh vực công tác của KTNN; qua đó tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức, sự đồng thuận của toàn xã hội và phát huy sức mạnh của cả hệ thống chính trị trong quyết tâm thực hiện có hiệu quả Phong trào thi đua…
Hằng năm, các đơn vị trực thuộc có trách nhiệm báo cáo tình hình tổ chức thực hiện Phong trào thi đua. Theo Kế hoạch, năm 2018, các đơn vị trực thuộc KTNN sẽ tiến hành sơ kết Phong trào thi đua giữa kỳ. KTNN sẽ Tổng kết Phong trào thi đua vào dịp kỷ niệm Ngày truyền thống Thi đua, yêu nước (11/6/2020), đồng thời tiến hành khen thưởng cho các tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong thực hiện công tác giảm nghèo và hỗ trợ người nghèo.
LÊ HÒA