Tiếp tục kiên trì các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp trong sản xuất, kinh doanh

Chính trị - Ngày đăng : 19:02, 09/08/2021

(BKTO) - Kết luận Hội nghị trực tuyến Chính phủ với DN sáng 08/8, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh: Đảng, Nhà nước, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ rất thấu hiểu và chia sẻ trước những khó khăn “tứ phương, bốn hướng” với cộng đồng DN. Chính phủ đang và sẽ làm hết sức có thể để tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất kinh doanh.


                
   

“Đảng, Nhà nước, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ rất thấu hiểu và chia sẻ trước những khó khăn “tứ phương, bốn hướng” với cộng đồng DN. Ảnh: chinhphu.vn

   

Tiếp thu kiến nghị của doanh nghiệp để đề xuất chính sách hỗ trợ kịp thời

Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành bày tỏ đồng tình cao với nhiều đề xuất của DN trong tháo gỡ khó khăn, nhất là tháo gỡ khó khăn về lãi suất ngân hàng, thuế; tập trung thúc đẩy các dự án đầu tư công để phục vụ các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội. Phó Thủ tướng cũng đề nghị các địa phương cần thực hiện nghiêm, nhất quán các chỉ đạo của Chính phủ trong bảo đảm lưu thông, di chuyển hàng hóa.

Phó Thủ tướng Lê Minh Khái cho biết, trong khả năng cho phép, Chính phủ đã thu xếp, bố trí nguồn lực để hỗ trợ hiệu quả các DN vượt qua khó khăn, duy trì sản xuất thông qua các chính sách tài chính, tài khóa như miễn giảm thuế, hỗ trợ lãi suất, giảm tiền điện, nước, cước viễn thông… đối với DN, người dân.

Thời gian tới, Chính phủ và các cơ quan chức năng sẽ tiếp tục vận dụng, thực hiện các chính sách tài khóa, tài chính, tiền tệ linh hoạt để tiếp tục hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho DN; đề nghị các DN từ hoạt động thực tiễn tiếp tục đề xuất những chính sách hỗ trợ trên tinh thần bảo đảm sát thực, hiệu quả, tránh trục lợi chính sách.

Các Phó Thủ tướng đề nghị các Bộ, ngành, địa phương quan tâm, tiếp thu các ý kiến của DN tại Hội nghị để xử lý, đề xuất các chính sách hỗ trợ hiệu quả, kịp thời đối với DN trên cơ sở bảo đảm cân đối ngân sách, nguồn lực cũng như bảo đảm công bằng, khách quan, đúng đối tượng.
                
   

Thủ tướng Chính phủ sẽ thành lập Tổ công tác đặc biệt để tháo gỡ khó khăn cho DN. Ảnh: chinhphu.vn

   

Sẽ thành lập Tổ công tác đặc biệt để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp

Kết luận cuộc họp, Thủ tướng Phạm Minh Chính đánh giá rất cao các ý kiến phát biểu tâm huyết, trách nhiệm, xây dựng, sát thực tế, thể hiện sự đồng lòng giữa các DN với Đảng, Nhà nước và nhân dân, với nỗ lực và quyết tâm khắc phục khó khăn.

Thủ tướng đề nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) chủ trì, phối hợp với Văn phòng Chính phủ, các cơ quan liên quan chắt lọc, tiếp thu tất cả những ý kiến xác đáng, tâm huyết, trách nhiệm để hoàn thành, trình Chính phủ ban hành một Nghị quyết về phát triển, hỗ trợ DN trong điều kiện hiện nay. Những ngày tới, Chính phủ sẽ ban hành Nghị quyết về một số giải pháp cấp bách phòng, chống dịch COVID-19 để thực hiện theo Nghị quyết số 30 của Quốc hội. “Hai Nghị quyết này cố gắng đáp ứng những gì cao nhất có thể trong điều kiện có thể của nền kinh tế, của đất nước ta, trong thẩm quyền của Chính phủ” - Thủ tướng khẳng định.

Thủ tướng quán triệt các Bộ, ngành, địa phương và DN phải tiếp tục, kiên trì giải pháp đã đề ra. Trong lúc này, ưu tiên số 1 là khống chế, ngăn chặn, đẩy lùi dịch bệnh, những nơi nào an toàn thì tiếp tục duy trì và đẩy mạnh sản xuất. Nội dung lớn thứ hai là đẩy mạnh thực hiện chiến lược vaccine.
         
Về các biện pháp tài khóa và tiền tệ, Thủ tướng khẳng định: Chính phủ đang làm và sẽ làm hết sức có thể trong điều kiện có thể trên tinh thần tính toán tổng thể, toàn diện, hài hòa, hợp lý, hiệu quả, phù hợp với hoàn cảnh, không để mất cân đối vĩ mô, khủng hoảng kinh tế.

Thủ tướng Chính phủ sẽ thành lập Tổ công tác đặc biệt để tháo gỡ khó khăn cho DN. Thủ tướng giao Bộ KH&ĐT với vai trò là cơ quan thường trực của Tổ công tác đặc biệt, tiếp tục nắm bắt tình hình khó khăn của DN, tham mưu cho Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ những giải pháp kịp thời, cấp bách.

Bộ Y tế chủ trì, phối hợp với các địa phương, DN khẩn trương tiêm vaccine cho người lao động, đặc biệt ở các thành phố lớn, các tỉnh có nhiều khu công nghiệp; điều chỉnh quy trình phòng chống dịch bệnh để các địa phương, DN tùy điều kiện thực tế có thể áp dụng, sớm ổn định lại sản xuất kinh doanh trong bối cảnh mới.

Bộ Tài chính khẩn trương triển khai các giải pháp về miễn, giảm thuế để nhanh chóng hỗ trợ DN, người dân chịu tác động. Đồng thời, đưa ra các giải pháp phát triển thị trường chứng khoán để thúc đẩy nguồn vốn trung và dài hạn, giảm tỷ lệ vốn lớn vào hệ thống ngân hàng, tránh rủi ro cho nền kinh tế.

Bộ Giao thông vận tải xây dựng các giải pháp để hàng hóa sản xuất ra phải được lưu thông, vận chuyển trong nước và quốc tế. Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội đôn đốc triển khai các giải pháp hỗ trợ người lao động và DN, có thể mở rộng đối tượng, quy mô trong điều kiện cho phép.

Bộ Công Thương nhanh chóng triển khai các giải pháp kết nối tiêu thụ hàng hóa. Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chỉ đạo tổ chức tín dụng tăng cường khả năng tiếp cận vốn cho DN, tiếp tục tính toán giảm lãi suất và điều chỉnh chính sách cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn giảm lãi, phí, cho vay mới phù hợp với tình hình…

Các địa phương đẩy nhanh triển khai các chính sách hỗ trợ đã được ban hành; thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19 linh hoạt, hiệu quả, tạo điều kiện cho DN ổn định và duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh nếu có đủ điều kiện; hạn chế tối đa các hoạt động thanh, kiểm tra trong khi đang phải thực hiện các biện pháp chống dịch; phối hợp cùng các Bộ, ngành, tổ chức hiệp hội để trực tiếp hỗ trợ DN sản xuất, kinh doanh trong thời dịch…/.
HỒNG NHUNG
(Bài tuyên truyền thực hiện Nghị quyết số 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ)