Kỳ cuối: Học nghề chất lượng cao, không áp lực học phí, doanh nghiệp đón sẵn - tại sao không?

Xã hội - Ngày đăng : 20:11, 10/08/2021

(BKTO) - Trong bối cảnh lao động phổ thông, đặc biệt là người lao động (NLĐ) không có kỹ năng nghề đang đứng trước thách thức thiếu việc làm nghiêm trọng, thì NLĐ có kỹ năng nghề, nhất là lao động có tay nghề cao lại được các DN chờ đón từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường với thu nhập đáng mơ ước. Đây chính là cơ hội có “một không hai” mà người học cần nắm bắt để hiện thực hóa cơ hội việc làm ngay từ thời điểm chọn nghề có tính chất bước ngoặt này.


Tuyển sinh là tuyển dụng

Đó là thực tế diễn ra từ nhiều năm nay tại Trường Cao đẳng (CĐ) Công nghệ cao Hà Nội - cơ sở đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho Thủ đô và khu vực kinh tế trọng điểm Bắc Bộ. Từ năm 2018, thực hiện chủ trương “tuyển sinh là tuyển dụng”, Trường đặt mục tiêu “100% học sinh, sinh viên (HS,SV) đạt chuẩn đầu ra có việc làm và có thể tự tạo việc làm” với thu nhập từ 6-15 triệu đồng/tháng. Kết quả, nhiều nghề như: điện, điện tử, điện lạnh, cơ khí, hàn, chăm sóc sắc đẹp, công nghệ ôtô... 100% SV có việc làm trước khi ra trường và không đáp ứng đủ nhu cầu cho DN.
                
   

Nhiều HS,SV trường nghề có việc làm với mức thu nhập mơ ước từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường. Ảnh: N.LỘC

   
         
Doanh nghiệp phải trả phí để ưu tiên tuyển dụng lao động
   Tại Trường CĐ Công nghệ cao Hà Nội, nhiều DN đã đến tuyển dụng lao động trước khi tốt nghiệp, với nhiều lựa chọn công việc và mức lương hấp dẫn, điều kiện làm việc và cơ hội thăng tiến cao. Một số DN sẵn sàng trả chi phí để được ưu tiên tuyển dụng lao động. Có DN, cựu SV của Trường chiếm trên 80% tổng số lao động như Tập đoàn Pmtt group,...

Từ năm 2013, Schindler Việt Nam - một trong những công ty sản xuất thang máy 100% vốn nước ngoài đầu tiên tại Việt Nam - đã cộng tác với Trường CĐ Kỹ thuật Cao Thắng (TP. Hồ Chí Minh) để tìm kiếm nguồn bổ sung kỹ sư có tay nghề mỗi năm. Trong đó, HS,SV ưu tú của các trường luôn là đối tượng đầu tiên được DN chú ý.

“Tốt nghiệp xong, có việc ngay” luôn được xem là lợi thế hàng đầu của các cơ sở giáo dục nghề nghiệp (GDNN), đặc biệt là các trường có uy tín trong đào tạo nhân lực chất lượng cao. Xu hướng DN "săn" lao động từ khi HS,SV còn chưa tốt nghiệp không còn là chuyện hiếm của một số ngành, một số trường.
                
   

Con đường thành công từ trường nghề đang trở nên rất gần. Ảnh: Molisa

   

Theo Hiệu trưởng Trường CĐ Công nghiệp Hà Nội Phạm Thị Hường, hiện Trường đang kết hợp với Vinfast và Samsung tuyển sinh và đào tạo khóa CĐ chất lượng cao (Kỹ sư thực hành) 2 nghề Cơ điện tử và Công nghệ Ô tô, với 50% lý thuyết và 50% thực hành tại nhà máy của Vinfast và Samsung. Sau khi tốt nghiệp, SV sẽ được cấp bằng CĐ danh hiệu Kỹ sư thực hành và được bố trí việc làm.

Điểm chung của các trường đào tạo chất lượng cao, đó là chương trình học gắn liền với DN, đặc biệt là việc trang bị các kỹ năng mềm nên nhiều SV khi rời trường có thể đáp ứng ngay yêu cầu về kỹ năng của DN. Ở chiều ngược lại, DN không tốn thời gian đào tạo thêm những lao động mới.
         
Hơn 80% có việc làm sau tốt nghiệp
   TS. Trương Anh Dũng - Tổng cục trưởng Tổng cục GDNN cho biết, tỷ lệ HS,SV trường nghề có việc làm ngay sau khi tốt nghiệp đạt trên 80% (trước khi dịch bệnh xảy ra). HS,SV chưa có việc làm ngay phần lớn do tiếp tục học liên thông lên trình độ cao hơn. Ở một số trường có uy tín, đặc biệt là đối với SV có kỹ năng nghề cao, tỷ lệ tốt nghiệp và có việc làm ngay đạt 100%.

Bình tĩnh, sáng suốt lựa chọn nghề

Năm học 2021-2022, Trường CĐ Công nghệ cao Hà Nội tổ chức tuyển sinh đào tạo 28 nghề, như: Công nghệ hàn; chế tạo thiết bị cơ khí; cắt gọt kim loại; điện tử công nghiệp... cho bộ đội xuất ngũ, thời gian đào tạo từ 3 đến 9 tháng. Người học sẽ được miễn 100% học phí; ưu tiên bố trí chỗ ở; giới thiệu việc làm thêm trong khi học và giải quyết việc làm khi kết thúc khóa học; tham gia đào tạo du học và xuất khẩu lao động tại Nhật Bản, Hàn Quốc, Đức... nếu học viên có nhu cầu.

Ngoài ra, nhiều chương trình đào tạo của Trường đang thực hiện theo đặt hàng của DN (Tập đoàn Hanwha, Daikin, Công ty Thang máy Gama Lift...) và có cơ chế chính sách học bổng, tài trợ kinh phí học tập, sinh hoạt cho người học. DN sẽ ký hợp đồng làm việc với SV sau khi tốt nghiệp. Vấn đề còn lại thuộc về HS,SV, đó là các bạn phải chuyên tâm học tập để quyết định tương lai của mình. Đây là lợi ích rất lớn từ học nghề mà phụ huynh và HS,SV cần lưu tâm trong quá trình chọn nghề.
                
   

Người học cần bình tĩnh lựa chọn ngành nghề học. Ảnh: N.LỘC

   

Tương tự, Trường CĐ Cơ điện Hà Nội cũng là một trong những trường được Tổng cục GDNN “chọn mặt gửi vàng” để tham gia dạy nghề theo chuẩn Úc, Đức (chương trình đào tạo sẽ cấp song bằng, 01 bằng của Việt Nam và 01 bằng của nước liên kết cho SV, giúp SV có cơ hội làm việc và tiếp tục học tập nâng cao tại các nước liên kết). Đây là chương trình học theo tiêu chuẩn Úc, song người học chỉ phải thanh toán mức học phí phù hợp với điều kiện trong nước.

Theo dự báo của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, trong tương lai gần, nhu cầu sử dụng lao động có kỹ năng nghề, đặc biệt là lao động chất lượng cao sẽ rất lớn. Huyện Gia Viễn là một trong những địa phương có ngành công nghiệp phát triển sôi động bậc nhất của tỉnh Ninh Bình. Theo bà Vũ Thị Dược - Phó Chủ tịch UBND huyện, NLĐ của huyện chủ yếu là lao động phổ thông, chưa có nhiều lao động tay nghề cao, đảm nhận được các vị trí việc làm quan trọng trong DN. Vì vậy, mục tiêu quan trọng mà huyện Gia Viễn đặt ra cho giai đoạn mới này là tăng dần tỷ lệ lao động đã qua đào tạo, đưa được lực lượng lao động có chất lượng vào làm việc tại các DN lớn trên địa bàn.

Nhu cầu sử dụng lao động, đặc biệt là lao động có trình độ tay nghề cao còn trở nên cấp bách hơn nữa đối với các địa phương phát triển công nghiệp mạnh như Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, Bắc Ninh, Vĩnh Phúc, Bình Dương, Đồng Nai... Nhiều DN sẵn sàng cam kết với trường nghề và NLĐ về việc đảm bảo cơ hội việc làm cho SV sau tốt nghiệp với mức thu nhập và nhiều chính sách ưu đãi rất lớn, chỉ với điều kiện rất đơn giản, đó là NLĐ phải làm được việc và không quan trọng bằng cấp.

Đến thời điểm hiện tại, hơn 1 triệu thí sinh đã hoàn thành thi tốt nghiệp Trung học phổ thông. Sau thử thách này, các thí sinh sẽ đứng trước cơ hội quyết định tương lai nghề nghiệp của bản thân, thông qua lựa chọn con đường học tập. Từ kinh nghiệm tuyển sinh, nhiều cơ sở GDNN cho rằng, thí sinh nên chọn những nghề phù hợp với năng lực, sở trường và sự yêu thích lĩnh vực đó; những nghề mà xu hướng xã hội, DN có nhu cầu sau khi ra trường. Đặc biệt, không nên chọn nghề theo "mác” trường đại học, chọn nghề theo mong muốn của phụ huynh...

                
   

SVTrường CĐ nghề Công nghệ cao Hà Nội trong giờ thực hành

   
         
Chọn nghề trước, chọn trường sau
   TS. Phạm Xuân Khánh - Phụ trách Trường CĐ nghề Công nghệ cao Hà Nội chia sẻ, khi chọn nghề, phụ huynh và người học nên chọn nghề trước, chọn trường sau. Điều này nhằm đảm bảo trước khi chọn trường, bạn đã xác định được nghề nghiệp mà mình muốn làm. Dù không được vào một trường danh giá, uy tín, bạn vẫn có thể phát triển bản thân, nghề nghiệp vì bạn có sự yêu thích và đam mê.

Trong bối cảnh nền kinh tế đang ngày càng hội nhập sâu rộng, yêu cầu được Đảng, Nhà nước đặt ra là phải tăng nhanh số lượng lao động được đào tạo, đặc biệt chú trọng đào tạo nghề, đảm bảo cơ cấu đào tạo hợp lý giữa đại học và GDNN. Tuy nhiên, thực hiện nhiệm vụ này, một mình ngành GDNN, các trường nghề không thể làm được mà đòi hỏi cần có sự nhận thức, vào cuộc trách nhiệm của cả xã hội.

Trong đó, mỗi người học sẽ đóng vai trò quyết định, thông qua sự lựa chọn nghề nghiệp của mình. Với tất cả những lợi ích thiết thực mà hệ thống GDNN mang lại, người học cần bình tĩnh cân nhắc lựa chọn; hệ thống tư vấn trường nghề luôn sẵn sàng hỗ trợ, đồng hành với các em trên con đường tìm nghề, học tập để kiến tạo tương lai của bản thân.
         
Mức lương nghìn đô cho người thạo nghề, DN FDI luôn sẵn đón
   
   Bà Nguyễn Thu Trang - Giám đốc dịch vụ Tuyển dụng cấp cao và tư vấn nhân sự của Manpower Group Việt Nam cho biết, hiện nhiều DN FDI có xu hướng dịch chuyển, mở rộng đầu tư sang Việt Nam kéo theo nhu cầu tuyển dụng trong các lĩnh vực sản xuất chế tạo như: lắp ráp linh kiện điện tử, chế tạo và lắp ráp ô tô, xe máy, sản xuất bao bì, kho bãi và vận chuyển… ngày càng tăng cao. Rất nhiều vị trí có mức lương vài chục triệu đồng chỉ đặt yêu cầu thạo nghề, không ưu tiên bằng cấp
.
NGUYỄN LỘC