Cần hơn 600.000 tỷ đồng đảm bảo an ninh nguồn nước quốc gia

Kinh tế - Ngày đăng : 21:45, 11/08/2021

(BKTO) - Theo Dự thảo Đề án “Bảo đảm An ninh nguồn nước, An toàn hồ đập, hồ chứa nước giai đoạn 2021-2025, tầm nhìn đến 2045” (Đề án), dự kiến đến năm 2030 cần tối thiểu 610.000 tỷ đồng để thực hiện các mục tiêu đề ra.


                
   

Đến năm 2030 sẽ phấn đấu 100% đập, hồ chứa nước lớn được hiện đại hoá công tác quản lý khai thác và nâng mức bảo đảm an toàn đạt tiêu chuẩn quốc tế - Ảnh minh họa: TTXVN

   

Dự thảo Đề án đang được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) tích cực hoàn thiện để trình Thủ tướng Chính phủ, với mục tiêu đến năm 2030, Việt Nam phấn đấu ứng dụng vào thực tiễn các giải pháp khoa học - công nghệ nhằm quản lý nước thông minh trên nền tảng công nghệ số, vận hành an toàn công trình, kiểm soát sử dụng nước tiết kiệm, hiệu quả, giảm thiểu tác động của thiên tai liên quan đến nước…

Nhiều chỉ tiêu cụ thể của Đề án cũng đã được lượng hóa. Điển hình như: 100% dân cư thành thị, 65% dân số nông thôn, 100% các đảo có đông dân cư được cấp nước sạch đạt quy chuẩn; đảm bảo cấp đủ nước cho công nghiệp; có giải pháp tái sử dụng nước, tiết kiệm, hiệu quả; 30% diện tích trồng lúa và cây trồng cạn được thực hiện phương thức canh tác tiên tiến và tưới tiết kiệm nước. Chủ động đủ nguồn nước có chất lượng cho các vùng nuôi trồng thủy sản tập trung, hoạt động kinh tế biển…

Theo Tổng cục Thủy lợi (Bộ NN&PTNT), mục tiêu đến năm 2030, sẽ phấn đấu 100% đập, hồ chứa nước lớn, hồ chứa có cửa van điều tiết lũ được hiện đại hoá công tác quản lý khai thác và nâng mức bảo đảm an toàn đạt tiêu chuẩn quốc tế.

Bên cạnh đó, cần duy trì tỷ lệ che phủ rừng 42% đến 43%, diện tích rừng tự nhiên khoảng 10,4 triệu ha, trong đó 20% được nâng cao chất lượng tạo nguồn sinh thủy, giảm nhẹ thiên tai liên quan đến nước, ứng phó chủ động và hiệu quả với biến đổi khí hậu.

Bộ NN&PTNT cũng đã xây dựng 11 nhóm giải pháp chính để thực hiện Đề án; trong đó có hoàn thiện thể chế, chính sách; công tác quy hoạch, điều tra cơ bản; chủ động cấp, tưới tiêu, thoát nước; đảm bảo an toàn hồ đập, hồ chứa nước; phòng chống, giảm thiểu tác động bất lợi do thiên tai, biến đổi khí hậu; bảo vệ, phát triển rừng; xây dựng hệ thống theo dõi, đánh giá an ninh nguồn nước trên cơ sở nền tảng công nghệ, kỹ thuật hiện đại, tiên tiến…

LÊ HÒA