Tăng cường giám sát việc giảm lãi suất hỗ trợ doanh nghiệp

Đối nội - Ngày đăng : 09:58, 12/08/2021

(BKTO) – Cùng với việc chỉ đạo các tổ chức tín dụng (TCTD) triển khai đồng bộ các giải pháp cấp bách nhằm hỗ trợ DN, người dân chịu ảnh hưởng của dịch COVID-19, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) sẽ tăng cường giám sát việc giảm lãi suất của các ngân hàng thương mại (NHTM) thông qua nhiều hình thức.


                
   

Các TCTD cơ cấu lại thời hạn trả nợ, giữ nguyên nhóm nợ, miễn, giảm, hạ lãi suất cho vay khoảng 800.000 khách hàng với dư nợ gần 2 triệu tỷ đồng. Ảnh: TTXVN

   

Phó Thống đốc NHNN Đào Minh Tú cho biết thông tin trên trong cuộc trao đổi với báo chí mới đây.

Cơ cấu lại nợ, miễn giảm, hạ lãi suất cho vay đối với khoảng 800.000 khách hàng
Theo Phó Thống đốc Đào Minh Tú, để hỗ trợ cho DN, người dân và nền kinh tế, trong năm 2020 và 7 tháng năm 2021, NHNN đã điều hành chính sách tiền tệ một cách chủ động, linh hoạt, bám sát các diễn biến vĩ mô và tình hình thực tiễn để có những quyết sách kịp thời, phù hợp.

Ngay từ khi có dịch COVID-19, NHNN đã ban hành Thông tư số 01/2020/TT-NHNN (Thông tư 01) và sau đó là Thông tư số 03/2021/TT-NHNN (Thông tư 03) tạo cơ sở pháp lý cho các TCTD cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi, phí, giữ nguyên nhóm nợ nhằm hỗ trợ cho khách hàng chịu ảnh hưởng bởi dịch bệnh. Các TCTD cơ cấu lại thời hạn trả nợ, giữ nguyên nhóm nợ, miễn, giảm, hạ lãi suất cho vay khoảng 800.000 khách hàng, kể cả DN lớn, DN nhỏ, các hộ kinh tế gia đình với dư nợ gần 2 triệu tỷ đồng, phù hợp với điều kiện thực tế mỗi loại hình DN, mỗi ngành nghề.

Nền kinh tế đang phải đối mặt với nhiều khó khăn, rủi ro phát sinh từ dịch bệnh diễn biến phức tạp. Do đó, trong thời gian tới, NHNN sẽ tiếp tục điều chỉnh Thông tư 01, Thông tư 03 theo hướng tăng cường hỗ trợ hơn cả về thời điểm được cơ cấu cũng như kéo dài thời hạn được phép cơ cấu các khoản nợ cho các DN. Chính sách mới này đảm bảo phù hợp với thực trạng nền kinh tế, phù hợp từng đối tượng, loại hình, ngành nghề, DN có mức độ khó khăn khác nhau.

“Khi thiết kế và triển khai chính sách hỗ trợ, NHNN cũng phải tính đến việc phối hợp các chính sách có tính tức thời cũng như có tính dài hạn hơn, vừa giảm bớt khó khăn cho DN trong lúc đang giãn cách trước mắt, vừa bảo đảm nguồn lực và tính phù hợp trong giai đoạn phục hồi nền kinh tế khi kết thúc giãn cách” - Phó Thống đốc Đào Minh Tú cho biết.

Về chính sách hỗ trợ cho vay trả lương ngừng việc, trả lương phục hồi sản xuất theo Nghị quyết số 68/NQ-CP của Chính phủ và Quyết định số 23/2021/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, từ khi hoàn thiện cơ chế đối với khoản tái cấp vốn 7.500 tỷ đồng lãi suất 0% cho Ngân hàng Chính sách xã hội để làm nguồn vốn cho vay, đến nay sau 2 tuần, Ngân hàng Chính sách xã hội đã giải ngân gần 150 tỷ đồng.

NHNN rất mong có sự phối hợp của các Bộ, ngành, đặc biệt là Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội và chính quyền địa phương trong việc hỗ trợ Ngân hàng Chính sách xã hội triển khai chính sách trả lương người lao động bị ngừng việc đảm bảo đúng đối tượng, đạt hiệu quả.

Giảm lãi vay khoảng 18.830 tỷ đồng cho doanh nghiệp
Phó Thống đốc Đào Minh Tú cho biết, ngoài việc cơ cấu lại khoản nợ, khoản lãi đến hạn và không chuyển nhóm nợ, việc hạ lãi suất, giảm lãi suất cho vay là một trong những giải pháp thiết thực nhất đối với DN lúc này. Trong thời gian qua, từ khi dịch bùng phát đến nay, tính chung tất cả các khoản đã giảm lãi trực tiếp, gián tiếp cho những khoản vay cũ hay khoản vay mới, tổng số khoản lãi đã được giảm bớt cho DN khoảng 18.830 tỷ đồng.

Thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, NHNN đã yêu cầu các NHTM chia sẻ, trách nhiệm và đồng hành với DN, giảm tích cực hơn nữa lãi suất cho DN bằng cách tiết giảm tối đa chi phí hoạt động hiện nay và chia sẻ nguồn lợi nhuận của chính ngân hàng.

Mới đây nhất, dưới sự chỉ đạo của NHNN, Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam đã tổ chức họp với 16 TCTD và các TCTD tự nguyện thống nhất cam kết hỗ trợ nền kinh tế với nguồn lãi vay sẽ được cắt giảm khoảng 20.300 tỷ đồng từ nay đến cuối năm, tùy quy mô ngân hàng.

Riêng 4 NHTM nhà nước lớn là Ngân hàng Thương mại cổ phần Ngoại thương Việt Nam, Ngân hàng Thương mại cổ phần Công thương Việt Nam, Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Ngân hàng Thương mại cổ phần Đầu tư và Phát triển Việt Nam đã phát huy vai trò tiên phong, ngoài gói hỗ trợ chung còn cam kết bỏ thêm khoảng 1.000 tỷ đồng mỗi ngân hàng (tổng số 4.000 tỷ đồng của 4 ngân hàng) hỗ trợ giảm thêm lãi suất cho các DN, người dân ở TP. HCM, Bình Dương và các địa phương gặp khó khăn, đang phải thực hiện giãn cách theo Chỉ thị số 16/CT-TTg. 4 ngân hàng này cũng sẽ miễn phí 100% tất cả các loại phí dịch vụ ngân hàng cho các địa phương bị ảnh hưởng nặng bởi COVID-19 như: TP. HCM, Bình Dương…

Đáng chú ý, lần này, “NHNN sẽ tăng cường giám sát việc thực hiện các cam kết giảm lãi suất, giảm được bao nhiêu, giảm thế nào để có sự hỗ trợ thực chất. Các ngân hàng sẽ phải thường xuyên báo cáo kết quả triển khai các biện pháp hỗ trợ như đã tự nguyện cam kết để thực hiện đúng tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về hỗ trợ nền kinh tế trong bối cảnh khó khăn hiện nay” - Phó Thống đốc Đào Minh Tú nhấn mạnh.

BOX: Việc thực hiện các giải pháp hỗ trợ của TCTD sẽ không chỉ được NHNN giám sát mà còn được KTNN kiểm toán, đánh giá. Theo đó, năm 2021, cơ cấu lại thời hạn trả nợ, xem xét miễn giảm lãi vay, giữ nguyên nhóm nợ, giảm phí; vay không có tài sản bảo đảm để trả lương cho người lao động... đối với khách hàng gặp khó khăn do ảnh hưởng của dịch COVID-19 là một trong những nội dung đánh giá quan trọng của KTNN khi kiểm toán báo cáo tài chính, các hoạt động liên quan đến quản lý, sử dụng vốn, tài sản nhà nước năm 2020 của NHNN và một số ngân hàng.

Bên cạnh đó, theo Phó Thống đốc Đào Minh Tú, NHNN đã và đang chỉ đạo các TCTD giảm các loại phí thanh toán, chuyển tiền, dịch vụ tiền tệ tín dụng khác cho DN. Ước tính, tổng số phí mà các TCTD giảm cho khách hàng trong thời gian vừa qua khoảng 1.100 tỷ đồng.

Thời gian tới, NHNN sẽ giảm các loại phí thanh toán và chỉ đạo các tổ chức trung gian thanh toán tiếp tục giảm phí, tạo thuận lợi cho các NHTM giảm sâu các loại phí cho khách hàng. Đây là những giải pháp thiết thực, góp phần giảm bớt khó khăn cho DN hiện nay./.
(Bài Tuyên truyền thực hiện Nghị quyết số 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ)
THÀNH ĐỨC