Tháo gỡ khó khăn kịp thời lưu thông, xuất khẩu nông sản sang Trung Quốc

Đầu tư - Ngày đăng : 21:10, 13/08/2021

(BKTO) - Hiện nay, Trung Quốc siết chặt kiểm soát chặt về tiêu chuẩn chất lượng hàng hóa, vệ sinh an toàn thực phẩm đối với mặt hàng nông sản nhập khẩu từ Việt Nam. Do vậy, để nông sản được thông quan thuận lợi, các Bộ, ngành, địa phương ngoài hướng dẫn sản xuất bằng văn bản, cũng cần hướng dẫn thêm bằng hình thức trực tuyến, trực tiếp tại cơ sở để người dân, DN sản xuất đáp ứng đúng yêu cầu trong xuất khẩu.


                
   
Các xe hàng nông sản chờ làm thủ tục xuất khẩu sang Trung Quốc tại cửa khẩu quốc tế đường bộ số II Kim Thành (Lào Cai) - Ảnh: TTXVN
   

   

Xuất khẩu nông sản sang thị trường Trung Quốc đang gặp khó

Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT), 7 tháng năm 2021, kim ngạch xuất khẩu nông, lâm, thủy sản cả nước tăng 26,7%, đạt 28,6 tỷ USD, suất siêu khoảng 3,9 tỷ USD. Trong đó, thị trường Trung Quốc hiện xếp thứ 2 về xuất khẩu nông sản của Việt Nam với mức tăng trưởng khoảng 36,5% so với cùng kỳ năm ngoái.

Phản ánh từ các địa phương có cửa khẩu cho thấy, mặc dù ảnh hưởng của dịch Covid-19, việc thông quan hàng hóa trên địa bàn những tháng đầu năm tăng đột biến, trong đó chủ yếu là hàng nông sản. Đơn cử, 7 tháng năm 2021, xuất khẩu nông sản qua tỉnh Lào Cai đạt 760 nghìn tấn, tăng 96 nghìn tấn so với cùng kỳ, ước giá trị đạt 690 triệu USD. Còn tại tỉnh Quảng Ninh, tổng lượng hàng hoá xuất khẩu qua các cửa khẩu trên địa bàn ước đạt trên 1,14 triệu tấn, bằng 76% kế hoạch, tăng 91,3% so với cùng kỳ năm trước.

Tuy nhiên, Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản (Bộ NN&PTNT) cho biết, hiện nay việc xuất khẩu một số loại nông sản, trái cây truyền thống sang thị trường Trung Quốc lại đang gặp khó khăn do phía bạn tạm ngừng hoạt động một số khu vực tiếp nhận phương tiện chở hàng để thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19. Đặc biệt, hiện nay, Trung Quốc kiểm hóa 100% lô hàng trái cây của Việt Nam, do vậy, thời gian thông quan hàng hóa lâu hơn so với các loại trái cây của nước khác, như Thái Lan chỉ kiểm hóa 30%.

Bên cạnh đó, Trung Quốc cũng liên tục tăng cường áp dụng các tiêu chuẩn về kiểm dịch nguồn gốc, xuất xứ, nhãn mác; đồng thời kiểm soát chặt về tiêu chuẩn chất lượng hàng hóa, vệ sinh an toàn thực phẩm đối với mặt hàng nông sản, hoa quả, trái cây nhập khẩu từ Việt Nam.

Tập trung tháo gỡ những rào cản

Trước các yêu cầu từ phía Trung Quốc, hầu hết các thương nhân, DN vẫn chưa cập nhật thông tin kịp thời về điều kiện xuất khẩu nên hàng hóa thông quan gặp nhiều khó khăn. Do đó, các địa phương đề nghị các Bộ, ngành chức năng cần phổ biến, hướng dẫn để nhân dân, DN trong sản xuất chủ động đảm bảo các yêu cầu của phía bạn để hàng hóa đưa đến các cửa khẩu được thông quan nhanh chóng hơn.
                
   

Một số loại trái cây truyền thống xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc đang gặp khó khăn - Ảnh minh họa: TTXVN

   

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lạng Sơn Lương Trọng Quỳnh thông tin, gần đây do tình hình dịch Covid-19 nên hoạt động xuất, nhập khẩu qua địa bàn, nhất là qua cửa khẩu Tân Thanh bị ảnh hưởng lớn, có ngày chỉ xuất khẩu được 37 xe hàng.

Do đó, Bộ NN&PTNT cần tiếp tục chỉ đạo, đẩy nhanh việc đàm phán, hoàn tất thủ tục mở cửa thị trường nông sản Việt Nam vào thị trường Trung Quốc. Đồng thời cấp mã số vùng trồng và khuyến nghị các địa phương có nông sản xuất khẩu sang Trung Quốc chủ động xây dựng kế hoạch thu hoạch, điều tiết hàng hóa xuất khẩu phù hợp với năng lực của các cửa khẩu để tránh tình trạng ùn tắc hàng hóa.

Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) Trần Quốc Toản cam kết sẽ hợp tác chặt chẽ với phía Trung Quốc để có những thông tin sớm nhất về các chính sách xuất nhập khẩu nông sản. "Chúng tôi sẽ cập nhật liên tục các thông tin về cửa khẩu, biên giới để kịp thời phản ánh, giúp Bộ NN&PTNT và các Bộ, ngành liên quan xử lý sớm các vấn đề phát sinh. Từ đó, Bộ NN&PTNT có thể điều chỉnh thời vụ, cũng như cách thức bảo quản, chế biến nông, lâm, thủy sản trong điều kiện dịch bệnh" – ông Toản nhấn mạnh.

Theo thông báo từ Tham tán Kinh tế - Thương mại của Đại sứ quán Trung Quốc tại Việt Nam Hồ Tỏa Cẩm, từ ngày 01/01/2022, Trung Quốc sẽ áp dụng một số chính sách mới cho các mặt hàng nông, lâm, thủy sản xuất khẩu từ Việt Nam. Do đó, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến yêu cầu các đơn vị của Bộ liên tục cập nhật thông tin từ phía Trung Quốc để tiếp nối đà tăng trưởng.

Đồng thời, Cục Bảo vệ thực vật (Bộ NN&PTNT) giảm thiểu tối đa các quy trình kiểm dịch thực vật trong phạm vi cho phép. Đối với các DN, hợp tác xã và cơ sở sản xuất cần tăng cường nhập khẩu chính ngạch, tuân thủ các yêu cầu từ phía DN nhập khẩu củaTrung Quốc.

Thứ trưởng Phùng Đức Tiến cũng đề nghị các đơn vị trực thuộc Bộ, các địa phương tập trung thực hiện nghiêm túc yêu cầu, quy định liên quan đến thủ tục kiểm dịch; tăng cường đàm phán để tháo gỡ khó khăn, lưu thông hàng hóa đến các cửa khẩu một cách bài bản, hợp lý để tránh xảy ra tình trạng ùn ứ. Bộ NN&PTNT sẽ tiếp tục quan tâm giải quyết nút thắt về cơ sở hạ tầng, nhất là hạ tầng giao thông kết nối để thúc đẩy mạnh mẽ giao thương hàng hoá giữa 2 nước.
LÊ HÒA