Sierra Leone: Khuyến nghị giúp hệ thống quản lý công hoạt động hiệu quả
Kiểm toán quốc tế - Ngày đăng : 18:50, 12/01/2017
(BKTO) - Từ năm 2011 đến nay, Cơ quan Kiểm toán tối caonước Cộng hòa Sierra Leone (ASSL) đã đưa ra tới 953 khuyến nghị nhằm cải thiệncông tác quản lý tài chính công. Không chỉ nỗ lực nhằm nâng cao tính minh bạch,hiệu quả và trách nhiệm trong Chính phủ, ASSL còn rất chú trọng nâng cao nhậnthức của công chúng về tầm quan trọng của công tác quản trị tốt, về hoạt độngkiểm toán và vẫn đang nỗ lực đấu tranh không ngừng trên con đường xây dựng mộtnền tài chính ngày càng minh bạch.
Bộ Y tế tiêu tốn ngân sách nhưng không cải thiện được chất lượng dịch vụ. Ảnh: ST
Cũng giống nhiều Cơ quan Kiểm toán tối cao (SAI) khác trên thế giới, ASSL có nhiệm vụ trình các Báo cáo kiểm toán lên Quốc hội, đồng thời đưa ra những khuyến nghị nhằm cải thiện các vấn đề còn tồn đọng. Nhìn lại thời điểm năm 2007, ASSL chỉ có 3 chuyên gia kế toán. Trải qua gần 10 năm, con số này đã tăng lên 24 chuyên gia chất lượng cao, được tham gia các lớp học đào tạo chuyên sâu với sự hỗ trợ tích cực về nhiều mặt từ Chính phủ và Văn phòng Ủy ban Dịch vụ kiểm toán. Nhân viên của Văn phòng được Ủy ban Dịch vụ kiểm toán tuyển dụng một cách độc lập nhằm đảm bảo tính khách quan. Tổng Kiểm toán Sierra Leone Lara Taylor-Pearce nhận định rằng, nguồn lực của ASSL hiện nay có thể đảm bảo đáp ứng mọi nhiệm vụ được giao.
5 năm qua, ASSL đã có những thành tựu và tiến bộ đáng ghi nhận, đặc biệt hoạt động kiểm toán tất cả 19 hội đồng địa phương đã đạt được nhiều kết quả hữu ích, phục vụ cho công tác quản lý tài chính công. Tuy nhiên, ASSL cũng chỉ ra nhiều vấn đề nan giải của đất nước. Trong đó, mua sắm công là một ví dụ điển hình, bởi đây là hoạt động chi tiêu ngân sách dễ xảy ra tiêu cực, lạm chi, biển thủ. Năm 2004, Luật Đấu thầu đã đặt ra nhiều quy tắc về công tác chi tiêu, mua sắm công, tuy nhiên từ đó đến nay, ASSL đã phát hiện rất nhiều trường hợp vi phạm nghiêm trọng. Nhiều quan chức cấp cao của Chính phủ rất tích cực triển khai các dự án để được giải ngân, nhưng sau đó lại không hề chú trọng đến quá trình thực hiện cũng như hiệu quả và chất lượng công việc.
Bên cạnh đó, hằng năm, ASSL đều tiến hành kiểm toán các Bộ, ban, ngành và các cơ quan của Chính phủ, trong đó chủ yếu kiểm tra việc quản lý, chi tiêu các nguồn tài trợ, giải ngân. Từ năm 2011, Chính phủ đã giải ngân những khoản tiền lớn xuống các Bộ, nhưng kết quả đạt được chưa như mong đợi. Điển hình như Bộ Nông nghiệp - Lâm nghiệp và An ninh lương thực, mặc dù được ưu tiên giải ngân nhiều đợt, tuy nhiên đến nay và thực tế chưa biết đến bao giờ mới đạt được mục tiêu đảm bảo an ninh lương thực quốc gia. Bộ Giáo dục đã đầu tư rất lớn nhằm cải tiến chất lượng giáo dục, nhưng hiện mới chỉ dừng lại ở mức “cải” mà chưa “tiến”. Bộ Y tế và vệ sinh môi trường cũng tiêu tốn những khoản ngân sách lớn nhưng lại nhận thất bại trong việc áp dụng các sáng kiến chăm sóc sức khoẻ như kế hoạch đã đề ra, đặc biệt là sự thất bại nặng nề trước dịch bệnh Ebola bùng phát vào năm 2014, 2015.
Bà Taylor-Pearce nhấn mạnh, ASSL đã có những phát hiện kịp thời về thực trạng hoạt động của các Bộ, ban, ngành, các lãnh đạo về tình hình sử dụng ngân sách công. Tuy nhiên, 5 năm qua, Chính phủ Sierra Leone chưa thực sự hành động tích cực sau khi nhận được những báo cáo phản ánh của ASSL. Ủy ban Phòng, chống tham nhũng quốc gia cũng chưa thực sự hoạt động có hiệu quả, đúng với trọng trách được giao phó.
Báo cáo thường niên của ASSL cho năm tài chính 2015 đã được trình bày trước Quốc hội vào tháng 12/2016, trong đó chỉ ra nhiều vấn đề nan giải như công tác kiểm soát nội bộ, quản lý tiền mặt, công tác đấu thầu, chi tiêu công... Trong thời gian tới, ASSL lên kế hoạch sẽ tham gia vào quá trình giám sát một số dự án xây dựng cơ sở hạ tầng đang được thực hiện tại Sierra Leone, kiểm toán các dự án ngành công nghệ thông tin, công nghiệp khai khoáng… trong khi vẫn đảm bảo tốt các hoạt động hiện tại. Dù tham gia vào lĩnh vực nào, ASSL luôn đặt chất lượng của các Báo cáo kiểm toán và sự tín nhiệm của Cơ quan lên trên hết - bà Taylor-Pearce khẳng định.
THANH XUYÊN(Theo AFROSAI và Africaresearchinstitute)