Những tình nguyện viên đầu tiên được tiêm thử nghiệm vắc xin ARCT-154

Chính trị - Ngày đăng : 09:00, 16/08/2021

(BKTO) - Ngày 15/8, Trường Đại học Y Hà Nội đã khởi động chương trình thử nghiệm lâm sàng vắc xin ARCT-154 phòng Covid-19 giai đoạn 1 cho 100 tình nguyện viên đến từ Hà Nội.


GS,TS. Tạ Thành Văn - Chủ tịch Hội đồng Trường Đại học Y Hà Nội, nghiên cứu viên chính của quá trình thử nghiệm lâm sàng vắc xin ARCT-154 phòng Covid-19, cho biết: "Chỉ sau 2 ngày thông báo tuyển tình nguyện viên, chúng tôi đã thu nhận hơn 800 người đăng ký tham gia. Qua khám sàng lọc đã chọn được hơn 100 người đủ tiêu chuẩn".

Theo kế hoạch, trong 2 ngày 15 và 16/8, sẽ tiêm mũi 1 vắc xin ARCT-154 cho toàn bộ 100 người tình nguyện khỏe mạnh của giai đoạn 1 tại Trung tâm thử nghiệm lâm sàng, Trường Đại học Y Hà Nội.
                
   

Những tình nguyện viên đầu tiên được tiêm thử nghiệm vắc xin ARCT-154
   - Ảnh: Bộ Y tế

   

Tại lễ khởi động chương trình, Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn cho biết, ARCT-154 là vắc xin được sản xuất theo công nghệ mRNA (tương tự công nghệ sản xuất vắc xin Pfizer và Moderna) đầu tiên của Việt Nam; được chuyển giao công nghệ từ Công ty Arcturus Therapeutics, Inc, Hoa Kỳ. Đây là loại vắc xin chứa RNA tự nhân bản, được cải tiến để có thể phòng, chống được các biến thể nguy hiểm như Alpha, Beta, Delta, Gamma...

Cùng với vắc xin Nano Covax (của Công ty cổ phần Công nghệ sinh học dược Nanogen) đang được triển khai ở giai đoạn 3, vắc xin Covivac (của Viện Vắc xin và sinh phẩm y tế - IVAC) đã bắt đầu giai đoạn 2, ARCT-154 là vắc xin thứ ba trong chuỗi các vắc xin Covid-19 được nghiên cứu, sản xuất và nhận chuyển giao từ nước ngoài ở Việt Nam.

"Chúng tôi rất kỳ vọng vắc xin ARCT-154 sẽ sớm hoàn thiện việc thử nghiệm đồng thời với vắc xin Nano Covivac và Covivac để Việt Nam sớm tự chủ được vắc xin Covid-19" - Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn phát biểu.

Theo GS,TS. Tạ Thành Văn, đề cương thử nghiệm lâm sàng vắc xin ARCT-154 tại Việt Nam đã kế thừa những kết quả đạt được khi thực hiện ở nước ngoài do nhà sản xuất cung cấp. Bên cạnh đó, bổ sung, chỉnh sửa phù hợp với các điều kiện của Việt Nam và đạt chuẩn mực của thế giới. Trong đó, vắc xin được tiêm thử nghiệm ở một mức liều duy nhất thay vì nhiều mức liều như các ứng viên vắc xin Covid-19 thử nghiệm lâm sàng khác.

Nhằm bảo đảm tính an toàn, tính sinh miễn dịch và hiệu lực bảo vệ vắc xin một cách tốt nhất, Hội đồng Đạo đức quốc gia của Bộ Y tế đã đề nghị vắc xin này phải thử nghiệm đầy đủ cả 3 pha (3 giai đoạn). Trong đó, pha 1-2 được Hội đồng cho phép đẩy nhanh, đồng thời sẽ từng bước cuốn chiếu nhanh chóng, khẩn trương chuyển sang pha 3. Bộ Y tế mong muốn cuối năm 2021 hoàn thiện cả pha 3 của quá trình thử nghiệm lâm sàng, gấp rút hoàn thiện nhà máy sản xuất vắc xin ở Khu công nghệ cao Hoà Lạc./.
N.HỒNG