Tạo đột phá, vượt trội để phát triển kinh tế - xã hội
Đầu tư - Ngày đăng : 10:35, 03/10/2017
(BKTO) - Dự thảo Luật Đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt vừa được trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) cho ý kiến lần đầu tại phiên họp thứ 14 vừa qua. Điểm đặc biệt của Dự thảo Luật này là được quy định cơ chế đặc biệt, có thể vượt các luật khác nhằm kiến tạo mô hình phát triển mới tại các vùng với những thể chế, chính sách có tính đột phá, vượt trội so với trong nước và cạnh tranh với quốc tế, tạo dựng môi trường đầu tư hấp dẫn, thông thoáng, minh bạch để phát triển.
Xây dựng môi trường đầu tưkinh doanh đặc biệt thuận lợi
Với 6 chương, 78 điều và 4 phụ lục, Dự thảo Luật Đơn vị hành chính- kinh tế đặc biệt quy định về quy hoạch, chính sách phát triển kinh tế - xã hội, tổ chức và hoạt động của chính quyền địa phương và cơ quan nhà nước tại 3 đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt là Vân Đồn (tỉnh Quảng Ninh), Bắc Vân Phong (tỉnh Khánh Hòa) và Phú Quốc (tỉnh Kiên Giang).
Theo Tờ trình của Chính phủ, sự đột phá, vượt trội của các đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt được thể hiện ở các chính sách phát triển kinh tế - xã hội. Đó là xây dựng môi trường đầu tư kinh doanh đặc biệt thuận lợi với mức độ mở cửa thị trường cao hơn các khu vực khác và bảo đảm cạnh tranh quốc tế thông qua quy định điều kiện, thủ tục đầu tư với nhà đầu tư nước ngoài giống như nhà đầu tư trong nước trong các ngành, nghề cần thu hút đầu tư; đổi mới và đơn giản hóa trình tự, thủ tục đầu tư kinh doanh…
Dự thảo Luật cũng đưa ra những quy định hướng đến mở rộng và tạo điều kiện thuận lợi cho nhà đầu tư trong nước và nước ngoài trong tiếp cận đất đai và tổ chức, cá nhân nước ngoài sở hữu nhà ở tại các đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt; quy định chính sách huy động các nguồn lực, đặc biệt là từ khu vực tư nhân để đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng kỹ thuật và xã hội; xây dựng chính sách ưu đãi đầu tư về thuế, miễn giảm tiền thuê mặt đất, mặt nước hấp dẫn, vượt trội quy định hiện hành và cạnh tranh được với các đặc khu kinh tế trên thế giới để thu hút các nhà đầu tư chiến lược đầu tư vào các ngành nghề ưu tiên phát triển gắn với quy mô vốn; đồng thời thu hút và phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao tại các đơn vị này.
“Trên cơ sở so sánh 9 nhóm tiêu chí (chính sách về môi trường đầu tư kinh doanh; phát triển kết cấu hạ tầng; dịch vụ hỗ trợ đầu tư; ưu đãi đầu tư; đất đai; lao động; giải quyết tranh chấp; thu hút ngoại kiều; xuất - nhập cảnh) cho thấy nội dung quy định tại Dự thảo Luật hầu hết có ưu đãi cao hơn, thuận lợi hơn so với các đặc khu kinh tế, khu kinh tế tự do tại Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Indonesia, Malaysia, Thái Lan, Singapore, Myanmar” - Tờ trình của Chính phủ nêu rõ.
Trao quyền nhưng không để…lạm quyền
Một điểm khác được đánh giá là đột phá, khác biệt trong Dự thảo Luật là quy định về mô hình tổ chức chính quyền địa phương. Theo đó, Dự thảo Luật đề xuất không xây dựng tổ chức cấp chính quyền địa phương (không tổ chức HĐND và UBND) ở đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt. Tại các đơn vị này, chính quyền địa phương là trưởng đơn vị đặc khu, có thẩm quyền quyết định và tổ chức thực hiện toàn bộ các hoạt động hành chính, kinh tế - xã hội trên địa bàn. Trưởng các đơn vị đặc khu, các cơ quan khác của Nhà nước ở đây chịu sự giám sát của Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh và HĐND tỉnh.
Góp ý vào Dự thảo Luật, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nhấn mạnh quan điểm: Quy định trong Luật này phải có tính đột phá, vượt trội thì mới đặc biệt, mới tạo môi trường đầu tư hấp dẫn; bộ máy đủ quyền lực để thực hiện nhiệm vụ. Theo Chủ tịch Quốc hội, quy định của Luật này có thể trái các luật khác nhưng không thể trái Hiến pháp và phải cụ thể hóa, quán triệt chủ trương của Đảng về vấn đề này.
Tuy nhiên, theo nhận xét của Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển thì chính sách ưu đãi trong Dự thảo Luật vẫn là nhìn nhận theo tư duy cũ, kiểu “miễn, giãn, giảm”. Phó Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh, phải cải cách cơ chế, thủ tục hành chính để làm giảm “tiêu phí, lãng phí” cho nhà đầu tư.
Một số ý kiến cũng đề nghị, Ban soạn thảo cần đánh giá kỹ hơn hiệu quả của việc thực hiện các chính sách ưu đãi đối với các mô hình này trong thời gian vừa qua, từ đó làm rõ hơn cơ sở thực tiễn của việc quy định các cơ chế, chính sách đặc thù, vượt trội cho các đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt.
Đặc biệt quan tâm đến quy định về tổ chức chính quyền địa phương ở đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt, các ý kiến trong UBTVQH cũng như nhiều chuyên gia thống nhất quan điểm: bộ máy đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt phải gọn nhẹ. Một người có thể được trao quyền rất lớn nhưng việc kiểm soát quyền lực cũng phải đặc biệt để tránh lạm quyền, mất dân chủ. “Dự thảo Luật chỉ quy định vượt trội về giao thẩm quyền mà không vượt trội về cơ chế giám sát, không làm rõ được phương thức thực thi quyền lực của người giữ chức danh này là không đảm bảo tính đồng bộ, hiệu quả cũng như chưa thể chế hóa đầy đủ chủ trương, đường lối của Đảng và quy định của Hiến pháp về kiểm soát quyền lực”- Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Nguyễn Khắc Định cho biết.
Dự thảo Luật sẽ tiếp tục được lấy ý kiến, hoàn thiện trình Quốc hội cho ý kiến tại kỳ họp thứ 4 sắp tới.
NGUYỄN HỒNG
Theo Tuần Báo ra ngày 28-9-2017