Cải cách chính sách thuế để tăng tỷ lệ động viên vào ngân sách
Ngân hàng - Tín dụng - Ngày đăng : 10:25, 03/10/2017
(BKTO) - Chính sách động viên NSNN được coi là công cụ đắc lực, đòn bẩy để thúc đẩy phát triển kinh tế; góp phần xây dựng nền tài chính quốc gia lành mạnh, bền vững. Trong điều kiện thu ngân sách gặp nhiều khó khăn, cơ cấu chi chưa phù hợp, bội chi và nợ công tăng cao, nhiều chuyên gia cho rằng, Việt Nam phải sớm xây dựng chính sách động viên NSNN phù hợp với thực tế của đất nước và thông lệ quốc tế.
Tỷ lệ động viên NSNNđang giảm dần
Nhìn lại quy mô thu NSNN trong hơn 15 năm qua, nhiều chuyên gia của Bộ Tài chính nhận định: Yêu cầu đảm bảo tính bền vững của quy mô động viên NSNN đang phải đối mặt với một số khó khăn và thách thức. Quy mô thu NSNN so với GDP đã có những giai đoạn mở rộng, tăng từ mức bình quân 24,5% GDP (giai đoạn 2001-2005) lên mức 26,3% GDP (giai đoạn 2006-2010). Tuy nhiên, giai đoạn 2011-2016, tỷ lệ này đã giảm xuống còn khoảng 23,7% GDP. Đây là mức không cao so với các nước trong khu vực và có xu hướng giảm dần do chịu tác động của một loạt yếu tố.
Nguyên nhân của thực trạng này một phần là do tăng trưởng kinh tế thấp hơn dự báo và thu từ dầu thô giảm. Bên cạnh đó, việc thực hiện chính sách thuế theo hướng miễn, giảm một số sắc thuế nhằm tháo gỡ khó khăn cho sản xuất - kinh doanh, hỗ trợ thị trường theo các Nghị quyết của Đảng và Quốc hội chưa được đặt trong mối quan hệ tổng thể với việc cơ cấu lại chi NSNN cũng như vấn đề huy động các nguồn lực xã hội nên tính bền vững của ngân sách đứng trước nhiều thách thức. Thêm nữa, việc cắt giảm hàng rào thuế quan để thực hiện các hiệp định thương mại song phương và đa phương cũng làm giảm mức độ động viên vào NSNN.
Mặt khác, theo ông Trương Bá Tuấn - Phó Viện trưởng Viện Chính lược và Chính sách tài chính (Bộ Tài chính) - nguyên nhân khiến tỷ lệ động viên vào NSNN giảm còn do cơ cấu thu NSNN của Việt Nam chưa thực sự bền vững, phụ thuộc vào các khoản thu không tái tạo như: thu từ giao quyền sử dụng đất, từ thoái vốn nhà nước và từ tài nguyên. Thu từ một số sắc thuế như thuế nhà, đất còn khá khiêm tốn so với tiềm năng. Tỷ lệ thu NSNN từ Thuế Thu nhập cá nhân so GDP đã giảm từ 1,38% (năm 2011) xuống còn 1,35% (năm 2015), trong khi GDP bình quân đầu người tăng 1,44 lần. Trong cơ cấu thu từ đất đai, thu từ Thuế Sử dụng đất (chủ yếu là đất phi nông nghiệp) chỉ chiếm khoảng 0,15% tổng thu NSNN, rất thấp so với nhiều nước trong khu vực, trong khi dư địa để tăng thu từ sắc thuế này được xem là khá lớn.
Cải cách toàn diện chính sách thuế, phí
Sự sụt giảm về quy mô thu NSNN trong khi nhu cầu chi NSNN vẫn ở mức cao đã đặt ra những áp lực không nhỏ đối với Việt Nam trong việc đảm bảo cân đối NSNN, hạn chế bội chi và nợ công. Áp lực đó cộng với việc phải hoàn thành mục tiêu về đảm bảo nguồn lực tài chính bền vững mà Chiến lược Tài chính đến năm 2020 đòi hỏi Việt Nam phải tiếp tục cải cách chính sách thuế, phí.
Ông Nguyễn Văn Phụng - Vụ trưởng Vụ DN lớn thuộc Tổng cục Thuế (Bộ Tài chính) - nhận định: Nguồn lực tài chính chỉ có thể bảo đảm được khi tiến hành đồng thời việc cắt giảm chi tiêu và giữ được tỷ lệ động viên thuế, phí và lệ phí trên GDP ở mức hợp lý. Bài toán cân bằng tổng thể phải được đặt ra khi nghiên cứu, đề xuất sửa đổi, điều chỉnh đồng thời các loại thuế. Theo đó, các mối quan hệ cần được tính toán kỹ như: cơ cấu giữa thuế gián thu và thuế trực thu; giữa các loại thuế cần điều chỉnh tăng với các loại bắt buộc phải giảm; giữa người nộp thuế là người tiêu dùng ở các mức thu nhập khác nhau; mối quan hệ giữa từng cá thể đối với cả cộng đồng…
Chính sách động viên NSNN đảm bảo tính bền vững phải dựa trên việc mở rộng cơ sở thu. Bởi vậy, Chuyên gia tài chính - ngân hàng Nguyễn Thị Mùi đề xuất, biện pháp cần làm ngay là mở rộng cơ sở thu thông qua việc cải cách chính sách thuế. Việc sửa đổi chính sách thuế cần đảm bảo bao quát các nguồn thu. Chẳng hạn, liên quan đến Thuế Giá trị gia tăng, hiện nay, vẫn còn 26 nhóm mặt hàng không chịu thuế; do đó, cơ quan quản lý nên rà soát để giảm xuống còn 4 - 8 nhóm. Bên cạnh đó, nhằm tăng tỷ lệ động viên vào NSNN, chúng ta có thể nghiên cứu, sử dụng công cụ khác để tạo điều kiện đảm bảo an sinh xã hội, không nên lồng ghép quá nhiều mục tiêu an sinh xã hội vào chính sách thuế. Mặt khác, “việc cải cách chính sách thuế cũng cần tính đến vấn đề giảm thuế cho những giao dịch tài chính thanh toán qua ngân hàng để hạn chế nạn tham nhũng, rửa tiền, trốn thuế”- bà Mùi đặt vấn đề.
Một thực tế được Chủ tịch Hội Tư vấn Thuế Nguyễn Thị Cúc nêu lên là mô hình quản lý thuế còn nhiều hạn chế. Một số cục thuế ở Tây Bắc, Tây Nguyên, Trung du… có số tiền thuế, phí thu NSNN trên địa bàn tỉnh nhỏ hơn số thu NSNN trên địa bàn quận, huyện của tỉnh thành khác.
Không ít các chi cục thuế ở địa bàn này có số thuế thực thu vào NSNN ở huyện nhỏ hơn số chi thường xuyên cho các cán bộ thu thuế trên địa bàn; chưa tính đến kinh phí xây dựng trụ sở, mua sắm xe ôtô cho các chi cục thuế đó…Từ đây, bà Cúc khuyến nghị, để huy động nguồn lực tài chính cho NSNN, cùng với việc cải cách các sắc thuế, chúng ta phải xây dựng và cơ cấu lại bộ máy quản lý thuế theo hướng hiện đại, hiệu lực, hiệu quả phù hợp với yêu cầu thực thi nhiệm vụ của cơ quan thuế và định hướng phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.
NGỌC MAI
Theo Tuần Báo ra ngày 28-9-2017