Bộ trưởng Bộ Y tế: Thực hiện công thức 5 điểm trong chống dịch ở TP. Hồ Chí Minh

Đối nội - Ngày đăng : 08:40, 18/08/2021

(BKTO) - Ngày 17/8, tại buổi làm việc với Thành uỷ, UBND TP. Hồ Chí Minh về công tác chăm sóc, điều trị người mắc Covid-19, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long đề nghị Thành phố cần đặc biệt lưu ý thực hiện 5 điểm trong công tác phòng, chống dịch giai đoạn này.


Tạo nền móng vững chắc từ tầng điều trị thứ nhất

Tại buổi làm việc, Phó Giám đốc Sở Y tế TP. Hồ Chí Minh Tăng Chí Thượng cho biết, Thành phố thực hiện mô hình tháp 3 tầng thu dung và điều trị bệnh nhân Covid-19. Tầng thứ nhất hiện có 18.120 F0 cách ly tại nhà và 153 cơ sở cách ly tập trung F0 tại 22 quận, huyện và TP. Thủ Đức (khoảng gần 24.000 giường). Tầng điều trị thứ 2 gồm có 74 bệnh viện điều trị với 49.392 giường. Tầng điều trị thứ 3 gồm 8 bệnh viện hồi sức Covid-19 trên địa bàn Thành phố và 5 Trung tâm Hồi sức tích cực Covid-19 của Bộ Y tế trên địa bàn với gần 3.850 giường.

Thành phố tăng quy mô giường có oxy và các trang thiết bị y tế tại các bệnh viện ở tầng 2; triển khai nâng cao năng lực tiếp nhận cuộc gọi và vận chuyển bệnh nhân cấp cứu; triển khai thêm các thuốc điều trị đặc hiệu kháng vi rút SARS-CoV-2 tại các bệnh viện tầng 2 và 3 (thuốc Remdisivir).

Hoàn toàn đồng tình với việc phân tầng điều trị 3 tầng của TP. Hồ Chí Minh, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho rằng mô hình chăm sóc sức khoẻ tại nhà cho người F0 cũng chính là tầng điều trị thứ nhất. Mở rộng tầng 1 bao nhiêu thì nền móng vững chắc bấy nhiêu. Nếu không mở rộng tầng 1, sẽ gây quá tải và khó khăn cho tầng điều trị 2 và 3.

Theo Bộ trưởng, trong chăm sóc sức khoẻ F0 tại nhà, quan trọng là triển khai xét nghiệm tại chỗ, nếu phát hiện ra F0 thì khoanh luôn nhà đó, phát luôn túi thuốc chăm sóc điều trị tại nhà và túi an sinh dùng trong 1 tuần. “Xét nghiệm tại chỗ, chăm sóc tại chỗ và an sinh tại chỗ sẽ góp phần làm giảm lây nhiễm, giúp hạn chế chuyển tình trạng nặng” - Bộ trưởng nhấn mạnh.
                
   

Điều trị cho bệnh nhân Covid-19 tại Trung tâm Hồi sức tích cực của BV Việt Đức tại TP. Hồ Chí Minh - Ảnh: Bộ Y tế

   

Song song đó cần mở rộng tầng 2 và tầng 3, trong đó tầng 2 phải bắt buộc có oxy và thuốc chống đông, kháng viêm. Tầng 2, dành điều trị người bệnh trên 50 tuổi, người có bệnh lý nền, người không có khả năng tự chăm sóc bản thân. Nếu điều trị trong 7-10 ngày, bệnh nhân tiến triển, khoẻ thì cho về nhà cách ly theo dõi y tế kèm theo túi thuốc chăm sóc sức khoẻ tại nhà.

Đối với các bệnh viện thuộc tầng 3 phải giao ban hàng ngày về chuyên môn với các bệnh viện tầng 2, đồng thời cử ê kip y bác sĩ của tầng 3 xuống tầng 2 hỗ trợ liên tục về chuyên môn để vừa lọc bệnh nhân ở tầng 2, chuyển tuyến tầng 3 ngay khi cần, vừa hướng dẫn thêm cho y bác sĩ tại tầng 2.

Bộ trưởng Bộ Y tế cũng đề nghị TP. Hồ Chí Minh mở rộng thêm các Tổ đáp ứng nhanh tại các xã, phường (hiện Thành phố có 312 tổ); mỗi tổ này chỉ cần 1-2 nhân viên y tế, còn lại là tình nguyện viên, có trạm oxy ngay tại các địa bàn do Tổ đáp ứng nhanh thường trực/Tổ dân phố quản lý và sử dụng ngay cho người dân khi cần cấp cứu. “Chúng ta làm được như thế, người dân sẽ yên tâm vì được tiếp cận mọi dịch vụ y tế trực tiếp tại địa bàn sinh sống” - Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long lưu ý.

Công thức 5 điểm chống dịch ở TP. Hồ Chí Minh hiện nay

Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long đặc biệt lưu ý TP. Hồ Chí Minh cần thực hiện 5 điểm trong công tác phòng, chống dịch giai đoạn này, đó là:

Thứ nhất, Thành phố phải thực hiện giãn cách thật nghiêm. Đây là vấn đề cơ bản, quan trọng và quyết định.

Thứ hai, Thành phố phải chú trọng thực hiện an sinh xã hội tại chỗ. Đây là biện pháp trọng yếu và thường xuyên. Khi người dân được cung cấp các gói an sinh xã hội, họ sẽ không phải ra bên ngoài và sẽ hạn chế được sự lây nhiễm dịch bệnh.

Thứ ba, xét nghiệm sớm là biện pháp then chốt nhằm phát hiện nguồn lây, bóc tách F0 khỏi cộng đồng, xác định rõ người nhiễm để có biện pháp hỗ trợ sớm, tránh để lây lan nhanh, diện rộng.

Thứ tư, giảm tử vong là ưu tiên hàng đầu.

Thứ năm, vắc xin là chiến lược lâu dài.

Trong đó, về vấn đề xét nghiệm, Bộ trưởng cho rằng, TP. Hồ Chí Minh có thể làm theo 2 hướng. Thứ nhất là để người dân tự test nhanh, nếu dương tính thì khẳng định lại bằng PCR. Thứ hai, Thành phố chủ động “quét” các khu vực bằng test nhanh gộp mẫu hoặc bằng khẳng định theo các vùng nguy cơ đã có hướng dẫn.

Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long cũng thông tin, ngày 20/8 tới đây, Bộ Y tế sẽ đưa 10 xe xét nghiệm phục vụ Thành phố, mỗi xe 2.000 - 3.000 mẫu đơn, nhân lực xét nghiệm do Bộ Y tế chịu trách nhiệm, hoạt động của các xe xét nghiệm này đặt dưới quyền điều hành của TP. Hồ Chí Minh./.

Đ. KHOA