Hội nghề nghiệp: Song hành phát triển cùng sự nghiệp kiểm toán Việt Nam

Hoạt động của Ngành - Ngày đăng : 18:30, 26/01/2017

(BKTO) - Trải qua 25 năm hình thành và phát triển,dịch vụ kiểm toán độc lập của Việt Nam ban đầu chỉ có 2 công ty kiểm toán với13 nhân viên đến nay đã thu hút hơn 150 công ty, gần 11.000 nhân lực. Chất lượngdịch vụ ngày càng chuyên nghiệp, góp phần tích cực vào việc minh bạchthông tin tài chính - kinh tế, đóng góp lớn cho sự phát triển của xã hội.Trong đó, không thể không nhắc đến vai trò của các hội nghề nghiệp kế toán, kiểmtoán.


Nhiều hội nghề nghiệp ra đời và phát triển

Hội Kế toán và Kiểm toán Việt Nam (VAA) ngày đầu thành lập chỉ có 300 hội viên, đến nay đã có hơn 8.000 người. Trải qua 23 năm, VAA đã phát triển ngày càng mạnh mẽ, thực hiện mục tiêu nâng cao chất lượng chuyên môn, giữ gìn đạo đức, phục vụ tốt yêu cầu quản lý tài chính - kinh tế, góp phần phát triển nghề nghiệp kế toán, kiểm toán và nền kinh tế của đất nước.

VAA thảo luận về định hướng công tác tuyên truyền lĩnh vực kế toán, kiểm toán

Là thành viên của Liên hiệp các Hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam (VUSTA), Liên đoàn Kế toán quốc tế (IFAC), Liên đoàn Kế toán Đông Nam Á (AFA), VAA đã nỗ lực nâng cao vị thế của Hội và hình ảnh của kế toán, kiểm toán Việt Nam trên trường quốc tế. Hội cũng ngày càng phát triển quan hệ hợp tác với các thành viên của IFAC và AFA như: Hội Kế toán công chứng Anh (ACCA), Hội Kế toán công chứng Australia (CPA Australia), Liên đoàn Kế toán Thái Lan (FAT)…

Ngành kiểm toán Việt Nam đang trong quá trình phát triển, hội nhập, VAA đã không ngừng đổi mới, nỗ lực củng cố và hoàn thiện tổ chức, nâng cao năng lực, đạo đức nghề nghiệp. Với những thành tựu đáng kể, Hội đã nhận được nhiều phần thưởng cao quý của Đảng và Nhà nước, Thủ tướng Chính phủ, Bộ Tài chính, VUSTA…

Sau nhiều năm chuẩn bị, năm 2005, Hội Kiểm toán viên hành nghề Việt Nam (VACPA) đã ra đời. Phải đối diện với nhiều khó khăn, tuy nhiên với quyết tâm cao, VACPA đã nỗ lực xây dựng hội nghề nghiệp chuyên nghiệp, góp phần vào sự phát triển của ngành kiểm toán Việt Nam.
Số lượng hội viên của VACPA đã phát triển nhanh chóng, từ 377 lên 1.593 hội viên cá nhân, 80 hội viên tập thể. VACPA đã không ngừng thắt chặt quan hệ với các cơ quan, tổ chức để học hỏi kinh nghiệm, đưa tiếng nói nghề nghiệp của Việt Nam ra thế giới. Hội đã ký Biên bản ghi nhớ với KTNN, Cục Tài chính DN, Hội Tư vấn thuế Việt Nam, Ủy ban Chứng khoán nhà nước... VACPA cũng triển khai nhiều hoạt động với 11 tổ chức, hội nghề nghiệp quốc tế có uy tín trên thế giới. VACPA đã là thành viên của VUSTA, CAPA và đang nộp đơn gia nhập IFAC, thể hiện một bước dài trong sự nghiệp phát triển nghề nghiệp.

Những thành tích này được nhà nước ghi nhận bằng một loạt danh hiệu cao quý như: Huân chương Lao động hạng Ba, nhiều tập thể, cá nhân được Chính phủ, Bộ Tài chính khen thưởng, được các tổ chức quốc tế đánh giá cao. Trong bối cảnh nền kinh tế nói chung, ngành kiểm toán Việt Nam nói riêng ngày càng hội nhập sâu rộng, VACPA đặt ra yêu cầu phải có chiến lược để ngày càng khẳng định vai trò của mình.

Sự hiện diện của các tổ chức kiểm toán quốc tế danh tiếng

Một số tổ chức nghề nghiệp quốc tế uy tín cũng đã có mặt tại Việt Nam từ sớm. Năm 1996, ACCA là tổ chức nghề nghiệp quốc tế về kế toán, kiểm toán đầu tiên vào Việt Nam. ACCA được thành lập năm 1904 với sứ mệnh mang đến cho giới chuyên môn ngành tài chính, kế toán, kiểm toán một chương trình chuyên nghiệp được công nhận rộng rãi trên toàn cầu. Hiện, ACCA là hiệp hội nghề nghiệp phát triển nhanh và lớn nhất thế giới với hơn 480.000 học viên, 188.000 hội viên tại hơn 181 quốc gia. Từ khi thành lập, ACCA đã và đang liên tục đẩy mạnh các hoạt động nâng cao nhận thức của cộng đồng về sự cần thiết của các chuyên gia kế toán quốc tế và vai trò của họ trong việc xây dựng, phát triển DN.

Sau 15 năm hoạt động tại Việt Nam, đến nay ACCA đã có gần 1.000 hội viên, 8.500 học viên rất thành công trong nhiều lĩnh vực, nhận được sự đánh giá cao của các DN lớn.

Ngoài việc luôn đảm bảo chương trình được thiết kế sâu sát, đáp ứng yêu cầu của DN, ACCA cũng đầu tư rất lớn về công sức và thời gian, nỗ lực cải cách chương trình học, giúp các học viên có thể áp dụng ngay vào công việc mà không mất thời gian chuyển đổi. Trong các chương trình quốc tế tương đương, hiện chỉ có ACCA làm được điều này.

ACCA luôn đề cao mục tiêu phát triển, nâng cao năng lực. Tại Việt Nam, ngoài biên bản hợp tác với Bộ Tài chính, ACCA cũng hợp tác với KTNN, các hội nghề nghiệp... Hiện ACCA đang tư vấn cho 2 dự án của Việt Nam được Ngân hàng Thế giới tài trợ, xây dựng và tăng cường năng lực cho VACPA, xây dựng khung pháp lý đối với việc kiểm soát chất lượng các công ty cung cấp dịch vụ kế toán, kiểm toán cho Bộ Tài chính. Tiềm năng phát triển của ACCA tại Việt Nam còn rất lớn và trong tương lai không xa, những nhân sự cao cấp của Việt Nam sẽ có cơ hội nắm giữ vai trò cốt cán trong các DN tại Việt Nam và trên thế giới.

Đến năm 2008, CPA Australia cũng đã có mặt tại Việt Nam. CPA Australia là một trong những Tổ chức nghề nghiệp kế toán lớn nhất thế giới, với hơn 150.000 hội viên tại 121 quốc gia. Dịch vụ cốt lõi cho các hội viên bao gồm: Giáo dục, đào tạo, trao đổi kiến thức, hỗ trợ chuyên môn, kết nối và cố vấn.

Với mạng lưới ngày càng tăng, số lượng hội viên của CPA Australia có mặt ở khắp nơi trên toàn cầu. Hiện nay, CPA Australia có trên 30.000 hội viên tại châu Á, hơn 600 hội viên tại Việt Nam. CPA Australia đã hợp tác với Bộ Tài chính, KTNN, các tổ chức nghề nghiệp như: VACPA, VAA, Hội Tư vấn thuế Việt Nam (VTCA), các trường đại học... nhằm phát triển ngành kế toán, kiểm toán, tăng cường hợp tác trong tương lai.

Hội Kế toán công chứng Anh và xứ Wales (ICAEW) cũng chính thức mở văn phòng tại Hà Nội vào năm 2017. Đây là hội kế toán chuyên nghiệp lâu đời nhất Vương quốc Anh, thành lập hơn 130 năm trước. ICAEW hiện có hơn 142.000 hội viên, khoảng 20.000 sinh viên tại hơn 160 quốc gia. Mặc dù mới đặt văn phòng tại Việt Nam, ICAEW đã có quan hệ hợp tác và hỗ trợ tích cực đối với ngành tài chính, kế toán, kiểm toán Việt Nam.

ICAEW có chương trình đào tạo riêng, chuyên sâu giúp các bạn trẻ Việt Nam trang bị kiến thức, kỹ năng nghề nghiệp theo chuẩn quốc tế. Chiến lược của ICAEW là phát triển về chất lượng. ICAEW có hội viên và văn phòng ở các nước rất ít, nhưng hội viên của ICAEW lại nắm giữ các vị trí lãnh đạo cao cấp trong các DN lớn. ICAEW cũng cam kết sẽ hợp tác và hỗ trợ tốt nhất, góp phần phát triển nghề nghiệp kế toán, kiểm toán tại Việt Nam.

Ngoài ra, nhiều tổ chức quốc tế khác như: Hội kế toán công chứng Singapore (ICPAS), Viện Kiểm toán nội bộ quốc tế (IIA)... cũng đã có các hoạt động tích cực tại Việt Nam. Sự xuất hiện và hoạt động của các hội nghề nghiệp quốc tế đã góp phần tăng cường chuyên môn cho các DN kiểm toán, nâng cao chất lượng dịch vụ, giúp hoạt động kiểm toán ngày càng chuyên nghiệp.

Suốt những năm qua, các hội nghề nghiệp vừa xây dựng tổ chức vừa triển khai hoạt động, phải đối mặt với rất nhiều thách thức. Dịch vụ kiểm toán độc lập cũng như các hội nghề nghiệp ở Việt Nam còn rất non trẻ, tuy nhiên, các hội nghề nghiệp đã cố gắng đạt được những kết quả đáng ghi nhận, và chúng ta hoàn toàn có thể tin tưởng vào sự phát triển ngày càng mạnh mẽ của các hội nghề nghiệp kế toán, kiểm toán tại Việt Nam trong tương lai.
QUẾ NHI