Mạnh tay cắt giảm điều kiện đầu tư, kinh doanh

Xã hội - Ngày đăng : 14:15, 03/10/2017

(BKTO) - Với việc cắt giảm 675 điều kiện đầu tư, kinh doanh giai đoạn 2017-2018, tương đương với 55,5% tổng các điều kiện đầu tư, kinh doanh thuộc lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ Công Thương, mà Bộ trưởng Trần Tuấn Anh vừa ký quyết định ban hành không chỉ làm “nhẹ lòng” DN, nhà đầu tư; mà còn góp phần vực dậy, củng cố niềm tin trong cộng đồng DN về một môi trường kinh doanh thông thoáng. Ngay lập tức, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã gửi lời khen tới Bộ Công Thương.


Cú “sốc” tích cực với DN

Ngày 20/9/2017, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh đã ký Quyết định số 3610a/QĐ-BCT ban hành phương án cắt giảm, đơn giản hóa điều kiện đầu tư, kinh doanh thuộc lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ Công Thương giai đoạn 2017-2018. Theo Quyết định, 675 điều kiện đầu tư, kinh doanh được cắt giảm - con số này được Bộ Công Thương đưa ra sau hơn 2 tuần các đơn vị tiến hành rà soát 1.216 điều kiện đầu tư, kinh doanh, trên 27 ngành, nghề (chưa tính đến ngành, nghề sản xuất, nhập khẩu ôtô là ngành, nghề thứ 28) để cắt giảm, đơn giản hóa các điều kiện đầu tư, kinh doanh thuộc lĩnh vực Bộ quản lý. Đó cũng là con số lớn chưa từng có trong lịch sử ngành Công thương được các đơn vị thuộc Bộ đề nghị cắt giảm, cao hơn dự kiến ban đầu 63 điều kiện và chiếm tới 55,5% tổng các điều kiện đầu tư, kinh doanh.

Nhận định rằng đây là một tín hiệu tích cực, ông Đậu Anh Tuấn - Trưởng Ban pháp chế Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) - chia sẻ, các DN có cơ sở để tin vào một sự cải cách, chuyển động mạnh mẽ của ngành Công thương trong thời gian tới. Bởi chưa có ngành nào đưa ra một kế hoạch cắt giảm điều kiện kinh doanh cụ thể, chi tiết và mạnh mẽ như vậy. Nếu các Bộ khác cùng tiếp bước thì chắc chắn môi trường kinh doanh của Việt Nam sẽ có sự thay đổi rất lớn.

Khẳng định việc ban hành Quyết định trên không phải là để lấy thành tích, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh nói: việc cắt giảm các điều kiện kinh doanh, tháo gỡ khó khăn cho DN sẽ là công việc trọng tâm đi suốt quá trình cải cách hành chính, hoàn thiện bộ máy, thể chế, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh của Bộ Công Thương và vì mục tiêu Chính phủ kiến tạo.

TS. Trần Đình Thiên - Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam - đã bày tỏ sự sửng sốt trước hành động cắt giảm hơn 50% điều kiện kinh doanh của Bộ Công Thương: Đây là việc làm công phu và nghiêm túc, chúng tôi thật sự cảm phục! Tuy nhiên, việc loại bỏ nhiều thủ tục cần đi đôi với bộ máy xử lý đòi hỏi phải chuyển động theo, kiểm soát được - ông Thiên nhấn mạnh.

Cắt giảm hướng đến lợi ích chung

Theo các đơn vị thuộc Bộ Công Thương, việc cắt giảm, đơn giản hóa điều kiện đầu tư, kinh doanh được căn cứ trên 5 nguyên tắc: chuyển dần phương thức quản lý nhà nước từ tiền kiểm sang hậu kiểm; các điều kiện gia nhập thị trường theo các cam kết quốc tế mà Việt Nam tham gia; các điều kiện đầu tư, kinh doanh cần thiết phải đáp ứng quy định tại Điều 7 Luật Đầu tư 2014; đánh giá, xem xét tính khả thi, nguồn lực của cơ quan quản lý nhà nước các cấp trong quản lý, thực hiện; gắn với công tác cải cách thủ tục hành chính. Tựu chung lại, các phương án cắt giảm, đơn giản hóa điều kiện kinh doanh được thực hiện trên nguyên tắc vì DN, người dân và sự phát triển bền vững của xã hội.

Sau khi cắt giảm, số điều kiện đầu tư, kinh doanh do Bộ quản lý chỉ còn lại 541 điều kiện, thay vì con số dự kiến ban đầu là 752 điều kiện. Nhìn lại chưa đầy một năm trước, vào tháng 10/2016, Bộ Công Thương cũng đã tiến hành một đợt cắt giảm mạnh mẽ các thủ tục hành chính theo Quyết định 4846/QĐ-BCT, trong đó bãi bỏ 15 thủ tục hành chính, đơn giản hóa 108 thủ tục hành chính trong tổng số 443 thủ tục, tương đương 27,8% tổng số thủ tục hành chính hiện có của Bộ.

Được biết, trong số 27 ngành, nghề nằm trong diện rà soát cắt giảm điều kiện đầu tư, kinh doanh thì có 10 ngành, nghề không có đề xuất cắt giảm. Còn lại 17 ngành, nghề kinh doanh có điều kiện đề xuất cắt giảm gồm: xăng dầu; khí; tiền chất thuốc nổ; hóa chất; rượu; thuốc lá; thực phẩm; điện; tạm nhập tái xuất hàng thực phẩm đông lạnh; nhượng quyền thương mại; logistic; tiền chất công nghiệp; sở giao dịch hàng hóa; giám định thương mại; đa cấp; thương mại điện tử; vật liệu nổ công nghiệp.

Như vậy, cùng với Quyết định số 3648/QĐ-BCT ngày 8/9/2016 và Thông tư 07 ngày 9/5/2017, Bộ Công Thương đã xóa bỏ khoảng 420 mã trong tổng số 720 mã HS phải kiểm tra trước thông quan thuộc trách nhiệm quản lý của Bộ, đạt tỷ lệ xóa bỏ lên tới 58,3%. Hiện nay, trong phạm vi quản lý của Bộ chỉ còn 2 loại sản phẩm phải kiểm tra trước thông quan là tiền chất thuốc nổ và thực phẩm. Thực hiện chủ trương xã hội hóa, Bộ đã chỉ định 11 đơn vị đủ điều kiện thực hiện kiểm tra nhà nước về an toàn thực phẩm nhập khẩu. Với vật liệu nổ công nghiệp, Bộ đã chỉ định 2 tổ chức thử nghiệm có đầy đủ trang thiết bị và trình độ để đảm nhiệm công việc kiểm tra nhà nước.

HỒNG THOAN
Theo Tuần Báo ra ngày 28-9-2017