VCCI: Dự thảo Nghị định sửa đổi Nghị định 27/2019/NĐ-CP chưa đảm bảo tính thống nhất

Kinh tế - Ngày đăng : 20:30, 18/08/2021

(BKTO) - Góp ý cho Dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 27/2019/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều của Luật Đo đạc và Bản đồ (Dự thảo), Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho rằng một số quy định của Dự thảo chưa đảm bảo tính thống nhất.


                
   

Theo VCCI, Dự thảoNghị định sửa đổi Nghị định 27/2019/NĐ-CP chưa đảm bảo tính thống nhất - Ảnh minh họa: TTXVN

   

Cụ thể, về cung cấp thông tin, dữ liệu, sản phẩm đo đạc bản đồ, Điều 41.3.đ Luật Đo đạc và Bản đồ quy định về các thông tin, dữ liệu, sản phẩm đo đạc bản đồ được cung cấp rộng rãi.

Theo VCCI, đây được xem là chính sách cởi mở, tạo thuận lợi để người dân, doanh nghiệp tiếp cận với nguồn thông tin có giá trị này. Tuy nhiên, quy định về trình tự, thủ tục tiếp cận các thông tin này tại Điều 21 Nghị định 27/2019/NĐ-CP lại tương đối phức tạp, việc cung cấp thông tin được thực hiện theo từng lần riêng biệt với từng cá nhân, doanh nghiệp yêu cầu cụ thể.

VCCI cho rằng, quy định như vậy chưa thực sự phù hợp với định hướng về cung cấp rộng rãi như quy định tại Luật Đo đạc và Bản đồ, đồng thời, còn hạn chế khả năng khai thác, tận dụng nguồn thông tin có giá trị này trong các sản phẩm, dịch vụ thương mại hoặc phi thương mại.

“Do vậy để đảm bảo tính thống nhất, đề nghị cơ quan soạn thảo sửa đổi Điều 21 Nghị định 27/2019/NĐ-CP theo hướng quy định các dữ liệu tại Điều 41.3.đ Luật Đo đạc và Bản đồ là dữ liệu mở theo quy định tại Nghị định 47/2020/NĐ-CP và được cung cấp rộng rãi (không hạn chế tiếp cận) trên mạng internet” - VCCI kiến nghị.

Về điều kiện nhân sự với tổ chức hoạt động đo đạc và bản đồ, tại Điều 1.6 Dự thảo bổ sung yêu cầu doanh nghiệp phải có nhân viên kỹ thuật chính với 5 năm kinh nghiệm.

Theo VCCI, quy định này chưa hợp lý và đưa ra yêu cầu quá cao, làm gia tăng điều kiện kinh doanh so với quy định cũ, như vậy chưa phù hợp với định hướng cắt giảm, đơn giản hóa điều kiện kinh doanh theo Nghị quyết 68/NQ-CP năm 2020 của Chính phủ.

Do đó, VCCI đề nghị cơ quan soạn thảo làm rõ yêu cầu sửa đổi, nếu không, đề nghị bỏ quy định này.

Về hội đồng thẩm định hồ sơ cấp phép, tại Điều 1.8.b Dự thảo quy định việc thẩm định phải thành lập Tổ thẩm định và thực hiện tại trụ sở doanh nghiệp.

Tuy nhiên, theo VCCI, quy định này không cần thiết và quá phức tạp, bởi các điều kiện kinh doanh với hoạt động đo đạc và bản đồ gồm: các điều kiện về nhân sự; các điều kiện về thiết bị, phương tiện.

"Trong đó, điều kiện về nhân sự chỉ cần thực hiện kiểm tra hồ sơ và đối chiếu chéo với dữ liệu đóng bảo hiểm, do đó không cần kiểm tra thực tế. Điều kiện về thiết bị, phương tiện, theo như được quy định tại Phụ lục III Dự thảo, chỉ yêu cầu thiết bị, phương tiện, phần mềm, không yêu cầu về cơ sở vật chất cố định như nhà xưởng, do đó cũng không cần kiểm tra thực tế" - VCCI nêu quan điểm.

VCCI cho rằng, theo thông lệ thực hiện các thủ tục hành chính khác, quy trình thẩm định trong trường hợp như vậy tương đối đơn giản, cụ thể cơ quan thẩm định xem xét tính phù hợp của hồ sơ trong một khoảng thời gian nhất định và tiến hành cấp phép nếu hồ sơ đầy đủ.

Do đó, VCCI đề nghị cơ quan soạn thảo sửa đổi quy định trên theo hướng đơn giản hơn./.

THIỆN TRẦN