Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân thăm và làm việc với KTNN

Đối nội - Ngày đăng : 18:25, 03/10/2017

(BKTO) - Sángngày 03/10, tại trụ sở KTNN - 111 Trần Duy Hưng, Hà Nội, Ủy viên Bộ Chính trị,Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đã đến thăm và làm việc với KTNN.



Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân phát biểu tại buổi làm việc -ẢnhTHANH TÙNG
Cùng tham dự buổi làm việc có Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Nguyễn Khắc Định;Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội VũHồng Thanh; Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính- Ngân sách của Quốc hội Nguyễn Đức Hải; Trưởng ban Công tác đại biểu Trần Văn Túy; đại diện Văn phòng Quốc hội cùng đại diện lãnh đạo Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư...
Về phía KTNN, đón tiếp và dự buổi làm việc với Chủ tịch Quốc hội có Tổng Kiểm toán Nhà nước Hồ Đức Phớc; các đồng chí Phó Tổng Kiểm toán Nhà nước cùng các đồng chí ủy viên Ban Thường vụ Đảng ủy KTNN; thủ trưởng các đơn vị tham mưu, sự nghiệp; các kiểm toán trưởng KTNN chuyên ngành và khu vực.

Tại buổi làm việc, thay mặt lãnh đạo KTNN, Phó Tổng Kiểm toán Nhà nước Đoàn Xuân Tiên đã báo cáo với Chủ tịch Quốc hội kết quả thực hiện chức năng, nhiệm vụ của KTNN trong thời gian qua.

Theo báo cáo, thời gian qua, đặc biệt năm 2016 và 8 tháng năm 2017, hoạt động kiểm toán đã có bước chuyển biến tích cực, đổi mới mạnh mẽ toàn diện về nội dung, phương pháp và cách thức thực hiện nên hiệu lực, hiệu quả, chất lượng kiểm toán không ngừng được nâng cao, góp phần quan trọng trong việc siết chặt kỷ luật, kỷ cương tài chính công, tài sản công, sử dụng hiệu quả nguồn lực quốc gia, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí.

Năm 2016, KTNN đã kiến nghị xử lý tài chính 38.776 tỷ đồng, cao nhất trong 22 năm hoạt động và tăng gấp 2 lần so với năm 2015 (19.863 tỷ đồng); 8 tháng năm 2017, tổng hợp sơ bộ kết quả kiến nghị xử lý tài chính của 108 dự thảo Báo cáo kiểm toán (BCKT) là 22.954 tỷ đồng, riêng tăng thu về NSNN gấp hơn 4 lần so với 8 tháng cùng kỳ năm 2016 (2.719 tỷ đồng).

Kết quả kiểm toán đã góp phần hoàn thiện thể chế, chính sách pháp luật của Nhà nước và góp phần tích cực vào việc phòng ngừa tham nhũng, chống lãng phí, thực hành tiết kiệm trong các cơ quan, đơn vị được kiểm toán thông qua việc kiến nghị sửa đổi bổ sung, thay thế, hủy bỏ nhiều văn bản quy phạm pháp luật. Năm 2016, KTNN đã kiến nghị sửa đổi bổ sung, thay thế, hủy bỏ 150 văn bản. Ngoài ra, kiểm toán 27 Dự án giao thông theo hình thức hợp đồng BOT, KTNN đã kiến nghị giảm thời gian thu phí hoàn vốn của các dự án so với phương án tài chính ban đầu 107,4 năm; kiểm toán kết quả định giá DN và xử lý các vấn đề tài chính trước khi chính thức công bố giá trị DN cổ phần hóa, KTNN xác định giá trị vốn nhà nước tại 07 DN đã làm tăng thêm giá trị vốn nhà nước 20.818 tỷ đồng.

Qua 8 tháng năm 2017, KTNN đã kiến nghị sửa đổi bổ sung, thay thế, hủy bỏ 40 văn bản, nhằm bịt chỗ hổng thất thoát, lãng phí từ cơ chế, chính sách. Đồng thời, KTNN đã kiến nghị xử lý trách nhiệm theo quy định của pháp luật đối với nhiều tập thể và cá nhân về những tồn tại, sai phạm phát hiện thông qua hoạt động kiểm toán; cung cấp hồ sơ, tài liệu kiểm toán cho các cơ quan nhà nước có thẩm quyền để phục vụ công tác kiểm tra, giám sát, điều tra; cung cấp thông tin phục vụ kịp thời các phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH), Chính phủ, một số đoàn giám sát của UBTVQH, Đoàn đại biểu Quốc hội một số địa phương...

Tổng Kiểm toán Nhà nước Hồ Đức Phớc phát biểu tại buổi làm việc - Ảnh THANH TÙNG
Cùng với nhiệm vụ kiểm toán, việc hoàn thiện cơ sở pháp lý cho hoạt động kiểm toán luôn được KTNN chú trọng. Năm 2017, KTNN tiếp tục triển khai có hiệu quả Hiến pháp và Luật KTNN với việc ban hành nhiều văn bản hướng dẫn thi hành, gắn với cải cách hành chính trong tổ chức và thực hiện nhiệm vụ được giao. Tính từ tháng 6/2016 đến 31/8/2017, Tổng KTNN đã ký ban hành 18 văn bản quy phạm pháp luật và 03 Đề cương hướng dẫn nghiệp vụ kiểm toán chuyên sâu; ngoài ra, 05 văn bản đang gửi lấy ý kiến đóng góp trong ngành và 07 văn bản đang xây dựng. Cùng với đó, 39 chuẩn mực KTNN và các quy trình, hướng dẫn kiểm toán của các lĩnh vực đã được Tổng Kiểm toán Nhà nước ban hành.

Đặc biệt, KTNN đã tích cực, chủ động xây dựng Dự thảo Nghị quyết quy định chi tiết một số điều của Luật KTNN năm 2015 và Dự thảo Nghị định quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực KTNN. Đến nay, Dự thảo Nghị định đã tổng hợp ý kiến các Bộ, ngành, địa phương gửi Bộ Tư pháp thẩm định theo quy định; Dự thảo Nghị quyết đang được gửi lấy ý kiến Chính phủ trước khi trình UBTVQH xem xét ban hành. Bên cạnh đó, hoạt động hợp tác quốc tế của KTNN liên tục được mở rộng và tăng cường về chiều sâu, chủ động và tích cực tham gia các hoạt động của các tổ chức quốc tế các cơ quan kiểm toán tối cao khu vực và thế giới. Đặc biệt, KTNN đã và đang tích cực, chủ động trong công tác chuẩn bị Đại hội lần thứ 14 của Tổ chức các cơ quan Kiểm toán tối cao châu Á (ASOSAI 14) năm 2018 tại Hà Nội do KTNN Việt Nam làm chủ nhà…

Trên cơ sở kết quả đạt được, báo cáo của KTNN cũng nhấn mạnh những nhiệm vụ trọng tâm trong nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIV cũng như kế hoạch công tác trọng tâm trong thời gian tới.

Nhằm tạo điều kiện cho KTNN hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao trong thời gian tới, KTNN đề xuất, xin ý kiến Chủ tịch Quốc hội ủng hộ về việc đề nghị Chính phủ chỉ đạo cơ quan thanh tra phối hợp với KTNN để tránh sự trùng lắp, chồng chéo trong kế hoạch thanh tra, kiểm tra, tránh gây khó khăn cho các địa phương, DN; chỉ đạo các cơ quan, đơn vị thực hiện nghiêm kiến nghị của KTNN, đặc biệt là kiến nghị về xử lý tài chính và hoàn thiện các cơ chế, chính sách pháp luật nhằm bịt các chỗ hổng thất thoát, lãng phí từ cơ chế, chính sách. Đồng thời, KTNN đề nghị Chủ tịch Quốc hội quan tâm, xem xét ban hành Nghị quyết của UBTVQH quy định chi tiết một số điều của Luật KTNN 2015; ủng hộ việc ban hành Nghị định của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực KTNN nhằm tạo sự đồng bộ của hệ thống pháp luật, đảm bảo đầy đủ cơ sở pháp lý cho KTNN hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao; phê duyệt Đề án Tổ chức và biên chế của KTNN đến năm 2020 và tầm nhìn 2030 để KTNN đủ năng lực thực hiện nhiệm vụ theo yêu cầu của Hiến pháp và Luật KTNN.

Tại buổi làm việc, đại diện các cơ quan của Quốc hội và đại diện Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư bày tỏ đồng tình và đánh giá cao những kết quả đạt được của KTNN; đồng thời ghi nhận sự phối hợp chặt chẽ, hiệu quả giữa KTNN với các cơ quan của Quốc hội và các Bộ, ngành trong việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ được giao, qua đó không ngừng nâng cao hiệu quả quản lý, sử dụng tài chính công, tài sản công. Đặc biệt, cùng với các kiến nghị về xử lý tài chính, KTNN đã đưa ra nhiều kiến nghị về sửa đổi, bổ sung cơ chế chính sách nhằm hoàn thiện hành lang pháp lý, tăng cường siết chặt kỷ luật, kỷ cương tài chính; góp phần thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, phòng ngừa tham nhũng trong các cơ quan, DN…

Các đại biểu mong muốn, trong thời gian tới, KTNN tiếp tục phát huy vai trò và vị thế của mình nhằm không ngừng nâng cao chất lượng kiểm toán và chất lượng kiến nghị kiểm toán; tăng cường thực hiện kiểm toán hoạt động nhằm đưa ra những kiến nghị kịp thời về cơ chế chính sách; chủ động phối hợp với các cơ quan thanh tra, kiểm tra trong xây dựng kế hoạch kiểm toán để tránh chồng chéo, trùng lắp…


Quang cảnh buổi làm việc - Ảnh NGUYỄN LỘC
Phát biểu tại buổi làm việc, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nhấn mạnh, hoạt động của KTNN luôn được Quốc hội, UBTVQH, Chính phủ, các cơ quan, các đại biểu Quốc hội ghi nhận. Hoạt động của KTNN đã có rất nhiều tiến bộ, tăng dần tính chuyên nghiệp; chất lượng các kết luận, kiến nghị ngày càng tốt hơn, góp phần giải đáp những yêu cầu, đòi hỏi bức xúc về quản lý kinh tế nói chung và quản lý tài chính, NSNN nói riêng. KTNN đã thể hiện ngày càng rõ hơn vai trò, vị trí của mình đã được Hiến pháp và Luật quy định, thực hiện nhiệm vụ đạt nhiều kết quả, hiệu quả; giúp cho Quốc hội, Chính phủ nắm được tình hình để tăng cường chỉ đạo, quản lý, điều hành trong hoạt động lập pháp và hành pháp kịp thời, sát thực tiễn.

“Thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước tôi xin nhiệt liệt biểu dương, ghi nhận và đánh giá cao những kết quả đạt được của KTNN trong những năm qua với sự nỗ lực rất lớn, nội bộ đoàn kết, đồng tâm hiệp lực, nhất trí, tạo được niềm tin cho Đảng, Nhà nước và nhân dân trong hoạt động của mình”- Chủ tịch Quốc hội nói.

Trên cơ sở các ý kiến tại buổi làm việc, Chủ tịch Quốc hội đã có những chỉ đạo, định hướng cụ thể về hoạt động của KTNN trong thời gian tới, trong đó, Chủ tịch Quốc hội yêu cầu KTNN quán triệt và thể chế hóa nghị quyết của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước để hoạt động đúng định hướng, đúng mục tiêu, đúng trọng tâm. Trên cơ sở đó, cung cấp thông tin xác thực, kịp thời, giúp Quốc hội thực hiện các chức năng lập pháp, giám sát và quyết định các vấn đề quan trọng của quốc gia; tích cực ban hành các văn bản liên quan để nhanh chóng đưa Luật KTNN vào cuộc sống, hoàn thiện cơ sở pháp lý cho hoạt động KTNN; đảm bảo nguyên tắc độc lập trong hoạt động kiểm toán…
Chủ tịch Quốc hội cũng yêu cầu, KTNN cần nghiên cứu ý kiến của các cơ quan của Quốc hội, của Chính phủ để hoàn thiện và làm tốt các nhiệm vụ của mình. Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh, những đề xuất, kiến nghị của KTNN tại buổi làm việc sẽ được ghi nhận và giao cho Ủy ban Tài chính - Ngân sách, Ủy ban pháp luật, các cơ quan hữu quan nghiên cứu, xem xét để báo cáo UBTVQH, đặc biệt là việc ban hành Nghị quyết hướng dẫn thi hành Luật KTNN 2015 và Nghị định xử phạt hành chính trong lĩnh vực KTNN để tránh khoảng trống pháp luật.

Thay mặt KTNN, Tổng Kiểm toán Nhà nước Hồ Đức Phớc trân trọng cảm ơn Chủ tịch Quốc hội đã đến thăm và làm việc với KTNN. Tổng Kiểm toán Nhà nước cho biết, KTNN sẽ tiếp thu nghiêm túc và đầy đủ những ý kiến chỉ đạo, định hướng của Chủ tịch Quốc hội và ý kiến của các đại biểu tại buổi làm việc nhằm thực hiện tốt hơn nữa chức năng, nhiệm vụ được giao.

HỒNG TÙNG