Bộ Giao thông vận tải kiến nghị làm rõ nhiều nội dung tại Dự án cao tốc Hữu Nghị - Chi Lăng

Đối nội - Ngày đăng : 18:57, 19/08/2021

(BKTO) - Góp ý đối với Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi điều chỉnh Dự án cao tốc Hữu Nghị - Chi Lăng do UBND tỉnh Lạng Sơn đề xuất, Bộ Giao thông vận tải (GTVT) thể hiện quan điểm thống nhất về sự cần thiết phải sớm đầu tư, hoàn thành, đưa Dự án vào vận hành khai thác.



                
   

Tuyến đường cao tốc Bắc Giang - Lạng Sơn, đoạn tuyến Bắc Giang - Chi Lăng - Ảnh: TTXVN

   

Tuy nhiên, Bộ GTVT kiến nghị tỉnh Lạng Sơn cần làm rõ khả năng tiếp cận vốn tín dụng cho Dự án; rà soát thuyết minh cụ thể, đầy đủ hơn về lợi thế của việc đầu tư theo phương thức hợp tác công - tư (PPP); nghiên cứu các phương án mở rộng Dự án đảm bảo quy hoạch được duyệt…

Cần đa dạng hóa nguồn vốn

Dự án thành phần 2 (đoạn Hữu Nghị - Chi Lăng) thuộc Dự án đường cao tốc Bắc Giang - Lạng Sơn theo phương thức PPP được UBND tỉnh Lạng Sơn phê duyệt Báo cáo nghiên cứu khả thi vào năm 2018 với quy mô phân kỳ giai đoạn 1 gồm 4 làn xe, bề rộng nền đường 17m, tổng mức đầu tư khoảng 5.675 tỷ đồng (không có hỗ trợ từ ngân sách Nhà nước).

Trong quá trình triển khai thực hiện, để phù hợp với điều kiện thực tế, nguồn lực đầu tư cũng như đảm bảo hiệu quả đầu tư, tháng 5/2021, UBND tỉnh Lạng Sơn đã kiến nghị Thủ tướng Chính phủ cho phép điều chỉnh Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi Dự án. Theo đó, tỉnh Lạng Sơn đề xuất thay đổi quy mô và phương án đầu tư Dự án.

Cụ thể, Dự án sẽ đầu tư phân kỳ giai đoạn 1: đoạn Km1+800 (cửa khẩu Hữu Nghị) - Km17+420 (nút giao với Quốc lộ 4B TP.Lạng Sơn), quy mô 2 làn xe, chiều rộng nền đường 22m, chiều rộng mặt đường 12,5 m; đoạn Km17+420 (nút giao với Quốc lộ 14B TP.Lạng Sơn) - Km44+749 (huyện Chi Lăng) có quy mô 4 làn xe, chiều rộng nền đường 22 m, chiều rộng mặt đường 16 m. Tổng mức đầu tư giai đoạn 1 là 7.609 tỷ đồng, trong đó vốn Nhà nước tham gia 3.500 tỷ đồng (ngân sách T.Ư 2.500 tỷ đồng, ngân sách địa phương 1.000 tỷ đồng), vốn nhà đầu tư 4.109 tỷ đồng.

Góp ý Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi điều chỉnh Dự án, Bộ GTVT đánh giá, Dự án có nhu cầu vốn vay dài hạn khoảng 3.300 tỷ đồng, trong khi các tổ chức tín dụng trong nước chủ yếu cho vay ngắn hạn, thậm chí hạn chế cho vay dự án BOT (xây dựng - kinh doanh - chuyển gia) giao thông. Do vậy, tỉnh Lạng Sơn cần rà soát, tính toán, xây dựng phương án đa dạng hóa các nguồn vốn huy động đầu tư dự án, giảm sự phụ thuộc vào vốn vay tín dụng.

Bên cạnh đó, Bộ GTVT cũng nhìn nhận, Hồ sơ Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi điều chỉnh Dự án có phân tích ưu thế của việc triển khai Dự án theo phương thức PPP so với các hình thức đầu khác, tuy nhiên nội dung phân tích còn chung chung, chưa gắn trực tiếp với Dự án. Vì vậy, Bộ đề nghị tỉnh Lạng Sơn rà soát thuyết minh cụ thể, đầy đủ hơn về lợi thế của việc đầu tư Dự án theo phương thức PPP so với các hình thức đầu tư khác.

Quy mô Dự án chưa phù hợp

Trong văn bản góp ý, Bộ GTVT cũng đề nghị tỉnh Lạng Sơn làm rõ liên quan đến tương quan Dự án với quy hoạch hệ thống đường bộ, đường cao tốc quốc gia. Cụ thể, dự án đường cao tốc Hữu Nghị - Chi Lăng nằm trong Quy hoạch phát triển GTVT đường bộ Việt Nam đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Theo đó, đoạn cao tốc Hữu Nghị - Chi Lăng có quy mô từ 4-6 làn xe, dự kiến triển khai trong giai đoạn 2020-2030. Thực hiện Luật Quy hoạch, Quy hoạch mạng lưới đường bộ thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 thuộc quy hoạch ngành kết cấu hạ tầng quốc gia được lập và đã được Hội đồng thẩm định quy hoạch thông qua, đang trình Thủ tướng Chính phủ ban hành, trong đó tuyến cao tốc Hữu Nghị - Chi Lăng có quy mô 6 làn xe, dự kiến triển khai trong giai đoạn 2020-2030.

Bộ GTVT cho rằng, tại Hồ sơ trình duyệt, Dự án dự kiến phân kỳ giai đoạn 1 với quy mô 4 làn xe là chưa đáp ứng Quy hoạch mạng lưới đường bộ thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 thuộc quy hoạch ngành kết cấu hạ tầng quốc gia được lập và đã được Hội đồng thẩm định quy hoạch thông qua, đang trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Do vậy, tỉnh Lạng Sơn cần nghiên cứu các phương án mở rộng Dự án đảm bảo quy hoạch được duyệt.

Ngoài ra, một nội dung cần tiếp tục được làm rõ khác là Hồ sơ Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi điều chỉnh Dự án có đề xuất áp dụng cơ chế chia sẻ tăng giảm doanh thu theo quy định tại Luật PPP, song chưa xây dựng cụ thể phương án áp dụng. Vì vậy, UBND tỉnh Lạng Sơn cũng cần nghiên cứu, bổ sung phương án cụ thể, để báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định áp dụng.
LÊ HÒA