Triển khai xây dựng Chuyên đề về hoàn thiện tổ chức, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của Kiểm toán Nhà nước

Hoạt động của Ngành - Ngày đăng : 20:28, 19/08/2021

(BKTO) - Chiều 19/8, tại Hà Nội, Bí thư Ban cán sự Đảng, Bí thư Đảng ủy, Tổng Kiểm toán Nhà nước Trần Sỹ Thanh – Trưởng Ban Chỉ đạo xây dựng Chuyên đề “Hoàn thiện tổ chức, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của KTNN đáp ứng yêu cầu xây dựng, hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa (XHCN) Việt Nam” (Chuyên đề) đã chủ trì cuộc họp của Ban Chỉ đạo để cho ý kiến về một số nội dung liên quan đến định hướng, xây dựng nội dung Chuyên đề.


                
   

Tổng Kiểm toán Nhà nước Trần Sỹ Thanh – Trưởng Ban Chỉ đạo chủ trì cuộc họp. Ảnh: N.LỘC

   

Tham dự cuộc họp có các thành viên Ban Chỉ đạo và Tổ Biên tập xây dựng Chuyên đề.

Chuyên đề được xây dựng theoKế hoạch số 02-KH/BCĐ, ngày 20/7/2021 của Ban Chỉ đạo xây dựng Đề án “Chiến lược xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam đến năm 2030, định hướng đến năm 2045” (Ban Chấp hành Trung ương Đảng), trong đó KTNN là cơ quan được giao chủ trì thực hiện. Thời hạn hoàn thành Chuyên đề là trước ngày 30/11/2021.
         
Nhằm triển khai thực hiện Kế hoạch số 02-KH/BCĐ, Ban Cán sự Đảng KTNN đã thành lập Ban Chỉ đạo và Tổ Biên tập xây dựng Chuyên đề (theo Quyết định số 01-QĐ/BCSĐ ngày 17/8/2021) do Bí thư Ban Cán sự, Bí thư Đảng ủy, Tổng Kiểm toán Nhà nước Trần Sỹ Thanh làm Trưởng Ban; Ủy viên Ban Cán sự Đảng, Phó Tổng Kiểm toán Nhà nước Vũ Văn Họa làm Phó Trưởng ban Thường trực; Ủy viên Ban Cán sự Đảng, Phó Tổng Kiểm toán Nhà nướcĐặng thế Vinh làm Phó Trưởng ban, cùng các thành viên là lãnh đạo một số đơn vị trực thuộc KTNN.
   
   Thành viên Tổ Biên tập là lãnh đạo, công chức một số đơn vị tham mưu, sự nghiệp thuộc KTNN do Vụ trưởng Vụ Tổng hợp Vũ Ngọc Tuấn -thành viên, Thư ký Ban Chỉ đạo làm Tổ trưởng.

Theo dự thảo Kế hoạch xây dựng Chuyên đề, việc xây dựng Chuyên đề phải bám sát các yêu cầu sau:

Căn cứ vào quan điểm, chủ trương của Đảng, Hiến pháp và pháp luật của Nhà nước; Chiến lược phát triển KTNN đến năm 2030; Chiến lược phát triển đất nước đến năm 2030, định hướng đến năm 2045;

Hoàn thiện thể chế về tổ chức và hoạt động của KTNN, nhằm đảm bảo hoạt động kiểm toán của KTNN độc lập, công khai và minh bạch;

Hoàn thiện nâng cao năng lực, hiệu lực, hiệu quả hoạt động kiểm toán; tăng cường kiểm soát chất lượng kiểm toán để xây dựng cơ quan kiểm toán ngày càng chuyên nghiệp, chính quy, kỷ cương, hiện đại.

         
Theo định hướng của Ban Chỉ đạo xây dựng Đề án “Chiến lược xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam đến năm 2030, định hướng đến năm 2045”, nội dung Chuyên đề phải thể hiện rõ quan điểm, chủ trương của Đảng, pháp luật của Nhà nước về tổ chức và hoạt động của KTNN, trong đó có thực trạng tổ chức, hoạt động của KTNN; thực trạng về vị trí, vai trò của KTNN trong kiểm soát quyền lực và trong phòng, chống tham nhũng; dự báo bối cảnh, tình hình trong nước, quốc tế tác động đến tổ chức, hoạt động của KTNN trong giai đoạn tới; quan điểm, mục tiêu, phương hướng, nhiệm vụ, giải pháp và kiến nghị đổi mới tổ chức, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của KTNN đến năm 2030, định hướng đến năm 2045 đáp ứng yêu cầu xây dựng, hoàn thiện Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam.


                
   

Quang cảnh cuộc họp

   

Tại cuộc họp, các ý kiến đã tập trung trao đổi, làm rõ về phạm vi, nội dung nghiên cứu.

Phát biểu kết luận cuộc họp, Tổng Kiểm toán Nhà nước Trần Sỹ Thanh – Trưởng Ban Chỉ đạo - yêu cầu bộ phận Thường trực Ban Chỉ đạo, Tổ Biên tập phân công nhiệm vụ cụ thể cho các thành viên theo Quyết định số 01-QĐ/BCSĐ để kịp thời triển khai xây dựng Chuyên đề.

Theo Tổng Kiểm toán Nhà nước, do tiến hành trong thời gian gấp rút, các thành viên của Ban Chỉ đạo, Tổ Biên tập cần tập trung thời gian, tâm sức để hoàn thành nhiệm vụ được giao đảm bảo tiến độ, chất lượng theo yêu cầu.

Ngay sau cuộc họp với Ban Chỉ đạo,Tổ Biên tập đã tiến hành họp và cho ý kiến về một số định hướng để sớm triển khai Chuyên đề, theo chỉ đạo của đồng chíTrưởng Ban Chỉ đạo.
NGUYỄN LỘC