Hỗ trợ các cơ sở sản xuất kinh doanh thực hiện chuyển đổi số
Doanh nghiệp - Ngày đăng : 22:10, 19/08/2021
(BKTO) - Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh, đại dịch Covid-19 đã gây ra những khó khăn, thách thức chưa từng có, buộc các quốc gia, tổ chức, doanh nghiệp (DN) phải nỗ lực thay đổi và thích ứng. Cuộc Cách mạng công nghiệp (CMCN) 4.0 cũng tạo ra sức ép cạnh tranh, thách thức rất lớn cho các cơ sở sản xuất kinh doanh. Trong bối cảnh đó, chuyển đổi số là giải pháp, xu hướng tất yếu để các cơ sở sản xuất kinh doanh nâng cao năng lực, hiệu quả hoạt động.
Chuyển đổi số là xu hướng tất yếu của các cơ sở sản xuất kinh doanh. Ảnh minh họa: VGP |
Chuyển đổi số trở thành nhu cầu cấp thiết
Nhằm cụ thể hóa chủ trương, định hướng hỗ trợ chuyển đổi số cho các cơ sở sản xuất kinh doanh, gồm các DN, hợp tác xã (HTX), hộ kinh doanh, đáp ứng nhu cầu thực tiễn và cấp bách trong bối cảnh CMCN 4.0 và đại dịch Covid-19, Chính phủ đã giao Bộ KH&ĐT xây dựng dự thảo Chương trình hỗ trợ chuyển đổi số trong DN, HTX và hộ kinh doanh giai đoạn 2021-2025.
Thực tế cho thấy, trong bối cảnh dịch bệnh diễn biến phức tạp ảnh hưởng nghiêm trọng đến nền kinh tế, đời sống nhân dân, Việt Nam là một trong số ít quốc gia duy trì được tốc độ tăng trưởng dương đạt mức gần 3% trong năm 2020 và đạt 5,64% trong 6 tháng đầu năm 2021.
Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu 6 tháng tăng 32,2% so với cùng kỳ. Tổng vốn đầu tư toàn xã hội thực hiện tăng 7,2%. Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện đạt trên 9,2 tỷ USD, tăng 6,8% so với cùng kỳ năm 2020.Để đạt được các thành tựu trên, các DN, HTX và hộ kinh doanh đóng vai trò nòng cốt, là trung tâm của hoạt động kinh tế, tạo việc làm, ổn định an sinh, xã hội.
Tính đến tháng 6 năm 2021, cả nước có khoảng 870.000 DN đang hoạt động; hơn 26.000 HTX với tổng số 6,8 triệu thành viên và 2,5 triệu lao động và hơn 5,1 triệu hộ kinh doanh.Tuy nhiên, Bộ KH&ĐT đánh giá, quy mô các cơ sở sản xuất kinh doanh ở Việt Nam chủ yếu là quy mô nhỏ và siêu nhỏ (hầu hết các hộ kinh doanh là quy mô siêu nhỏ. Trong các DN, DN nhỏ và siêu nhỏ chiếm trên 94%, DN quy mô vừa và lớn chiếm khoảng gần 6%).
Hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi số là nhu cầu cấp thiết. Ảnh minh họa: Thoibaotaichinh |
Trong khi đó, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Chiến lược phát triển Chính phủ điện tử hướng tới Chính phủ số giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030 và đặt mục tiêu mỗi hộ kinh doanh cá thể, DN nhỏ và vừa đều có thể dễ dàng trải nghiệm sử dụng các nền tảng công nghệ số phục vụ sản xuất, kinh doanh.
Đại dịch Covid-19 diễn ra từ đầu năm 2020 đã khiến các cơ sở sản xuất kinh doanh chịu ảnh hưởng nặng nề. Các DN Việt Nam với sức cạnh tranh còn thấp, chủ yếu quy mô nhỏ và siêu nhỏ càng trở nên khó khăn hơn bao giờ hết. Bối cảnh này càng thúc đẩy các cơ sở sản xuất kinh doanh đổi mới mô hình, chuyển dần các hoạt động kinh doanh trên các nền tảng số, tìm kiếm thêm thị trường, cắt giảm chi phí và nâng cao hiệu quả hoạt động, khả năng cạnh tranh, thích ứng với bối cảnh mới.
Thúc đẩy chuyển đổi số từ nhận thức đến hành động
Dự thảo Chương trình hỗ trợ chuyển đổi số trong DN, HTX và hộ kinh doanh giai đoạn 2021-2025 đặt mục tiêu thúc đẩy chuyển đổi số thông qua chuyển đổi nhận thức, tầm nhìn, chiến lược của DN; hỗ trợ số hóa các hoạt động kinh doanh, quy trình quản trị, quy trình công nghệ, sản xuất; hỗ trợ chuyển đổi số toàn diện để nâng cao hiệu quả hoạt động sản xuất kinh doanh, nâng cao năng lực và lợi thế cạnh tranh, tạo ra các giá trị mới cho DN, HTX, hộ kinh doanh.
Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết, mục tiêu cụ thể là 100% các cơ sở sản xuất kinh doanh được nâng cao nhận thức về chuyển đổi số. Tối thiểu 500.000 cơ sở sản xuất kinh doanh được nhận các hỗ trợ từ Chương trình như sử dụng công cụ tự đánh giá mức độ sẵn sàng chuyển đổi số, hỗ trợ đào tạo, tư vấn, tham gia các gói ứng dụng giải pháp công nghệ chuyển đổi số.
Hỗ trợ đào tạo chuyển đổi số cho doanh nghiệp. Ảnh minh họa: TTXVN |
Đồng thời, có ít nhất 800 DN, 100 HTX và 4000 hộ kinh doanh được hỗ trợ là các thành công điển hình trong chuyển đổi số, ưu tiên trong một số lĩnh vực sản xuất, chế biến, chế tạo, nông nghiệp, du lịch.Cùng với đó là việc thiết lập mạng lưới chuyên gia ít nhất là 500 tổ chức, cá nhân tư vấn thúc đẩy chuyển đổi số trong DN, HTX, hộ kinh doanh và bản đồ hóa, công bố cơ sở dữ liệu tối thiểu 100 giải pháp công nghệ chuyển đổi số cho các cơ sở sản xuất kinh doanh.
Theo các chuyên gia soạn thảo, để có thể đạt được các mục tiêu đề ra, Chương trình dự kiến triển khai 07 nhóm hoạt động, bao gồm: xây dựng các tài liệu, công cụ hướng dẫn chuyển đổi số và môi trường số; hình thành và tổ chức điều phối mạng lưới chuyên gia tư vấn; hỗ trợ đào tạo chuyển đổi số; tư vấn chuyển đổi số; hỗ trợ ứng dụng giải pháp công nghệ; thúc đẩy DN phát triển giải pháp, nền tảng chuyển đổi số và triển khai các hoạt động truyền thông.
Qua đó, các chuyên gia được nâng cao năng lực tư vấn chuyển đổi số theo các tiêu chuẩn, xu hướng thế giới, từ đó Chương trình kết nối các chuyên gia với các cơ sở sản xuất kinh doanh có nhu cầu chuyển đổi số, tổ chức triển khai các khóa đào tạo, đặc biệt các bài giảng trực tuyến mở trên môi trường số. Chương trình cũng đánh giá, lựa chọn những cơ sở sản xuất kinh doanh có đủ năng lực, cam kết chuyển đổi số để hỗ trợ tư vấn xây dựng lộ trình chuyển đổi số và hỗ trợ tối đa 50% chi phí hợp đồng tư vấn chiến lược, tư vấn triển khai để cơ sở sản xuất kinh doanh chuyển đổi số khi sử dụng dịch vụ tư vấn chuyên gia.
Để phát huy hiệu quả, Chương trình xây dựng các gói hỗ trợ, bao gồm các chỉ dẫn giải pháp công nghệ cho các nhóm đối tượng khác nhau chia theo quy mô, giai đoạn phát triển kinh doanh và theo lĩnh vực, ngành nghề. Các cơ sở sản xuất kinh doanh tham gia được hỗ trợ tối đa 50% chi phí ứng dụng các giải pháp trên nền tảng số để tự động hóa, nâng cao hiệu quả quy trình kinh doanh, quy trình quản trị, quy trình sản xuất, quy trình công nghệ trong DN và chuyển đổi mô hình kinh doanh…
HỒNG THOAN
* Bài tuyên truyền thực hiện Nghị quyết số 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ