Chợ chữ ngày xuân
Xã hội - Ngày đăng : 18:30, 26/01/2017
(BKTO)- Xinchữ ông đồ đầu năm từ xưa đã là một tập tục, một nét văn hóa lâu đời mỗi dịp tếtđến xuân về của người Việt. Nhiều người thích chữ đẹp đem về treotrong nhà với mục đíchtrang trí, người biết chữ xem đó là lời chúc tụng, lời răn cho mọi người noitheo.
Chợ chữ Hán
Hình thành hơn 50 năm trong khu vực Chợ Lớn, đường Hải Thương Lãn Ông, đường Phùng Hưng. Ở đây có vài chục ông đồ viết chữ Hán, chủ yếu là những câu chữ quen thuộc chúc tụng vào đầu năm như: Khai trương tấn phát, Ngũ phúc lâm môn, Phúc - Lộc - Thọ thành. Có người đặt câu 3 chữ để dán trước cửa ra vào như: Đức lưu quang (Đức tỏa sáng), Phúc mãn đường (Phước đầy nhà)... Có người chỉ cần một chữ dán cánh cửa ra vào như chữ Phước, chữ Lộc. Cầu kỳ hơn là những người có học, họ sáng tác ra câu đối nhưng viết chữ không đẹp nên nhờ mấy ông đồ ở đây viết giùm. Không suy nghĩ ý hay thì nhờ người viết chọn cho một cặp đối hoặc những chữ mà mình thích. Ông đồ nào cũng có một “bụng” chữ, nếu không cũng có cẩm nang, những câu chữ mẫu có ý nghĩa cho khách chọn lựa. Mấy năm gần đây, những mẫu câu thông dụng từ một chữ đến năm chữ đều có in sẵn để bán trong các sạp đồ cúng ở chợ, giá rất rẻ, lại được in nhũ vàng.
Chợ chữ ngày xuân dần trở thành nét văn hóa độc đáo thu hút sự quan tâm của du khách gần xa
Chợ thư pháp Việt
Chợ thư pháp Việt hay phố Ông đồ có cách nay khoảng hơn 10 năm, khi thư pháp tiếng Việt được thịnh hành. Lớp trẻ không biết chữ Hán, đọc thư pháp Việt được, nên bắt đầu ưa chuộng loại văn hóa phẩm này. Một số tác giả được công chúng đón nhận như: Họa sĩ Văn Hải, Trương Tuấn Hải, Minh Hạnh, Thiện Dũng, Hiếu Tín, Lưu Thanh Hải, Lê Hải, Đăng Học, Hoa Nghiêm, Tâm Tú... Năm 2004, thư pháp gia Thanh Sơn đem loại hình nghệ thuật thư pháp chữ Việt triển lãm giao lưu tại châu Âu, Mỹ..., góp phần không nhỏ phát triển và quảng bá cho thư pháp tiếng Việt. Theo thư pháp gia Hoa Nghiêm thì phố Ông đồ có mặt tại Nhà Văn hóa thanh niên TP. HCM năm 2007 và năm nào cũng khai thị vào ngày 20 tháng chạp. Năm nay, chợ có 59 sạp với 60 ông đồ được trang trí với nhiều hoa văn, tranh treo rất bắt mắt. Sản phẩm của ông đồ có rất nhiều loại, thông thường thì là giấy hồng đơn, giấy hoa tiên viết chữ lên đó với đủ kích cỡ, có giá từ 50 đến 250 nghìn đồng. Tác phẩm thư pháp khắc trên gỗ có giá cao hơn, có bức lên đến hơn 30 triệu đồng. Do vậy mà nghề viết thư pháp ngày càng phát triển. Lớp thư pháp tại Nhà Văn hóa thanh niên mở liên tục, mỗi lớp vài chục người. Có học viên học để hành nghề, có học viên học để thỏa mãn sự yêu thích, sáng tạo, để viết chữ tặng bạn bè hay để treo trong nhà.
Anh Hoa Nghiêm cho biết, sau khi chợ thư pháp đóng cửa, các ông đồ còn phải đến chùa thân quen trong thành phố để cho chữ vào mùng một tết theo một phong tục cho khách “hái lộc” đầu năm. Khách thập phương viếng chùa sẽ xin chữ của thầy đồ về treo trong nhà, họ trả công tùy hỷ gọi là hoàn lại chút tiền giấy mực.
Phố Ông Đồ khai thị đầu xuân tạo thêm niềm vui lớn cho bà con ăn tết, và ngày càng nhận được sự ưu ái không chỉ người Việt mà còn thu hút sự quan tâm của du khách khi đến với TP. HCM, đến Việt Nam. Đó là điếu rất đáng mừng cho thư pháp Việt còn non trẻ. Tuy nhiên, hiện nay Hội Thư pháp Việt Nam vẫn chưa được thành lập một cách chính quy, nên chợ thư pháp chỉ giải quyết nhu cầu của người chơi, chưa có một nghiên cứu sâu mỹ thuật chuyên sâu.
Lương Minh