Nhiều kinh nghiệm và giải pháp chống đứt gãy chuỗi cung ứng hàng hóa
Kinh tế - Ngày đăng : 09:50, 25/08/2021
(BKTO) - Xác định việc bảo đảm nguồn cung hàng hóa thiết yếu, bình ổn thị trường giá cả, lưu thông hàng hóa, hỗ trợ sản xuất và xuất nhập khẩu khi dịch Covid-19 gia tăng lây nhiễm tại Việt Nam là một trong các nhiệm vụ trọng tâm hàng đầu, Bộ Công Thương đã tập trung chỉ đạo, phối hợp với các địa phương, doanh nghiệp (DN), các đơn vị liên quan tổ chức triển khai, từ đó đúc rút được nhiều kinh nghiệm và giải pháp chống đứt gãy nguồn cung.
Trong giãn cách, đảm bảo nguồn cung hàng thiết yếu là yêu cầu quan trọng. Ảnh: TTXVN |
Tích cực bình ổn thị trường, đảm bảo nguồn cung hàng hóa
Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên nhấn mạnh, thời gian qua, nhiều giải pháp tháo gỡ khó khăn trong sản xuất và lưu thông, vận chuyển hàng hóa, bảo đảm cung ứng hàng hóa thiết yếu cho người dân đã được triển khai. Tuy vẫn còn một số bất cập, vướng mắc, nhưng nhìn chung đã mang lại hiệu quả tích cực.
Đúc rút kinh nghiệm triển khai, lãnh đạo Bộ Công Thương cho biết, Bộ đã ban hành 37 văn bản đề nghị các địa phương, DN tăng cường dự trữ, đảm bảo cung ứng hàng hóa, dịch vụ thiết yếu; tạo điều kiện thuận lợi trong vận chuyển, lưu thông hàng hóa; duy trì hoạt động sản xuất, kinh doanh; xúc tiến thương mại, hỗ trợ xuất nhập khẩu, logistics và tăng cường quản lý thị trường.
Song song với đó, Bộ đã thành lập Ban Chỉ đạo cung ứng hàng hóa, dịch vụ thiết yếu và hỗ trợ duy trì sản xuất, kinh doanh cho các tỉnh, thành phố trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp và 02 Tổ công tác đặc biệt về đảm bảo nguồn cung hàng hóa và hỗ trợ duy trì hoạt động sản xuất, kinh doanh, có nhiệm vụ nắm bắt diễn biến thị trường và nhu cầu hàng hóa thiết yếu, kết nối cung cầu hàng thiết yếu cho người dân trong vùng dịch.
Đáng chú ý, Bộ đã kiến nghị các tỉnh, thành phố nghiên cứu mở các điểm bán hàng đáp ứng quy định về phòng, chống dịch. Riêng với TP. Hồ Chí Minh, cùng với việc duy trì, mở lại các chợ truyền thống, cần có phương án mở lại các chợ đầu mối; tập trung mở các địa điểm tập kết, trung chuyển hàng hóa nhằm kịp thời tiếp nhận nguồn thực phẩm từ các địa phương khác, góp phần giảm tải cho hệ thống siêu thị, cửa hàng tiện lợi và trung tâm thương mại tại TP. Hồ Chí Minh.
Trạm "Hạnh phúc" - một điểm tập kết nông sản, hàng hóa tại TP. Hồ Chí Minh. Ảnh: BCT |
Đặc biệt, Bộ đã kiến nghị cho phép lưu thông các hàng hóa cần vận chuyển với điều kiện bảo đảm phòng, chống dịch Covid-19. Trên cơ sở đó, Chính phủ đã ban hành Công văn số 5187/VPCP-CN ngày 29/7/2021 về việc tạo thuận lợi cho vận chuyển hàng hóa trong tình hình dịch Covid-19. Vì thế, tình hình vận chuyển, lưu thông hàng hóa thiết yếu giữa các tỉnh, thành phố trên cả nước cơ bản thuận lợi hơn, giúp tháo gỡ khó khăn cho nhiều DN.
Đề xuất nhiều giải pháp đảm bảo sản xuất, xuất nhập khẩu và phòng, chống dịch
Theo chia sẻ của Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên, Bộ Công Thương đã đề nghị Quốc hội, Chính phủ cho phép tiếp tục rà soát, mở rộng đối tượng hỗ trợ và thời gian hỗ trợ đối với các tổ chức, DN, người dân theo gói an sinh xã hội 62.000 tỷ đồng và gói 26.000 tỷ đồng dành cho người khó khăn vì dịch Covid-19.
Bộ cũng đề xuất khẩn trương ban hành các chính sách hỗ trợ DN, hộ sản xuất kinh doanh và người lao động để có thể nhanh chóng phục hồi sản xuất ngay sau dịch bệnh, nhất là chính sách về thuế, phí, đất đai, tài chính, lãi suất ngân hàng, dịch vụ logistics và hỗ trợ đào tạo nghề, bồi dưỡng nâng cao nghề nghiệp.
Theo quan điểm của Bộ Công Thương, cần cho phép các DN căn cứ tình hình thực tế chủ động đưa ra phương án sản xuất kinh doanh linh hoạt. Tại miền Bắc và miền Trung cho phép các DN đáp ứng an toàn dịch bệnh tăng tốc sản xuất, tăng ca, tăng giờ làm với phương châm lấy tốc độ, bù thời gian mà không vi phạm Luật Lao động.
Đối với các DN khu vực miền Nam, Tây Nguyên, cần rà soát, hỗ trợ DN áp dụng ngay các biện pháp như cho phép các DN, nhà máy chủ động quản lý và tổ chức hoạt động sản xuất kinh doanh cùng với việc tuân thủ yêu cầu chống dịch trong nhà máy theo bộ quy tắc với các tiêu chí an toàn mà liên Bộ Công Thương - Y tế đã ban hành; vận dụng linh hoạt, phù hợp mô hình DN thực hiện 3 tại chỗ…
Trước mắt cần khẩn trương hỗ trợ phục hồi hoạt động của các DN chế biến nông, lâm, thủy sản, sản phẩm chăn nuôi và hỗ trợ các DN mua tạm trữ (4-5 triệu tấn lúa) góp phần giảm sức ép trong tiêu thụ lúa gạo và các nông sản tới vụ của các địa phương - Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên nhấn mạnh.
Một giải pháp được Bộ Công Thương tăng cường trong thời gian qua là tổ chức các chương trình xúc tiến thương mại, kết nối cung cầu thông qua các hội nghị trực tuyến, kết nối tiêu thụ, xuất khẩu hàng hóa, nông sản…, nhất là những hàng hóa, nông sản đang vào mùa vụ.
Ngay khi tình hình dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, nhất là tại các tỉnh thành phía Nam và Hà Nội, Bộ Công Thương đã kịp thời chỉ đạo Sở Công Thương, các DN phân phối tăng cường các điểm bán hàng lưu động có kiểm soát an toàn dịch bệnh thay thế cho các cơ sở bán hàng thiết yếu đã bị đóng cửa do dịch bệnh Covid-19.
Một điểm bán hàng bình ổn giá tại tỉnh Đồng Nai. Ảnh: TTXVN |
Để đảm bảo an toàn phòng, chống dịch, Bộ Công Thương đã báo cáo Thủ tướng Chính phủ và kiến nghị UBND các tỉnh, thành phố ưu tiên tiêm vắc xin phòng Covid-19 cho người lao động tại các cơ sở thuộc chuỗi cung ứng các mặt hàng thiết yếu; người lao động trong các ngành vận tải và logistics, đặc biệt là lái xe, phụ xe vận tải, liên tỉnh, đội ngũ lao động tại các cảng biển, cửa khẩu… nhằm đảm bảo dòng lưu thông hàng hóa được thông suốt.
Để tháo gỡ khó khăn cho tiêu thụ thóc, gạo, hàng hoá các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long trong bối cảnh thực hiện giãn cách, Bộ Công Thương và Bộ Giao thông vận tải đã kiến nghị Thủ tướng Chính phủ cho phép mở “luồng xanh” vận tải đường thủy để tạo thuận lợi cho chuỗi cung ứng thóc, gạo, hàng hoá phục vụ nhu cầu tiêu thụ trong nước và xuất khẩu.
Có thể thấy, những nỗ lực của Bộ Công Thương trong việc xây dựng các kịch bản ứng phó sát với tình hình thực tế của địa phương và theo đúng các chỉ đạo của Chính phủ, Bộ, ngành chính là điều kiện tiên quyết bảo đảm duy trì được sản xuất, cung ứng và lưu thông hàng hoá, chống đứt gãy chuỗi cung ứng trong những đợt giãn cách do đại dịch Covid-19.
HỒNG THOAN
* Bài tuyên truyền thực hiện Nghị quyết số 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ