Họp kỹ thuật bên lề Hội nghị lần thứ 9 giữa những người đứng đầu KTNN Campuchia - Lào - Việt Nam
Hoạt động của Ngành - Ngày đăng : 19:35, 25/08/2021
(BKTO) - Ngày 25/8, dưới sự chủ trì của KTNN Lào, Cuộc họp kỹ thuật bên lề Hội nghị lần thứ 9 giữa những người đứng đầu KTNN Campuchia - Lào - Việt Nam đã được tổ chức theo hình thức trực tuyến. Phó Tổng Kiểm toán Nhà nước Hà Thị Mỹ Dung làm Trưởng đoàn đại biểu KTNN Việt Nam tham dự Cuộc họp.
PhóTổng Kiểm toán Nhà nước Hà Thị Mỹ Dung (ngồi giữa) làm Trưởng đoànĐoàn đại biểu KTNN Việt Nam tham dự Cuộc họp. Ảnh: D.THIỆN |
Cuộc họp tập trung vào trao đổi, thảo luận về kết quả đạt được của 3 cơ quan KTNN Campuchia, Lào và Việt Nam trong kiểm toán việc thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững (PTBV) giai đoạn 2018-2021; đánh giá quá trình hợp tác giữa 3 cơ quan trong thời gian qua và đề ra định hướng thúc đẩy hiệu quả hợp tác trong thời gian tới.
Phát biểu chào mừng Cuộc họp, Phó Tổng Kiểm toán Nhà nước Hà Thị Mỹ Dung chia sẻ, trong bối cảnh đại dịch Covid-19 đang diễn biến rất phức tạp tại 3 quốc gia, Cuộc họp được tổ chức là một minh chứng cho tinh thần đoàn kết truyền thống đặc biệt, cùng nhau vượt khó khăn, thách thức của 3 cơ quan KTNN nói riêng và 3 nước nói chung.
Phó Tổng Kiểm toán Nhà nướcHà Thị Mỹ Dung phát biểu chào mừng Cuộc họp. Ảnh: D.THIỆN |
Phó Tổng Kiểm toán Nhà nước cũng cho biết, liên quan đến chủ đề của Hội nghị 3 bên lần thứ 8 tổ chức tại Campuchia vào tháng 11/2018, cho đến nay, KTNN Việt Nam đã đạt được một số kết quả tích cực trong việc kiểm toán công tác triển khai các mục tiêu PTBV.
Trình bày kết quả kiểm toán việc thực hiện mục tiêu PTBV giai đoạn 2018-2021 của KTNN Việt Nam, bà Lăng Trịnh Mai Hương - Phó Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế cho biết, triển khai thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về PTBV, KTNN với vai trò là cơ quan độc lập kiểm toán việc quản lý tài chính công, tài sản công, đã bám sát các mục tiêu PTBV để thực hiện kiểm toán, qua đó gián tiếp đóng góp vào các kết quả phát triển của Việt Nam trong giai đoạn vừa qua.
Cụ thể là góp phần vào việc giảm tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn nghèo đa chiều; nâng cao chất lượng đời sống của người dân các vùng dân tộc, thiểu số; tăng tỷ lệ bao phủ bảo hiểm y tế; nâng cao tỷ lệ trẻ em được đến trường; đảm bảo hầu hết các hộ dân có nguồn nước hợp vệ sinh; tăng tỷ lệ hộ gia đình Việt Nam đã được tiếp cận với điện; duy trì tỷ lệ tăng trưởng GDP giai đoạn 2018-2020 ở mức tương đối cao; đảm bảo tính ổn định và bền vững của nền tài chính quốc gia.
Phó Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế Lăng Trịnh Mai Hương trình bàykết quả kiểm toán về việc thực hiện mục tiêu PTBV giai đoạn 2018-2021 của KTNN Việt Nam. Ảnh: D.THIỆN |
Trong đó, các đóng góp của KTNN được thể hiện trên 3 khía cạnh.
Thứ nhất, hoạt động của kiểm toán góp phần thúc đẩy việc thực hiện hiệu quả và hiệu lực các mục tiêu PTBV của Việt Nam. Theo đó, KTNN đã thường xuyên kiểm toán việc quản lý tài chính công, tài sản công của hầu hết các Bộ, ngành, địa phương; các chuyên đề về các lĩnh vực phát triển kinh tế, xã hội… qua đó góp phần vào việc đánh giá công tác triển khai Kế hoạch hành động quốc gia thực hiện Chương trình nghị sự 2030 vì sự PTBV của các Bộ, ngành, địa phương.
Thứ hai, hoạt động kiểm toán góp phần xây dựng nền tảng môi trường tài chính ổn định, minh bạch, tạo động lực thực hiện các mục tiêu PTBV của Việt Nam. Thông qua hoạt động kiểm toán giai đoạn 2018-2021, KTNN đã chỉ ra nhiều hạn chế, bất cập trong các văn bản quản lý, điều hành ngân sách; phát hiện nhiều hạn chế trong cơ chế quản lý tài chính công, tài sản công tại các đơn vị được kiểm toán, qua đó kiến nghị các cơ quan có thẩm quyền kịp thời xử lý.
Thứ ba, hoạt động của kiểm toán đã góp phần ngăn chặn kịp thời các tồn tại, hạn chế trong quản lý tài chính công, tài sản công của các đơn vị được kiểm toán, nâng cao hiệu quả hoạt động của các đơn vị, tổ chức trong hệ thống chính trị, thúc đẩy việc thực hiện các mục tiêu PTBV của Việt Nam. Nhiều phát hiện kiểm toán đã giúp các cơ quan quản lý kịp thời chấn chỉnh hoạt động, góp phần không nhỏ vào việc đạt được các mục tiêu theo Kế hoạch hành động quốc gia thực hiện Chương trình nghị sự 2030 vì sự PTBV.
Trên cơ sở những kết quả tích cực đã đạt được, bà Lăng Trịnh Mai Hương cho biết, để tiếp tục tăng cường công tác quản lý, sử dụng tài chính công, tài sản công phục vụ mục tiêu PTBV và đáp ứng yêu cầu hội nhập, phát triển nhanh của đất nước, đòi hỏi KTNN cần tiếp tục nghiên cứu và triển khai các hoạt động kiểm toán liên quan đến mục tiêu PTBV.
Theo đó, KTNN sẽ chú trọng thực hiện 5 giải pháp.
Thứ nhất, triển khai xây dựng có hiệu quả Kế hoạch kiểm toán hằng năm và Kế hoạch kiểm toán trung hạn phù hợp với Kế hoạch tài chính quốc gia và vay, trả nợ giai đoạn 2021-2025; Kế hoạch đầu tư công trung hạn 2021-2025; các Chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2021-2025… nhằm đảm bảo quản lý, sử dụng tiết kiệm, hiệu quả các nguồn lực cho mục tiêu PTBV.
Thứ hai, đẩy mạnh nghiên cứu, ứng dụng khoa học, công nghệ vào hoạt động kiểm toán để tăng cường chất lượng và hiệu lực kiểm toán trong lĩnh vực liên quan đến đánh giá việc thực hiện mục tiêu PTBV quốc gia và từng địa phương. Đồng thời chú trọng phát triển các phương pháp thu thập bằng chứng kiểm toán mới, phù hợp với yêu cầu và mục tiêu kiểm toán việc thực hiện các mục tiêu PTBV.
Thứ ba, xây dựng các đề án kiện toàn tổ chức bộ máy; phát triển nguồn nhân lực của KTNN theo hướng tinh gọn, chuyên sâu; phát triển đội ngũ công chức, viên chức, kiểm toán viên nhà nước đủ về số lượng, có cơ cấu hợp lý nhằm đáp ứng yêu cầu kiểm toán đối với các hoạt động phát triển kinh tế - xã hội từ trung ương đến địa phương.
Thứ tư, tăng cường các hoạt động hợp tác quốc tế cả song phương và đa phương để tham khảo và chia sẻ kinh nghiệm về hoạt động kiểm toán các mục tiêu PTBV của Việt Nam; học tập các kinh nghiệm của các tổ chức quốc tế, các cơ quan kiểm toán tối cao có kinh nghiệm trong lĩnh vực kiểm toán này.
Thứ năm, tiếp tục đẩy mạnh cơ chế phối hợp với các cơ quan, tổ chức có liên quan để trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm, kiến thức về phát triển kinh tế - xã hội nói chung và PTBV nói riêng; tạo nền tảng đồng thuận chung trong các đánh giá và kiến nghị của kiểm toán trong lĩnh vực kiểm toán việc thực hiện các mục tiêu PTBV.
Cùng chia sẻ về chủ đề trên, KTNN Campuchia và KTNN Lào cũng đã trình bày kết quả kiểm toán về việc thực hiện mục tiêu PTBV giai đoạn 2018-2021 của 2 cơ quan.
Cuộc họp được tổ chức theo hình thức trực tuyến. Ảnh: D.THIỆN |
Trao đổi tại phiên thảo luận toàn thể, thay mặt KTNN Việt Nam, Phó Tổng Kiểm toán Nhà nước Hà Thị Mỹ Dung đánh giá cao những kết quả tốt đẹp mà 3 cơ quan đã đạt được trong việc thực hiện kiểm toán các mục tiêu PTBV trong 2 năm qua. Đồng thời nhấn mạnh, bên cạnh diễn đàn hợp tác 3 bên, các cơ quan KTNN Campuchia, Lào, Việt Nam cũng tăng cường trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm các cấp thông qua khuôn khổ hợp tác song phương. Qua đó, các bên đã có nhiều cơ hội để học hỏi và hỗ trợ lẫn nhau về chuyên môn cũng như trên các diễn đàn ASEANSAI, ASOSAI, INTOSAI…
Đóng góp ý kiến về định hướng thúc đẩy hợp tác giữa 3 cơ quan trong thời gian tới, Phó Tổng Kiểm toán Nhà nước Hà Thị Mỹ Dung cho rằng, trên cơ sở mối quan hệ hợp tác cấp quốc gia có ý nghĩa quan trọng về mọi mặt, cũng như những yêu cầu ngày càng cao mà Quốc hội và công chúng đặt ra cho KTNN các nước trong bối cảnh thế giới ngày càng biến động, KTNN Việt Nam đề xuất tiếp tục duy trì và tăng cường hoạt động hợp tác 3 bên theo hướng thiết thực, đa dạng và chủ động hơn nhằm ứng phó với những khó khăn, thách thức tiềm tàng.
Cụ thể, 3 cơ quan cần tiếp tục duy trì trao đổi các chuyến thăm cấp cao và trao đổi cấp kỹ thuật thường xuyên để gia tăng sự hiểu biết lẫn nhau và thắt chặt quan hệ hợp tác. Bên cạnh đó, 3 bên cần xem xét việc đa dạng hóa và triển khai thêm các hình thức hoạt động hợp tác mới bên cạnh Hội nghị thường kỳ và xây dựng kế hoạch thực hiện cho 2 năm. Song song với đó là nghiên cứu, thực hiện cải tiến công tác tổ chức Hội nghị thường kỳ theo hướng hiệu quả hơn…/.
DIỆU THIỆN