Thường xuyên điều chỉnh, bổ sung các biện pháp phòng chống dịch cho phù hợp

Chính trị - Ngày đăng : 10:58, 26/08/2021

(BKTO) - Chiều 25/8, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã chủ trì công bố Quyết định số 1438/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc kiện toàn Ban Chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch bệnh COVID-19 và họp Ban Chỉ đạo.


                
   

Toàn cảnh cuộc họp. Ảnh: chinhphu.vn

   


Tỷ lệ nhiễm ở Thành phố Hồ Chí Minh đã giảm

Tại cuộc họp, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Trần Văn Sơn đã công bố Quyết định số 1438/QĐ-TTg ngày 25/8/2021 của Thủ tướng Chính phủ về việc kiện toàn Ban Chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch bệnh COVID-19.

Theo Quyết định, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính làm Trưởng Ban Chỉ đạo. Cơ quan Thường trực của Ban Chỉ đạo là Bộ Y tế. Cùng với đó, Thủ tướng quyết định thành lập 8 Tiểu ban với chức năng, nhiệm vụ riêng, gồm: Y tế; An ninh trật tự; An sinh xã hội; Tài chính hậu cần; Sản xuất, lưu thông hàng hóa; Vận động và huy động xã hội; Dân vận; Truyền thông.

Tiếp đó, lãnh đạo các Bộ: Quốc phòng, Công an, Y tế, Thông tin và Truyền thông… đã báo cáo diễn biến tình hình dịch bệnh tại TP. HCM và một số địa phương lân cận qua 2 ngày thực hiện các biện pháp tăng cường các về phòng chống dịch bệnh, các công việc đã triển khai cũng như cần tiếp tục thực hiện trong thời gian tới.

Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết, qua 2 ngày tăng cường các biện pháp giãn cách xã hội, các lực lượng nhanh chóng khắc phục, triển khai đồng bộ, quyết liệt, nhịp nhàng các biện pháp đề ra.

Đáng mừng hơn, với sự tham gia đồng bộ của các lực lượng, mang thực phẩm tới từng hộ gia đình, triển khai các biện pháp chăm sóc y tế tại cơ sở, người dân TP. HCM đã an tâm hơn, thực hiện nghiêm quy định “ai ở đâu ở đó”. Số liệu thống kê bước đầu cho thấy, mức độ người dân đi lại đã giảm 80% so với những ngày trước. Như vậy, chúng ta đang đi đúng hướng, quản lý tốt việc thực hiện giãn cách xã hội.

Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long cho biết thêm, trong 2 ngày qua, lực lượng y tế đã triển khai các lực lượng, kết hợp sử dụng nhiều phương thức để tiến hành xét nghiệm toàn TP. HCM theo đúng chỉ đạo trong Công điện của Thủ tướng để nhanh chóng sàng lọc F0, đưa ra các giải pháp cách ly, điều trị phù hợp. Qua xét nghiệm, với tổng lượng mẫu đã lấy khoảng nửa triệu, tỷ lệ nhiễm dao động khoảng 3,6%, so với trước đây, tỷ lệ này vào khoảng 4-5%, cá biệt có địa điểm lên tới 10%. Như vậy, tỷ lệ nhiễm đã giảm, đây là tín hiệu khả quan.

Bên cạnh đó, Bộ Y tế phối hợp với các Bộ, ngành liên quan và địa phương khẩn trương triển khai đưa vào hoạt động 393 trạm y tế lưu động. Các trạm đều được trang bị các trang thiết bị khám chữa bệnh, bình oxy và các loại thuốc điều trị cần thiết, hoạt động 24/7. Người dân TP. HCM cảm thấy an tâm khi được các cán bộ y tế đi vào từng khu vực phát thuốc, khám bệnh, hướng dẫn chăm sóc sức khỏe... Theo đánh giá ban đầu của Bộ Y tế, mô hình này có ý nghĩa quan trọng là quản lý được sức khỏe và giúp ngay cho người dân trên địa bàn khi có nhu cầu về chăm sóc y tế.

Cùng với đó, các cơ sở điều trị bệnh nhân COVID-19 theo phân tầng cũng được kiện toàn để bảo đảm phục vụ công tác điều trị. Với phương châm vừa triển khai vừa kiểm tra, giám sát, Bộ Y tế sẽ điều chỉnh kịp thời những điểm chưa hợp lý để bảo đảm hiệu quả cao nhất trong công tác phòng chống dịch…

Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long tin rằng, nếu chúng ta giữ chắc được như thế này, cùng với đẩy nhanh tiến đội tiêm vaccine, tình hình dịch bệnh tại TP. HCM sẽ sớm được kiểm soát.

Tích cực, chủ động triển khai nhiệm vụ

Thủ tướng Chính phủ nêu rõ, trên cơ sở chức năng, nhiệm vụ của Ban Chỉ đạo kết hợp với cơ sở chức năng, quyền hạn của các Bộ, ngành, các thành viên Ban Chỉ đạo cần tích cực, chủ động triển khai nhiệm vụ được giao.

Thủ tướng nhấn mạnh, khi thực hiện giãn cách xã hội, chúng ta phải tranh thủ thời gian vàng để ngăn chặn, đẩy lùi và kiểm soát dịch bệnh. Đã thực hiện giãn cách là phải thực hiện nghiêm, phải thực hiện tốt việc đảm bảo an sinh xã hội. Trước hết, không để người dân thiếu ăn, thiếu mặc.

Thứ hai, phải đảm bảo cho mọi người dân đều được tiếp cận dịch vụ y tế ở mọi lúc, mọi nơi một cách nhanh nhất. Chúng ta tăng cường hệ thống y tế xã, phường để người dân được tiếp cận sớm, tiếp cận nhanh, tiến hành phân loại hợp lý để có phương án điều trị phù hợp.

Thứ ba, phải tổ chức triển khai công tác xét nghiệm thực sự khoa học, hợp lý; triển khai tiêm vaccine nhanh chóng, hiệu quả; cộng với thuốc điều trị.

Thủ tướng cho biết, chiến lược ngoại giao vaccine đang được tích cực triển khai. Vừa qua, chúng ta đã ký được các hợp đồng lớn về vaccine phòng COVID-19. Thủ tướng cũng thường xuyên điện đàm với các đối tác để đẩy mạnh công tác này.

Bên cạnh việc tập trung cho công tác phòng chống dịch bệnh, Thủ tướng yêu cầu các Bộ, ngành, địa phương “không quên” thực hiện các nhiệm vụ khác như: Bảo vệ chủ quyền, an ninh quốc gia, xây dựng Đảng, phòng chống tham nhũng, vừa chống dịch vừa sản xuất nhưng phải bảo đảm an toàn…

Thủ tướng lưu ý các Bộ, ngành địa phương trong công tác phòng chống dịch COVID-19 phải chăm lo cho cả những người nước ngoài đang ở Việt Nam. Đồng thời, phải thường xuyên đúc kết, sơ kết, điều chỉnh, bổ sung các biện pháp phòng chống dịch cho phù hợp với diễn biến tình hình.

Nhấn mạnh cuộc họp có ý nghĩa hết sức quan trọng, Thủ tướng mong các thành viên Ban Chỉ đạo với tinh thần trách nhiệm cao, ý thức chính trị, bản chất tốt đẹp của người cán bộ, đảng viên, vì nước quên thân, vì dân phục vụ sẽ hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao để sớm kiểm soát, đẩy lùi được dịch bệnh./.
HỒNG NHUNG