Phát triển bảo hiểm xã hội tự nguyện ở vùng sâu, vùng xa: Cần linh hoạt trong cách tuyên truyền

Xã hội - Ngày đăng : 14:03, 27/08/2021

(BKTO) - Đối với đồng bào vùng sâu, vùng xa, do điều kiện kinh tế khó khăn nên công tác phát triển bảo hiểm xã hội (BHXH) tự nguyện luôn là bài toán khó, đặc biệt trong bối cảnh dịch Covid-19 đang diễn biến phức tạp như hiện nay. Vì vậy, một trong những yếu tố quan trọng là đẩy mạnh công tác tuyên truyền, với phương thức kiên trì, ngắn gọn, dễ hiểu, phù hợp phong tục tập quán của từng vùng, miền.


                
   

Trong tuyên truyền cần khéo léo giải thích để người dân hiểu chính sách BHXH tự nguyện sẽ là “lưới đỡ” cho người già khi không còn sức lao động - Ảnh: B.Trân

   

Khó phát triển BHXH tự nguyện vì kinh tế khó khăn

Tham gia BHXH tự nguyện góp phần giảm bớt khó khăn, rủi ro khi về già, bảo đảm thu nhập, ổn định cuộc sống khi hết tuổi lao động cho người tham gia. Thế nhưng, hiện nay ở thị xã Buôn Hồ (tỉnh Đắk Lắk) số người tham gia BHXH tự nguyện chủ yếu là lao động đã đóng BHXH bắt buộc nay đóng thêm một lần để hưởng lương hưu, còn lao động tự do, người dân tự nguyện tham gia loại hình BHXH này rất ít.

Chính vì thế, việc phát triển và mở rộng người tham gia BHXH tự nguyện trên địa bàn đang gặp rất nhiều khó khăn. Tính đến cuối tháng 4/2021, toàn thị xã chỉ có 474 người tham gia BHXH tự nguyện, con số này qua các năm tuy có tăng nhưng rất chậm, đặc biệt trong năm 2020, thị xã không đạt được kế hoạch giao.

Nguyên nhân được BHXH thị xã Buôn Hồ chỉ ra là công tác tuyên truyền, phổ biến chính sách pháp luật chưa đến với tất cả người dân ở các thôn, buôn, bởi qua các buổi đối thoại, tuyên truyền, số lượng người dân đến tham gia rất ít. Mặt khác, công tác thu BHXH tự nguyện được thực hiện thông qua bưu điện, đại lý thu, trong khi cán bộ đại lý kiêm nhiệm nên kiến thức, kinh nghiệm tuyên truyền, vận động người dân về chính sách BHXH tự nguyện còn hạn chế, chưa sâu rộng…

Hơn nữa, dù Nhà nước có chính sách hỗ trợ một phần chi phí, nhưng mức hỗ trợ đóng BHXH tự nguyện còn thấp; thời gian đóng tối thiểu để được hưởng chế độ hưu trí kéo dài đến 20 năm; cùng với đó, phạm vi quyền lợi được hưởng khi tham gia BHXH tự nguyện còn hạn chế (hiện chỉ có hai chế độ là hưu trí và tử tuất) nên người dân chưa mặn mà.

Còn tại Minh Hóa (Quảng Bình), với đặc thù là một huyện miền núi, nơi có đông đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) sinh sống, thu nhập của người dân còn thấp là những hạn chế ảnh hưởng đến việc phát triển người tham gia BHXH tự nguyện. Đặc biệt, trong gần 2 năm qua, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, người dân không đủ điều kiện kinh tế để tham gia BHXH tự nguyện, có những trường hợp đã tham gia nhưng việc đóng tiền thường bị ngắt quãng hoặc dừng hẳn.

Thống kê của BHXH huyện Minh Hóa cho thấy, tính đến tháng 5/2021, trên địa bàn huyện có 1.384 người tham gia BHXH tự nguyện; chỉ tính riêng trong 5 tháng 2021, toàn huyện phát triển mới được 155 người tham gia, tuy nhiên đã có 144 người dừng đóng, vì vậy tính ra, huyện chỉ phát triển được 11 người tham gia BHXH tự nguyện.

Cách thức tuyên truyền cần ngắn gọn, dễ hiểu

Việc vận động đồng bào DTTS tham gia BHXH tự nguyện đã khó, nhưng việc tuyên truyền để bà con tiếp tục tham gia bền vững còn khó hơn nhiều lần. Trước tình hình đó, đại diện BHXH tỉnh Sơn La nhận định, công tác thông tin, tuyên truyền giữ vai trò quan trọng trong việc chuyển tải các chủ trương của Đảng, pháp luật của Nhà nước, chế độ, chính sách BHXH đến nhân dân, nhất là người dân ở vùng sâu, vùng xa, đồng bào DTTS.
                
   

Một Hội nghị tuyên truyền về chính sách BHXH tự nguyện tại huyện Tân Lạc (Hòa Bình) - Ảnh: B.Trân

   

Vì vậy, để người dân hiểu rõ về chính sách BHXH tự nguyện, một trong những yếu tố then chốt là phải huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc đồng hành với cơ quan BHXH, trong đó, phát huy vai trò của già làng, trưởng bản, người có uy tín trong dòng họ tuyên truyền, giải thích cho người dân, con cháu hiểu rõ lợi ích khi tham gia loại hình bảo hiểm này. “Đây là cách làm hiệu quả, phù hợp với tập quán sinh hoạt mang tính chất cộng đồng ở vùng đồng bào DTTS… với cách làm này, những khoảng cách về địa lý, ngôn ngữ đã được xóa bỏ” - đại diện BHXH tỉnh Sơn La khẳng định.

BHXH huyện Đà Bắc (Hòa Bình) cho biết, từ tháng 5/2021 đến nay, dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, gây nhiều khó khăn cho việc phát triển người tham gia BHXH tự nguyện. Trong bối cảnh đó, ngành BHXH đã và đang nỗ lực tìm các giải pháp phù hợp với tình hình; trong đó, hình thức "đi từng ngõ, gõ từng nhà” là giải pháp chính để ngành vừa phát triển người tham gia BHXH tự nguyện, vừa phòng, chống dịch hiệu quả.

Để thực hiện giải pháp này, theo đại diện BHXH huyện Đà Bắc, cần dựa vào các đại lý thu BHXH cùng cán bộ chia làm nhóm nhỏ đi từng thôn, bản, từng nhà để tuyên truyền. Nội dung tuyên truyền ngắn gọn, dễ hiểu về người tham gia, mức đóng, phương thức đóng, thủ tục tham gia và mức hỗ trợ đóng của Nhà nước đối với từng đối tượng; chế độ, quyền lợi được hưởng khi tham gia BHXH tự nguyện…

Chia sẻ về kinh nghiệm tuyên truyền về chính sách BHXH tự nguyện đối với bà con DTTS, nhiều cán bộ công tác trong ngành BHXH cho rằng, khi tuyên truyền, nếu cứ đem các thông tin về chính sách khô khan nói với người dân, thì sẽ khó thu hút, không hấp dẫn, mà phải thuyết phục bằng những điều thực tế.

Do đó, cần tìm hiểu hoàn cảnh từng người để vận động, đưa ra lời khuyên về mức đóng, cách tiết kiệm để có khoản đóng mỗi tháng; ngoài ra, việc tuyên truyền cần sự kiên trì, khéo léo giải thích để người dân hiểu chính sách BHXH sẽ là “lưới đỡ” cho người già khi không còn sức lao động.
BẢO TRÂN