Bảo đảm an toàn trường học, chủ động, linh hoạt thực hiện chương trình năm học mới
Xã hội - Ngày đăng : 22:53, 28/08/2021
(BKTO) – Đây là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của giáo dục trung học (GDTH) năm học 2021-2022, theo hướng dẫn thực hiện nhiệm vụ GDTH vừa được Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) ban hành.
Theo Hướng dẫn này, năm học 2021-2022, GDTH sẽ tập trung triển khai thực hiện 4 nhiệm vụ chủ yếu, gồm:
Bảo đảm an toàn trường học, chủ động, linh hoạt thực hiện chương trình, kế hoạch năm học để ứng phó với diễn biến khó lường của dịch Covid-19.
Triển khai thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018 đối với lớp 6; tiếp tục thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2006 đối với các lớp từ lớp 7 đến lớp 12; bảo đảm hoàn thành chương trình năm học đáp ứng yêu cầu về chất lượng giáo dục trong tình huống diễn biến phức tạp của dịch Covid-19.
Tiếp tục đẩy mạnh công tác đảm bảo chất lượng giáo dục; chú trọng phát triển mạng lưới trường, lớp, đội ngũ nhà giáo và cơ sở vật chất, thiết bị dạy học; duy trì, nâng cao chất lượng phổ cập giáo dục trung học cơ sở.
Tiếp tục đẩy mạnh đổi mới cơ chế quản lý giáo dục; thực hiện quản trị trường học dân chủ, kỷ cương, nền nếp, chất lượng và hiệu quả giáo dục trong các cơ sở GDTH.
Đảm bảo an toàn trường học là ưu tiên hàng đầu của ngành giáo dục, trong bối cảnh dịch bệnh vẫn phức tạp. Ảnh: N.LỘC |
Theo đó, Bộ GD&ĐT yêu cầu các Sở GD&ĐT chỉ đạo các cơ sở GDTH xây dựng kế hoạch giáo dục của nhà trường theo hướng dẫn điều chỉnh nội dung dạy học của Bộ GD&ĐT.
Trong đó, bảo đảm yêu cầu thực hiện các nội dung cốt lõi, làm cơ sở để chủ động, linh hoạt trong tổ chức thực hiện các nội dung còn lại phù hợp với tình hình phòng, chống dịch Covid-19 tại địa phương; chủ động về các phương án dạy học trực tuyến và trực tiếp để chuyển đổi linh hoạt, ứng phó kịp thời với các tình huống diễn biến của dịch Covid-19.
Ưu tiên dạy học trực tuyến đối với các nội dung mang tính lí thuyết, có thể hướng dẫn học sinh khai thác sử dụng hiệu quả sách giáo khoa để học tập; sẵn sàng phương án để tận dụng tối đa khoảng thời gian học sinh có thể đến trường để dạy học trực tiếp, nhất là đối với các nội dung thực hành, thí nghiệm và kết hợp ôn tập, củng cố những nội dung lí thuyết đã học trực tuyến.
Thực hiện hiệu quả, chất lượng các hình thức, phương pháp dạy học và kiểm tra, đánh giá trực tiếp và trực tuyến, bảo đảm hoàn thành chương trình năm học trong các tình huống diễn biến phức tạp của dịch Covid-19.
Đối với lớp 6 thực hiện theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018, các Sở GD&ĐT chỉ đạo các cơ sở GDTH xây dựng và tổ chức thực hiện kế hoạch giáo dục của nhà trường theo Công văn số 5512/BGD&ĐT-GDTrH và Công văn số 2613/BGD&ĐT-GDTrH; xây dựng kế hoạch dạy học bám sát yêu cầu cần đạt theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018 để tổ chức dạy học theo hình thức trực tuyến và trực tiếp phù hợp với tình hình phòng, chống dịch Covid-19 tại địa phương.
Trong quá trình tổ chức thực hiện, Sở GD&ĐT, Phòng GD&ĐT chỉ đạo các cơ sở GDTH tăng cường sinh hoạt chuyên môn dựa trên nghiên cứu bài học, tổ chức các hội thảo, tọa đàm trao đổi về tổ chức dạy học theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018; đánh giá, rút kinh nghiệm trong quá trình dạy học và điều chỉnh kịp thời kế hoạch dạy học phù hợp với thực tế tại địa phương, cơ sở giáo dục.
Đối với các lớp thực hiện theo Chương trình giáo dục phổ thông 2006, Bộ GD&ĐT lưu ý tiếp tục xây dựng, hoàn thiện kế hoạch giáo dục của nhà trường phù hợp với tình hình dịch Covid-19 tại địa phương theo hướng dẫn điều chỉnh nội dung dạy học của Bộ GD&ĐT; bảo đảm chủ động, linh hoạt trong tổ chức thực hiện và hoàn thành chương trình trong điều kiện dịch Covid-19 đang có diễn biến phức tạp.
Khi xây dựng kế hoạch dạy học các môn học, hoạt động giáo dục, lưu ý tăng cường các nội dung bổ trợ theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018, chuẩn bị cho học sinh học theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018 ở cấp trung học phổ thông.
Các trường cần linh hoạt trong tổ chức giảng dạy, tranh thủ thời gian kiểm soát được dịch bệnh cho học sinh học tập tại trường. Ảnh minh họa: N.LỘC |
Về kiểm tra, đánh giá, Bộ GD&ĐT yêu cầu thực hiện việc đánh giá học sinh trung học cơ sở và học sinh trung học phổ thông theo quy định; xây dựng kế hoạch kiểm tra, đánh giá phù hợp với kế hoạch dạy học; không kiểm tra, đánh giá những nội dung vượt quá yêu cầu cần đạt hoặc mức độ cần đạt của chương trình giáo dục phổ thông; không kiểm tra, đánh giá đối với các nội dung phải thực hiện tinh giản và các nội dung hướng dẫn học sinh tự học ở nhà theo hướng dẫn của Bộ GD&ĐT trong điều kiện phòng, chống dịch Covid-19.
Bộ GD&ĐT cũng nhấn mạnh thực hiện có hiệu quả các hình thức, phương pháp kiểm tra, đánh giá, đánh giá thường xuyên và đánh giá định kì.
Năm học 2021-2022, các nhà trường cũng cần chuẩn bị tốt các điều kiện để thực hiện kiểm tra, đánh giá theo hình thức trực tuyến theo quy định, bảo đảm chất lượng, chính xác, hiệu quả, công bằng, khách quan, trung thực; đánh giá đúng năng lực của học sinh
NGUYỄN LỘC