Vận dụng tư tưởng Hồ Chí Minh để đổi mới, nâng cao hiệu quả công tác kiểm tra, giám sát, kỷ luật đảng
Xã hội - Ngày đăng : 20:14, 11/10/2017
(BKTO) - Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn thể hiện sự quantâm đặc biệt về công tác thanh tra, kiểm tra. Người đã từng có những chỉ đạo,yêu cầu quan trọng về công tác này. Vì vậy, học tập và vận dụng tư tưởng đạođức Hồ Chí Minh để đổi mới, nâng cao chất lượng công tác kiểm tra, giám sáttrong Đảng là vấn đề đặt ra đối với Đảng bộ KTNN và nhiều Đảng bộ khác trong cảnước.
“Cán bộ thanh tra là tai mắt của Đảng, Chính phủ”
Ngày 19/4/1957, tới dự Hội nghị tổng kết công tác thanh tra toàn miền Bắc lần thứ Nhất tại Hà Nội, Chủ tịch Hồ Chí Minh phát biểu: “Thanh tra là công tác rất quan trọng. Nếu như Trung ương Đảng, Chính phủ có nghị quyết, chỉ thị đưa ra về các ngành, các địa phương, kết quả thế nào không có thanh tra khó mà biết được địa phương làm tốt, làm vừa, làm xấu, có làm hay không làm trên không biết; địa phương nhiều khi tự mình cũng không biết; trên không thấu dưới, dưới không thấu trên”.
Theo quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh, công tác thanh tra, kiểm tra là bộ phận quan trọng của công tác lãnh đạo, quản lý và là một trong những yếu tố, phương thức bảo đảm cho đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng và pháp luật của Nhà nước được thi hành nghiêm chỉnh. Đồng thời, thanh tra, kiểm tra đóng vai trò quan trọng trong công tác phòng chống bệnh quan liêu, nạn tham nhũng, lãng phí cũng như các hành vi vi phạm khác trong hoạt động quản lý của các cơ quan hành chính nhà nước, trong thực thi công vụ của cán bộ, công chức, viên chức nhà nước.
Với trọng trách đó, trước hết, cán bộ làm công tác thanh tra, giám sát phải là người có đạo đức tốt, luôn trung thực và gương mẫu. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nói: “Cán bộ thanh tra như cái gương cho người ta soi mặt, gương mờ thì không soi được. Vì thế cán bộ thanh tra phải rèn luyện đạo đức cách mạng”. Phẩm chất đạo đức cách mạng của cán bộ thanh tra còn thể hiện ở việc cán bộ đó hiểu rõ vinh dự được làm công tác thanh tra, không mắc bệnh cá nhân chủ nghĩa, quan liêu và phải luôn khách quan, cẩn thận. Bác nhắc nhở cán bộ thanh tra “nghe không được thiên lệch, nghe một bên, nên nghe người này, nghe người kia; chớ do ý muốn và suy đoán chủ quan của mình; phải đến tận nơi, nghe ngóng, tìm hỏi, chịu khó; điều tra, nghiên cứu kỹ lưỡng, chịu khó”. Bác nhấn mạnh: “Cán bộ thanh tra là tai, mắt của Đảng và Chính phủ, tai mắt có sáng suốt thì người mới sáng suốt”.
Mặt khác, cán bộ thanh tra cũng phải là người có năng lực, kinh nghiệm và uy tín. Năng lực, kinh nghiệm của cán bộ thanh tra thể hiện ở sự tinh thông về chuyên môn nghiệp vụ; sự hiểu biết khá sâu sắc về các vấn đề xã hội, giỏi về các mối quan hệ hành chính, am hiểu luật pháp, giải quyết các mối quan hệ xã hội một cách minh bạch, công tâm theo đúng pháp luật và không trái với tập quán, đạo lý truyền thống của dân tộc.
Sự tinh thông nghiệp vụ thanh tra, hiểu biết sâu rộng về chính sách, pháp luật cộng với tấm gương trong sáng về đạo đức cách mạng cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư của cán bộ thanh tra sẽ làm cho cá nhân, tổ chức được thanh tra “tâm phục khẩu phục”, thành khẩn sửa chữa khuyết điểm, tiếp thu phê bình để hoàn thành tốt hơn chức trách, nhiệm vụ của mình. Muốn vậy, “cán bộ thanh tra phải cố gắng học tập, học cái hay, tránh cái dở, trau dồi đạo đức cách mạng, nâng cao trình độ lý luận, trình độ nghiệp vụ và trình độ chuyên môn để làm việc cho tốt” - Chủ tịch Hồ Chí Minh từng nhấn mạnh.
Biến tư tưởng của Bác thành hành động cụ thể
Theo quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh, công tác thanh tra, kiểm tra có vai trò rất quan trọng và có tính chất thường xuyên, phục vụ thiết thực cho sự lãnh đạo của Đảng và sự quản lý của Nhà nước đối với đời sống xã hội. Đây là một trong những nội dung cơ bản trong tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh về công tác thanh tra và phải được quán triệt đầy đủ trong quá trình xây dựng hệ thống các cơ quan thanh tra của Đảng và Nhà nước hiện nay.
Vận dụng tư tưởng này để đổi mới, nâng cao hiệu lực, hiệu quả của công tác kiểm tra, giám sát trong Đảng, thời gian tới, các tổ chức cơ sở đảng cần quan tâm thực hiện đồng bộ những giải pháp quan trọng sau:
Một là, đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức của công chức, đảng viên, nhất là người đứng đầu cấp ủy về công tác kiểm tra, giám sát và thi hành kỷ luật của Đảng. Đồng thời, công tác kiểm tra, giám sát phải được xác định là nhiệm vụ trực tiếp và thường xuyên của các tổ chức đảng, trước hết là các cấp ủy Đảng. Đây là công việc khó khăn, phức tạp, đòi hỏi tổ chức đảng, đảng viên phải có bản lĩnh chính trị vững vàng, quyết tâm cao, lòng nhiệt tình, tâm trong sáng và phải xây dựng chương trình, kế hoạch thực hiện sát đúng; từ đó tạo chuyển biến tích cực về nhận thức, trách nhiệm, không ngừng nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác kiểm tra, giám sát.
Hai là, tiếp tục rà soát, bổ sung, hoàn thiện các văn bản quy định, quy trình về công tác kiểm tra, giám sát và kỷ luật Đảng. Đây là vấn đề quan trọng, đảm bảo cho công tác kiểm tra, giám sát phát huy tốt hiệu lực, hiệu quả, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ xây dựng Đảng hiện nay.
Ba là, đổi mới, nâng cao chất lượng công tác kiểm tra, giám sát, kỷ luật của Đảng. Công tác kiểm tra, giám sát cần bám sát phương châm: kiểm tra tập trung, giám sát mở rộng và trong quá trình thực hiện cần phát huy vai trò của Ủy ban kiểm tra các cấp. Ủy ban kiểm tra phải thực hiện đúng chức năng tham mưu giúp cấp ủy theo quy định; thực hiện nề nếp chương trình, kế hoạch kiểm tra, giám sát hàng năm, nhất là đối với tổ chức đảng cấp dưới trực tiếp, cấp ủy viên cùng cấp, cán bộ thuộc diện quản lý của cấp ủy cùng cấp. Nội dung kiểm tra, giám sát phải có trọng tâm, trọng điểm và phải coi trọng kiểm tra, giám sát việc khắc phục thiếu sót, khuyết điểm và chất lượng thực hiện nhiệm vụ; những đảng viên có biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”.
Bốn là, thường xuyên kiện toàn bộ máy cơ quan Ủy ban kiểm tra, đội ngũ công chức kiểm tra các cấp bảo đảm tương xứng với chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn được giao; coi trọng việc lựa chọn, bồi dưỡng, luân chuyển, nâng cao bản lĩnh chính trị, năng lực chuyên môn nghiệp vụ, phẩm chất đạo đức, phương pháp, tác phong công tác của đội ngũ công chức làm công tác kiểm tra, giám sát, nhất là với cán bộ chuyên trách…
Học tập và làm theo tư tưởng của Bác Hồ về công tác kiểm tra, giám sát sẽ là cơ sở quan trọng để nâng cao chất lượng của công tác này, góp phần khắc phục yếu kém, khuyết điểm, xây dựng Đảng vững mạnh cả về chính trị, tư tưởng, tổ chức và đạo đức, ngang tầm yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới.
HỮU HIỆP - VÂN ANH (Thanh tra KTNN)