Xác định rõ những hoạt động trọng tâm thực hiện Chiến lược phát triển KTNN đến năm 2030

Hoạt động của Ngành - Ngày đăng : 19:50, 30/08/2021

(BKTO) - Tổng Kiểm toán Nhà nước Trần Sỹ Thanh vừa ký ban hành Quyết định số 1528/QĐ-KTNN về việc ban hành Kế hoạch thực hiện Chiến lược phát triển KTNN đến năm 2030 (giai đoạn 2021-2030).


                
   

Thời gian qua, KTNN đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo, điều hành quan trọng của Ngành. Ảnh: Tư liệu

   

Chiến lược phát triển KTNN đến năm 2030 được xác định rõ mục tiêu phát triển KTNN là công cụ trọng yếu, hữu hiệu của Đảng và Nhà nước trong kiểm tra, kiểm soát việc quản lý, sử dụng tài chính, tài sản công; nâng cao năng lực, hiệu lực, hiệu quả trong hoạt động kiểm toán thông qua ứng dụng CNTT và đẩy mạnh hợp tác quốc tế, bảo đảm hoạt động công khai, minh bạch, chuyên nghiệp, chính quy và từng bước hiện đại, xứng đáng là cơ quan kiểm toán tài chính, tài sản công có trách nhiệm và uy tín, đáp ứng được yêu cầu của Đảng, Nhà nước và nhân dân; góp phần quan trọng nâng cao năng lực quản lý, quản trị tài chính, tài sản công của Nhà nước, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của đất nước giai đoạn 2021-2030.

Trên cơ sở đó, KTNN xây dựng Kế hoạch thực hiện Chiến lược phát triển KTNN đến năm 2030 trên 7 nội dung: Hoàn thiện cơ sở pháp lý cho tổ chức và hoạt động của KTNN; Phát triển hệ thống tổ chức bộ máy; Phát triển nguồn nhân lực; Nâng cao chất lượng kiểm toán; Hội nhập và hợp tác quốc tế; Phát triển cơ sở vật chất, thông tin tuyên truyền và nghiên cứu khoa học; Phát triển CNTT và công nghệ cao.

Với từng nội dung này, KTNN đã xác định rõ mục tiêu, những kết quả đạt được, một số tồn tại, hạn chế và những vấn đề cần giải quyết, cũng như xác định rõ nội dung các hoạt động cần triển khai thực hiện để đạt được mục tiêu đề ra.

Trong đó, với nội dung hoàn thiện cơ sở pháp lý cho tổ chức và hoạt động của KTNN, Tổng Kiểm toán Nhà nước nêu rõ các hoạt động trọng tâm là tiếp tục hoàn thiện Luật KTNT; xây dựng và hoàn thiện các văn bản để cụ thể hoá Luật KTNN (các văn bản do KTNN chủ trì, trình cơ quan có thẩm quyền ban hành); tiếp tục xây dựng và hoàn thiện các văn bản nhằm cụ thể hoá Luật KTNN các văn bản thuộc thẩm quyền ban hành của Tổng Kiểm toán Nhà nước; hoàn thiện hệ thống chuẩn mực, quy trình, phương pháp chuyên môn nghiệp vụ, mẫu biểu, hồ sơ kiểm toán; sửa đổi, bổ sung các luật có liên quan.

Liên quan đến nội dung phát triển hệ thống tổ chức bộ máy, KTNN xác định 3 hoạt động trọng tâm, gồm: hoàn thiện chức năng, nhiệm vụ, cơ cấu tổ chức của các đơn vị trực thuộc KTNN; sắp xếp, củng cố năng lực cho các đơn vị tham mưu; phát triển các đơn vị sự nghiệp công lập theo hướng nâng cao mức độ tự chủ, đáp ứng chức năng, nhiệm vụ được giao.

Gắn với nội dung phát triển nguồn nhân lực, KTNN chú trọng 6 hoạt động: phát triển đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức đảm bảo đủ về số lượng, cơ cấu chuyên môn và cơ cấu ngạch hợp lý; xây dựng kế hoạch tạo nguồn cán bộ; thực hiện quy hoạch, luân chuyển, điều động, biệt phái để rèn luyện công chức, kiểm toán viên trong hoạt động thực tiễn; đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ công chức, kiểm toán viên trong quy hoạch được phát triển toán diện cả về bản lĩnh chính trị lẫn chuyên môn nghiệp vụ.
                
   

KTNN luôn chú trọng phát triển năng lực đội ngũ kiểm toán viên. Ảnh: Tư liệu

   

Đồng thời xây dựng hoàn thiện cơ chế, chính sách ưu tiên, đặc thù phù hợp để thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao, đặc biệt là nhân tài và chuyên gia giỏi thực hiện nhiệm vụ kiểm toán. Hoàn thiện các văn bản quy định về đào tạo, bồi dưỡng; xây dựng và triển khai thực hiện kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng của KTNN giai đoạn 2021-2025 và giai đoạn 2026-2030.

Đáng chú ý, liên quan đến nội dung nâng cao chất lượng kiểm toán, KTNN sẽ có những hoạt động cụ thể nhằm nâng cao năng lực hoạt động kiểm toán của KTNN, nâng cao hiệu lực kiểm toán và nâng cao hiệu quả kiểm toán.

Theo đó, KTNN tập trung nâng cao năng lực kiểm toán quyết toán ngân sách các Bộ, cơ quan trung ương và quyết toán ngân sách các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương; tăng cường các cuộc kiểm toán hoạt động, chuyên đề, CNTT, môi trường, các nội dung, lĩnh vực kiểm toán mới. Đồng thời nâng cao chất lượng kiểm toán, ý kiến về dự toán NSNN để Quốc hội quyết định dự toán NSNN, phương án phân bổ NSTW và quyết định dự án, công trình trọng điểm quốc gia, chương trình mục tiêu quốc gia. Cùng với đó là nâng cao năng lực kiểm toán nợ công.

Để nâng cao hiệu lực kiểm toán, KTNN tập trung thực hiện nâng cao chất lượng hoạt động kiểm toán, đặc biệt là chất lượng báo cáo kiểm toán theo quy định của Luật KTNN. Đẩy mạnh kiểm toán các chủ đề lớn gắn với việc quản lý, điều hành NSNN, những vấn đề quan trọng của đất nước; phục vụ tích cực cho các hoạt động của Quốc hội về lập pháp, giám sát và quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước.
                
   

KTNN đẩy mạnh kiểm toán các chủ đề lớn gắn với việc quản lý, điều hành NSNN. Ảnh: Tư liệu

   

Cùng với đó là phát triển các mối quan hệ phối hợp của các bên liên quan nhằm nâng cao hiệu lực hoạt động kiểm toán và hiệu lực kết luận, kiến nghị kiểm toán; đáp ứng yêu cầu ngày càng cao trong công tác kiểm tra, giám sát của các cơ quan Đảng và các cơ quan nhà nước. Tăng cường kiểm tra thực hiện kết luận, kiến nghị kiểm toán; áp dụng chế tài xử phạt đối với các hành vi vi phạm Luật KTNN.

Để nâng cao hiệu quả kiểm toán, KTNN sẽ hoàn thiện Hệ thống Chuẩn mực KTNN phù hợp với thông lệ quốc tế và vận dụng vào hoạt động kiểm toán của KTNN. Xây dựng, hoàn thiện đầy đủ quy trình, hướng dẫn chuyên môn, hệ thống mẫu biểu hồ sơ kiểm toán theo hướng chuyên nghiệp, hiện đại, cải cách hành chính.

Bên cạnh việc tăng cường áp dụng các phương pháp kiểm toán theo thông lệ quốc tế, KTNN sẽ tăng cường ứng dụng CNTT, công nghệ cao, công nghệ hiện đại, công cụ kỹ thuật cao vào công tác kiểm toán, chuyển dần sang quy trình kiểm toán số dựa trên cơ sở dữ liệu lớn và trí tuệ nhân tạo. Hàng năm xây dựng văn bản hướng dẫn xây dựng kế hoạch kiểm toán năm và phương án tổ chức kiểm toán năm khoa học chặt chẽ. Chuẩn hóa hoạt động kiểm soát chất lượng kiểm toán.

Đối với nội dung hội nhập và hợp tác quốc tế, các hoạt động của KTNN tập trung xoay quanh: hợp tác song phương, hội nhập và hợp tác đa phương, quản trị hội nhập và hợp tác quốc tế, hợp tác với các nhà tài trợ.

Liên quan đến nội dung phát triển cơ sở vật chất, thông tin tuyên truyền và nghiên cứu khoa học, KTNN tổ chức các hoạt động nhằm nâng cao hiệu quả sử dụng các trụ sở KTNN và phát triển cơ sở vật chất cho hoạt động thông tin tuyên truyền…

Còn với nội dung phát triển CNTT và công nghệ cao, KTNN sẽ xây dựng hạ tầng kỹ thuật CNTT, hạ tầng dữ liệu và phát triển các hệ thống thông tin, phần mềm ứng dụng. Đồng thời chú trọng các hoạt động đảm bảo an toàn, an ninh thông tin, tăng cường kiểm toán CNTT và ứng dụng công nghệ cao vào hoạt động kiểm toán; xây dựng cơ chế, chính sách; phát triển, đào tạo nguồn nhân lực.
H.THOAN