Nhiều rào cản trong phát triển thị trường tiêu thụ thủy sản nội địa

Đầu tư - Ngày đăng : 15:40, 16/10/2017

(BKTO) - Thủy sản Việt Nam vốn phong phú, đa dạng và được thế giới ưa chuộng nhưng dường như chưa tiếp cận được với đông đảo người tiêu dùng trong nước. Nguyên nhân của thực trạng này đã được các chuyên gia, nhà quản lý và đại diện các DN sản xuất, chế biến thủy sản nêu ra tại Hội thảo “Phát triển thị trường tiêu thụ thủy sản nội địa” do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) tổ chức mới đây tại Hà Nội.


Thị trường nội địa bị xem nhẹ

Vụ Nuôi trồng thủy sản (Tổng cục Thủy sản - Bộ NN&PTNT) cho biết, xuất khẩu thủy sản luôn đứng đầu trong các mặt hàng nông - lâm - thủy sản xuất khẩu của Việt Nam (chiếm 25% và đứng thứ 4 các nước có số lượng và kim ngạch xuất khẩu thủy sản lớn nhất thế giới). Năm 2010, xuất khẩu thủy sản đạt trên 7 tỷ USD với tốc độ tăng trưởng đạt bình quân 7-10%/năm, thủy sản Việt Nam đã xuất khẩu sang 164 nước và vùng lãnh thổ.

Bên cạnh đó, thị trường tiêu thụ thủy sản nội địa cũng đã có bước phát triển nhanh chóng. Ngoài 567 cơ sở chế biến quy mô công nghiệp sản xuất hàng xuất khẩu, còn khoảng 4.000 cơ sở chế biến nhỏ, hộ gia đình, các làng nghề thủy sản thu hút được khoảng 40.000 lao động mỗi năm.

Nhận định về thị trường tiêu thụ thủy sản nội địa, Chủ tịch Hiệp hội Các nhà bán lẻ Việt Nam Đinh Thị Mỹ Loan nhận định, cơ hội cho ngành chế biến thủy sản trong nước là rất lớn khi tiêu thụ thủy sản bình quân của người Việt Nam ở mức cao, 27kg/người/năm. Dự báo, giá trị thủy sản chế biến tiêu thụ trong nước tăng bình quân 5,37%/năm trong giai đoạn 2011-2020, mức tiêu thụ trong nước năm 2020 sẽ đạt 940.000 tấn.

Tuy nhiên, việc phát triển thị trường thủy sản nội địa hiện nay vẫn còn nhiều rào cản. Theo bà Võ Thị Thu Hương (Hiệp hội Cá tra Việt Nam), rào cản đến từ thói quen tiêu dùng của người Việt khi họ thường mua đồ tươi sống, không cần bao gói, không quen sử dụng đồ đông lạnh. Đơn cử, sản phẩm cá tra, cá basa của Việt Nam nổi tiếng khắp thế giới do chứa nhiều chất đạm, ít béo nhưng thực tế, đa số người tiêu dùng trong nước chưa biết đến giá trị dinh dưỡng của loại cá này.

Mặt khác, Chuyên gia thủy sản Ngô Tiến Chương cho biết, thị trường thủy sản nội địa đang bị xem nhẹ. Minh chứng là Việt Nam mới chỉ có các quy định cụ thể, chi tiết về chất lượng cho các mặt hàng thủy sản xuất khẩu mà chưa có bộ tiêu chí đầy đủ, thống nhất cho thị trường nội địa. Việc kết nối giữa các nhà sản xuất, chế biến với hệ thống bán lẻ chưa chặt chẽ dẫn tới thủy sản đông lạnh bán qua hệ thống siêu thị không đắt hàng. Hơn nữa, tâm lý người tiêu dùng chỉ tin vào sản phẩm nhập ngoại, mặc dù chất lượng sản phẩm trong nước không hề thua kém.

Khơi thông thị trường nội địa

Để phát triển được thị trường tiêu thụ thủy sản nội địa, ông Đào Trọng Hiếu (Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản thuộc Bộ NN&PTNT) đề xuất, cần đẩy mạnh xú́c tiến thương mại đối với các mặt hàng thủy sản của các làng nghề ở địa phương đến được các thị trường lớn; củng cố và phát triển tốt các chợ nông thôn, hình thành các chợ đầu mối nhằm khơi thông tốt thị trường; phát triển các hệ thống cung ứng cho từng mặt hàng theo nhu cầu và khuyến khích các DN nhỏ tập trung thị trường trong nước. Đồng thời, DN cũng cần chú ý đẩy mạnh công tác quản lý chất lượng hàng hoá, đăng ký tiêu chuẩn chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm.

Mặt khác, nhiều ý kiến cũng cho rằng, việc thay đổi thị hiếu tiêu dùng của người dân là vấn đề rất quan trọng. Điều này sẽ có ý nghĩa đối với việc kích thích tiêu dùng, qua đó thúc đẩy sản xuất của các DN, cơ sở chế biến.

Cùng với việc tiếp tục có những điều chỉnh về mặt quản lý nhà nước, giám sát chất lượng an toàn vệ sinh thực phẩm, các Bộ, ban, ngành liên quan cũng cần nghiên cứu để đưa ra các giải pháp về nguồn nguyên liệu, công nghệ chế biến nhằm đa dạng hóa và nâng cao chất lượng sản phẩm. Đây là một trong những cơ sở để sản phẩm thủy sản đến với mọi nhà.

Trong lần tới thăm Hội chợ “Cá tra và các sản phẩm thủy sản Việt Nam” do Bộ NN&PTNT tổ chức mới đây, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng khẳng định sẽ giao Bộ NN&PTNT, Bộ Công Thương có các giải pháp phát triển nuôi trồng, chế biến cá tra và các mặt hàng thủy sản có chất lượng cao; triển khai các giải pháp hỗ trợ DN trong việc quảng bá, phát triển thị trường trong nước và quốc tế. Đồng thời, Chính phủ sẽ yêu cầu Bộ Khoa học và Công nghệ có các giải pháp toàn diện để hỗ trợ DN về tiêu chuẩn sản phẩm, bảo đảm sản phẩm Việt Nam có chất lượng, đáp ứng nhu cầu của thị trường tiêu thụ.

LÊ HÒA
Theo Tuần Báo ra ngày 12-10-2017