Tinh giản biên chế: Chủ trương giảm, thực tế lại tăng
Xã hội - Ngày đăng : 15:45, 16/10/2017
(BKTO) - Thực hiện Nghị quyết số 39-NQ/TW của Bộ Chính trị về tinh giản biên chế và cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, việc tinh giản biên chế đã bước đầu được thực hiện, cơ cấu đội ngũ cán bộ, công chức đang dần được sắp xếp hợp lý hơn. Tuy nhiên, sau hơn 2 năm thực hiện Nghị quyết, những kết quả đạt được vẫn chưa đáp ứng yêu cầu đề ra.
Tinh giản nhưng… chưa giảm
Báo cáo chuyên đề tinh giản biên chế và cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức của Bộ Nội vụ cho biết, Bộ đã thẩm tra đối tượng tinh giản biên chế năm 2015, 2016 và 5 tháng đầu năm 2017, tổng cộng là 24.804 người trên cơ sở đề nghị của các Bộ, ngành, địa phương. Trong tổng số biên chế được tinh giản, các đơn vị sự nghiệp công lập chiếm đa số (16.238 người). Khối DNNN có số lượng tinh giản thấp nhất (132 người).
Báo cáo cũng cho biết, cho tới tháng 5 năm nay, nhiều nơi vẫn chưa phê duyệt được Đề án tinh giản biên chế đến năm 2021 và chưa xây dựng kế hoạch tinh giản biên chế giai đoạn 2015-2021.
Những bất cập này cũng được nêu khá toàn diện trong Báo cáo “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về cải cách tổ chức bộ máy hành chính nhà nước giai đoạn 2011-2016” do Đoàn giám sát của Quốc hội thực hiện. Qua làm việc với 15 Bộ, ngành ở Trung ương và trực tiếp giám sát tại 15 tỉnh, thành phố, Đoàn giám sát nhận thấy kết quả thực hiện chính sách tinh giản biên chế còn rất hạn chế. Tổ chức bộ máy các cơ quan hành chính nhà nước còn cồng kềnh, một số chức năng cơ quan quyền hạn còn trùng lặp, chồng chéo, thiếu hợp lý. Tại phiên họp toàn thể lần thứ 3 của Đoàn giám sát diễn ra mới đây, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu nhận định: Tổng biên chế cả nước tính đến 31/12/2015 là 3.563.903 người nhưng đến ngày 01/02/2017 là 3.574.303 người, như vậy là tăng chứ không giảm. Tương tự, quỹ lương cho biên chế năm 2015 là 405.000 tỷ đồng nhưng đến năm 2016 đã tăng lên 410.000 tỷ đồng, tăng 1,3%. Điều đó cho thấy tinh giản biên chế chưa hiệu quả, chưa có con số thuyết phục.
Trao đổi với báo chí, PGS.TS Lê Quốc Lý - Phó Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh - cho rằng, mỗi tổ chức, mỗi bộ máy chi tiêu ít nhất hàng trăm tỷ đồng mỗi năm từ ngân sách. Nếu cải cách, đổi mới mạnh mẽ công tác tổ chức, bộ máy thì sẽ tiết kiệm được nhiều nghìn tỷ đồng ngân sách phục vụ phát triển kinh tế, xóa đói, giảm nghèo.
Quyết tâm cần gắn liền với trách nhiệm
Theo ông Lê Như Tiến - nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội - để xảy ra tình trạng như trên, trách nhiệm lớn nhất là của người đứng đầu. Nói tái cơ cấu, tinh giản bộ máy, giảm biên chế nhưng không xác định và quy rõ được trách nhiệm cho người đứng đầu. “Chỉ khi nào nút thắt này được tháo gỡ, thì khi đó, công tác đổi mới tổ chức, cơ cấu đội ngũ cán bộ mới thực sự chuyển biến” - ông Tiến nhấn mạnh.
Về việc tinh gọn bộ máy, giảm đầu mối, Bộ trưởng Nội vụ Lê Vĩnh Tân từng kể trong quá trình làm việc với các địa phương có nhiều ý kiến khác nhau: “tức là giảm đâu thì giảm, đừng giảm chỗ tôi”. Như vậy để thấy, dù tinh giản biên chế, sắp xếp lại đội ngũ cán bộ, công chức là chủ trương chung, nhưng mỗi nơi lại mỗi cách làm. Kết quả, bộ máy hành chính ngày càng phình to. Do đó, nhiều ý kiến cho rằng, để đưa chủ trương này vào cuộc sống một cách thực chất, hiệu quả, đã đến lúc cần những biện pháp mạnh mẽ, hiệu quả và đồng bộ hơn.
Tại Hội nghị Trung ương 6 diễn ra từ ngày 4 đến 10/10, một trong những đề án rất được chờ đợi là tiếp tục đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng, xây dựng tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả. Trong bài phát biểu khai mạc, cùng với việc chỉ ra những kết quả đạt được trong công tác xây dựng tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cũng nhận định: “Tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị vẫn còn cồng kềnh, nhiều tầng nấc, kém hiệu lực, hiệu quả; chức năng, nhiệm vụ của một số tổ chức còn chồng chéo; cơ cấu bên trong chưa hợp lý”.
Bên cạnh đó là cơ cấu, chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức còn nhiều bất cập; số lao động phục vụ gián tiếp quá nhiều trong khi thiếu nhân lực trực tiếp làm chuyên môn nghiệp vụ. Số người hưởng lương, phụ cấp từ ngân sách ở các đơn vị sự nghiệp công ngày càng nhiều…
Từ thực tế trên, Tổng Bí thư nhấn mạnh yêu cầu xây dựng các nhiệm vụ và giải pháp phù hợp, khả thi, góp phần giải quyết những vấn đề đang đặt ra đối với tổ chức bộ máy của toàn hệ thống chính trị. Riêng đối với các đơn vị sự nghiệp công lập, Tổng Bí thư yêu cầu nâng cao chất lượng dịch vụ và hiệu quả hoạt động của các đơn vị này phải gắn với bảo đảm ổn định chính trị, xã hội nói chung và từng ngành, lĩnh vực cụ thể nói riêng.
Rõ ràng, quyết tâm đổi mới hệ thống tổ chức bộ máy, trọng tâm là tinh giản biên chế, cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức chưa khi nào được thể hiện mạnh mẽ như hiện nay. Tuy nhiên, công tác này chỉ thực sự mang lại hiệu quả, khi người đứng đầu các cơ quan, đơn vị, tổ chức có trách nhiệm và quyết liệt với nhiệm vụ được giao.
NGUYỄN LỘC
Theo Tuần Báo ra ngày 12-10-2017
Theo Tuần Báo ra ngày 12-10-2017