Thúc đẩy phát triển năng lực kiểm toán môi trường vì sự phát triển bền vững trong ASOSAI

Hoạt động của Ngành - Ngày đăng : 18:00, 06/09/2021

(BKTO) - Đây là một mục tiêu chiến lược trong Báo cáo thành lập Nhóm công tác về Kiểm toán các mục tiêu phát triển bền vững (SDGs) của Tổ chức Các cơ quan Kiểm toán tối cao châu Á (ASOSAI WGSDG) mà SAI Kuwait đã trình bày tại Cuộc họp Ban Điều hành ASOSAI lần thứ 56, diễn ra chiều 06/9 theo hình thức trực tuyến.


                
   

SAI Kuwait trình bày Báo cáo tại Cuộc họp

   

Theo Sai Kuwait, đề xuất về việc thành lập ASOSAI WGSDG đã được KTNN Kuwait trình bày tại Cuộc họp Ban Điều hành ASOSAI lần thứ 54 năm 2019.

Ban Điều hành ASOSAI quyết định thành lập một Ủy ban đặc biệt để nghiên cứu đề xuất về vấn đề này. Ủy ban đã bầu KTNN Kuwait làm Chủ tịch của Ủy ban với 6 SAI khác. Tại Cuộc họp Ban Điều hành ASOSAI lần thứ 55 vào tháng 7/2020, Ban Điều hành đã thông qua các kết quả của nghiên cứu. Do đó, ASOSAI WGSDG sẽ được thành lập tại Cuộc họp của Đại hội tháng 9/2021.

Thúc đẩy vai trò của ASOSAI trong việc thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững

Sứ mệnh của Nhóm là thúc đẩy vai trò của cộng đồng ASOSAI thông qua việc đóng góp vào các mục tiêu quốc gia và đánh giá việc thực hiện SDGs trong khu vực bằng cách nâng cao kiến thức, kỹ năng và sử dụng các chỉ số SDGs một cách thích hợp của các kiểm toán viên.

Các mục tiêu chiến lược: Đẩy mạnh việc chia sẻ kiến thức và phát triển năng lực trong cộng đồng ASOSAI đối với lĩnh vực kiểm toán môi trường vì sự phát triển bền vững; thực hiện các SDGs và giải quyết các thách thức môi trường toàn cầu.

Nhóm công tác sẽ tiến hành các hoạt động khác nhau về SDGs theo đúng kế hoạch hoạt động (các báo cáo kiểm toán, chương trình đào tạo, hội thảo, dự án nghiên cứu, trao đổi với các cơ quan quốc tế có liên quan đến SDGs) và bất kỳ hoạt động nào khác mà các thành viên đề xuất và ủng hộ.

ASOSAI WGSDG bao gồm tối đa 20 thành viên. Nếu số thành viên vượt quá con số này, quy trình bổ nhiệm sẽ được áp dụng bằng cách bỏ phiếu. Các thành viên là đại diện từ các cơ quan kiểm toán tối cao (SAI) thành viên ASOSAI.

Chủ tịch có thể là đại diện từ các cơ quan quốc tế/khu vực với vai trò là quan sát viên (ví dụ như Chủ tịch của Nhóm công tác về Kiểm toán môi trường).

ASOSAI WGSDGdự kiến sẽ hoạt động cho đến khi kết thúc Chương trình Nghị sự của Liên Hợp Quốc vào năm 2030 và có thể được gia hạn nếu cần thiết.

Chủ tịch, Phó Chủ tịch và Thư ký: Chức vụ Chủ tịch và Phó Chủ tịch của ASOSAI WGSDG được chỉ định trên cơ sở tự nguyện. Tuy nhiên, trong trường hợp có nhiều hơn một ứng viên sẵn sàng đảm nhận các vị trí này, các thành viên nhóm công tác sẽ bổ nhiệm bằng cách bỏ phiếu.

Nhiệm kỳ của Chủ tịch và Phó Chủ tịch tối đa là 3 năm. Chủ tịchASOSAI WGSDG chịu trách nhiệm hỗ trợ Ban Thư ký Nhóm công tác và hỗ trợ hành chính.

Để ASOSAI WGSDG đạt được các mục tiêu của mình, cần có sự tham gia tích cực của tất cả các nhóm công tác ASOSAI về các thành viên SDGs. Các thành viên phải chủ động tham gia tích cực vào ít nhất một dự án mỗi năm nếu được yêu cầu. Do đó, các thành viên cần có sự hỗ trợ đầy đủ từ các SAI để đáp ứng yêu cầu này.

Mỗi thành viên được yêu cầu cung cấp các báo cáo/hoạt động có liên quan đến SDGs để phát triển cơ sở dữ liệu SDGs và thực hiện quy trình tiếp theo trong khu vực ASOSAI.

Các nhóm dự án ASOSAI WGSDG được thành lập nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho việc hoàn thành các dự án ASOSAI WGSDG. Mỗi nhóm dự án có trách nhiệm bầu ra một trưởng ban chịu trách nhiệm tổ chức các hoạt động của nhóm dự án.

Cơ chế hoạt động củaASOSAI WGSDG

Theo đề xuất, các thành viên của ASOSAI WGSDG sẽ tổ chức họp hằng năm. Các cuộc họp có thể được tổ chức bởi một SAI thành viên hoặc theo đánh giá của Chủ tịch. Tổ chức cuộc họp thường niên của ASOSAI WGSDG là tự nguyện.

Việc không tham dự hai cuộc họp thường niên liên tiếp của ASOSAI WGSDG cần được Chủ tịch của Nhóm xem xét lại tư cách thành viên của SAI có liên quan. Trong trường hợp Chủ tịch vắng mặt, Phó Chủ tịch sẽ điều hành cuộc họp thường niên.

Hơn một nửa số thành viên ASOSAI WGSDG (bao gồm cả Chủ tịch) phải có mặt tại cuộc họp thường niên hằng năm để đảm bảo số lượng thành viên cuộc họp theo quy định cần thiết. Mỗi thành viên ASOSAI WGSDG được phát một phiếu bầu. Trong trường hợp số phiếu ngang nhau, quyết định sẽ phụ thuộc vào lá phiếu của Chủ tịch.

Chủ tịch ASOSAI WGSDG sẽ bảo lưu quyền triệu tập các cuộc họp ngoại lệ nếu được yêu cầu trong suốt 3 năm nhiệm kỳ.

Khi Chủ tịchASOSAI WGSDG được bầu chọn, Chủ tịch sẽ xây dựng kế hoạch hoạt động 3 năm với sự phối hợp của các thành viên, bao gồm các hoạt động liên quan đến các mục tiêu chiến lược trong khung thời gian thích hợp không quá 6 tháng kể từ cuộc họp thường niên lần đầu tiên.

Ngôn ngữ công việc của ASOSAI WGSDG là tiếng Anh. Do đó, tất cả thông tin đều bằng tiếng Anh và phải được dịch sang các ngôn ngữ chính thức của ASOSAI sau khi bản tiếng Anh cuối cùng được phê duyệt.

Về kinh phí: Tất cả các hoạt động của ASOSAI WGSDG đều được tài trợ đóng góp bằng hiện vật./.
Tín và ảnh: Xuân Hồng và nhóm phóng viên