Hạn chế trong quản lý tài nguyên nước sông Mê Công ảnh hưởng tiêu cực tới Việt Nam
Hoạt động của Ngành - Ngày đăng : 08:21, 07/09/2021
(BKTO) - Theo KTNN, những bất cập, hạn chế trong công tác quản lý tài nguyên nước kết hợp với các yếu tố biến đổi khí hậu, sự gia tăng của việc khai thác, sử dụng nước tại các quốc gia thượng nguồn lưu vực sông Mê Công đã ảnh hưởng tiêu cực tới Việt Nam...
Đoàn kiểm toán tìm hiểu về mức độ xâm nhập mặn và tình trạng thiếu nước ngọt tại huyện Gò Công Đông, tỉnh Tiền Giang. Ảnh: NGUYỄN LỘC |
Đó là một trong những phát hiện từ cuộc kiểm toán Việc quản lý nguồn nước lưu vực sông (LVS) Mê Công gắn với việc thực hiện mục tiêu phát triển bền vững (PTBV).
Kiểm toán nhằm nâng cao hiệu quả quản lý nguồn nước
Cuộc kiểm toán do KTNN Việt Nam triển khai tại 4 Bộ, ngành trung ương gồm Ủy ban sông Mê Công Việt Nam, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Công Thương, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và 12 tỉnh, thành phố thuộc LVS Mê Công gồm: An Giang, Đồng Tháp, Tiền Giang, Sóc Trăng, Cần Thơ, Trà Vinh, Cà Mau, Hậu Giang, Bến Tre, Gia Lai, Kon Tum và Đắk Lắk từ ngày 03/3/2021 đến ngày 29/4/2021.
Đây là cuộc kiểm toán chung do KTNN Việt Nam - Chủ tịch Tổ chức Các cơ quan Kiểm toán tối cao châu Á (ASOSAI) nhiệm kỳ 2018-2021 - đề xuất và đã nhận được sự ủng hộ mạnh mẽ của KTNN các nước trong khu vực.
Cuộc kiểm toán do KTNN Việt Nam chủ trì, với sự tham gia của 2 cơ quan Kiểm toán tối cao (SAI): Thái Lan và Myanmar cùng sự hỗ trợ chuyên môn, kỹ thuật của các chuyên gia từ KTNN Malaysia, Indonesia, Ngân hàng Thế giới (WB) và Quỹ Kiểm toán và Trách nhiệm giải trình Canada (CAAF).
Cuộc kiểm toán nhằm đánh giá công tác quản lý tài nguyên nước (TNN) và việc tuân thủ các cam kết quốc tế của Chính phủ Việt Nam trong quản lý, sử dụng và bảo vệ nguồn nước LVS Mê Công gắn với việc thực hiện mục tiêu cụ thể 6.5 thuộc mục tiêu PTBV số 6: “Đến năm 2030, thực hiện quản lý tổng hợp tài nguyên nước theo lưu vực sông, bao gồm cả nguồn nước xuyên biên giới thông qua hợp tác quốc tế”, đồng thời chú trọng việc xem xét, xác định các ảnh hưởng, tác động tiêu cực do việc suy giảm nguồn nước sông Mê Công tại Việt Nam trong giai đoạn 2016-2020.
Qua đó. KTNN kiến nghị nhằm nâng cao hiệu quả quản lý nguồn nước sông Mê Công một cách bền vững, công bằng và hài hòa giữa các quốc gia trong lưu vực, đồng thời thực hiện có hiệu quả Tuyên bố Hà Nội tại Đại hội ASOSAI 14 với chủ đề “Kiểm toán môi trường vì sự phát triển bền vững”.
Việt Nam thực hiện nghiêm túc cam kết quốc tế, tăng cường hiệu quả quản lý nguồn nước
Kết quả kiểm toán cho thấy, giai đoạn 2016-2020, Chính phủ Việt Nam đã nỗ lực trong việc tăng cường hiệu quả, hiệu lực của công tác quản lý nguồn nước LVS Mê Công gắn với việc thực hiện các mục tiêu PTBV.
Hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về TNN như Luật Tài nguyên nước, Luật Bảo vệ môi trường đã được ban hành tương đối đầy đủ và cụ thể. Mạng lưới quan trắc, giám sát tình hình khai thác, sử dụng TNN, chất lượng nguồn nước đã và đang từng bước được đầu tư, hoàn thiện. Hoạt động thanh tra, kiểm tra, kiểm soát về TNN, bảo vệ môi trường nước được tổ chức định kỳ. Tổng nguồn lực tài chính đã sử dụng cho công tác quản lý TNN tại các đơn vị được kiểm toán khoảng 42.542 tỷ đồng và ngày càng gia tăng để phục vụ các hoạt động điều tra cơ bản, dự báo, đánh giá TNN, xây dựng hệ thống công trình thủy lợi, cấp thoát nước, phòng chống xâm nhập mặn…
Chính phủ Việt Nam đã thực hiện đầy đủ, nghiêm túc các cam kết quốc tế về sử dụng công bằng và hợp lý nguồn nước LVS Mê Công, đặc biệt là Hiệp định Hợp tác phát triển bền vững LVS Mê Công 1995 (Hiệp định Mê Công 1995) cùng nhiều hoạt động khác trong khuôn khổ của Ủy hội sông Mê Công quốc tế (MRC); tăng cường hợp tác song phương, đa phương trong quản lý, sử dụng nguồn nước LVS Mê Công…
Đoàn kiểm toán tìm hiểu việc khai thác, sử dụng nguồn nước sông Mê Công tại một nhà máy thủy điện trên địa bàn tỉnh Gia Lai. Ảnh: NGUYỄN LỘC |
Vướng mắc trong triển khai Hiệp định Mê Công 1995
Bên cạnh những kết quả đạt được, cuộc kiểm toán cũng chỉ ra một số hạn chế trong công tác quản lý nguồn nước LVS Mê Công giai đoạn 2016-2020 tại các Bộ, ngành, địa phương như công tác quy hoạch TNN chung cả nước, quy hoạch TNN của LVS, nguồn nước liên tỉnh, nội tỉnh chưa kịp thời.
Một số nhiệm vụ điều tra cơ bản TNN chưa cung cấp các thông tin, số liệu đầy đủ phục vụ công tác quản lý nhà nước về TNN và mục tiêu PTBV cụ thể 6.5. Công tác giám sát, kiểm soát hoạt của cơ quan quản lý còn thiếu đồng bộ, chưa đảm bảo kết nối từ trung ương đến địa phương.
Liên quan đến triển khai Hiệp định Mê Công 1995 của các quốc gia, kết quả kiểm toán chỉ rõ:Đến nay, mới có 4/6 quốc gia thuộc LVS Mê Công ký kết Hiệp định Hợp tác phát triển bền vững LVS Mê Công 1995.
Văn bản pháp lý làm cơ sở điều tiết hoạt động khai thác, sử dụng TNN trên dòng chính và dòng nhánh còn chưa đầy đủ trong khi các hoạt động phát triển thủy điện dòng nhánh tại các quốc gia thành viên MRC ngày càng nhiều hơn.
Các điều khoản cụ thể chưa đầy đủ để đảm bảo giải quyết tranh chấp, bất đồng giữa các thành viên MRC trong việc sử dụng nguồn nước LVS Mê Công; thiếu chỉ tiêu, hoạt động liên quan đến việc đánh giá tác động môi trường và mục tiêu phát triển bền vững quốc tế về quản lý tổng hợp TNN LVS.
Một số thủ tục, văn bản pháp lý, chiến lược toàn lưu vực và các hướng dẫn kỹ thuật của MRC chưa có sự ràng buộc đầy đủ.
Hướng dẫn đánh giá danh mục các dự án thủy điện đa mục tiêu năm 2015, Hướng dẫn kỹ thuật thực hiện thủ tục duy trì dòng chảy trên dòng chính năm 2016, Hướng dẫn kỹ thuật đánh giá tác động môi trường xuyên biên giới ở vùng hạ LVS Mê Công năm 2018… chưa được thông qua.
Bên cạnh đó, việc thực hiện 5 thủ tục của MRC (trao đổi và chia sẻ thông tin, số liệu; thông báo, tham vấn trước và thỏa thuận; duy trì dòng chảy trên dòng chính; giám sát sử dụng nước; chất lượng nước) chưa thực sự đồng bộ và được cập nhật thường xuyên. Việc giám sát sử dụng nước chưa triển khai toàn diện; việc thực hiện tham vấn đối với các dự án khai thác, sử dụng TNN trên dòng chính còn gặp một số vướng mắc...
Trong 4 quốc gia thành viên MRC, chỉ có Việt Nam tham gia Công ước Liên Hợp Quốc UNWC/1997 về Luật Sử dụng các nguồn nước quốc tế cho các mục đích phi giao thông thủy 1997. Điều này gây khó khăn trong việc tìm kiếm các căn cứ tham chiếu chung khi xử lý vấn đề khác biệt hoặc yêu cầu sự can thiệp của Tòa án Công lý quốc tế.
Hạn chế trong quản lý, an ninh nguồn nước đứng trước nhiều thách thức
Những bất cập, hạn chế trong công tác quản lý TNN nói trên kết hợp với các yếu tố biến đổi khí hậu, sự gia tăng của việc khai thác, sử dụng nước tại các quốc gia thượng nguồn LVS Mê Công đã ảnh hưởng tiêu cực tới Việt Nam, đặc biệt là khu vực Đồng bằng sông Cửu Long - nơi sinh sống của hơn 17,3 triệu dân, cung cấp trên 50% sản lượng lúa, 65% sản lượng thủy sản, 70% sản lượng trái cây của cả nước.
Cụ thể: Lượng nước sông Mê Công từ thượng nguồn về Đồng bằng sông Cửu Long năm 2020 giảm 157 tỷ m3 so với năm 2011, lượng phù sa bùn cát năm 2020 cũng giảm tương ứng 14 triệu tấn so với năm 2017. Tình trạng xâm nhập mặn gây thiệt hại đến khoảng 509.804 ha diện tích cây trồng, 486.000 hộ bị thiếu nước sinh hoạt.
1.509.528 ha đất bị suy thoái chất lượng do giảm độ phì, 2.158 vụ sạt lở thiệt hại ước tính 1.078,9 tỷ đồng, trữ lượng đánh bắt thủy sản tự nhiên sụt giảm 12.644 tấn ước tính 770 tỷ đồng, chất lượng nước tại nhiều con sông, kênh, rạch đều ghi nhận tình trạng ô nhiễm là nguyên dân dẫn đến 84.672 ca bệnh theo thống kê của ngành y tế trong giai đoạn 2016-2020.
Nhiều địa phương phản ánh sự suy giảm về số loài và số lượng cá thể nhiều loại sinh vật, thủy sản đặc trưng của sông Mê Công. Đây cũng là một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng hàng trăm ngàn lao động phải di dời khỏi địa phương, rời bỏ các công việc truyền thống để tìm kiếm việc làm tại các thành phố, đô thị lớn.
Trên cơ sở kết quả kiểm toán, bên cạnh kiến nghị tới Chính phủ, các Bộ, ngành, địa phương trong việc tăng cường hoạt động quản lý, giám sát hiệu quả TNN, KTNN cũng kiến nghị Ủy ban sông Mê Công Việt Nam chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương liên quan đến việc thực hiện Hiệp định Mê Công 1995 nghiên cứu, trao đổi, tham mưu cho Thủ tướng Chính phủ đề xuất MRC xây dựng văn bản/hướng dẫn kỹ thuật về giám sát sử dụng nước (gồm chuyển nước) trên dòng nhánh; duy trì dòng chảy tối thiểu (trên dòng chính và dòng nhánh sông Mê Công); đề xuất xây dựng các điều khoản, chế tài cụ thể để giải quyết tranh chấp đối với các bất đồng giữa các quốc gia thành viên trong việc quản lý và sử dụng nước LVS Mê Công. Đồng thời, thúc đẩy MRC thực hiện chuyển giao các hệ thống quan trắc và các quốc gia thành viên vận hành hiệu quả các hệ thống này nhằm đảm bảo cơ sở dữ liệu cho quản lý tổng hợp TNN trên toàn LVS Mê Công. |
THÙY ANH