Đề xuất gần 7000 tỷ đồng làm cao tốc nối Đồng Tháp - Tiền Giang

Đối nội - Ngày đăng : 15:50, 07/09/2021

(BKTO) - Bộ Giao thông vận tải (GTVT) vừa gửi văn bản lấy ý kiến các đơn vị liên quan thuộc Bộ, Sở GTVT 02 tỉnh Đồng Tháp và Tiền Giang về Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi Dự án đường cao tốc An Hữu - Cao Lãnh (nối Đồng Tháp - Tiền Giang).


                
   

Dự án đường cao tốc An Hữu - Cao Lãnh sẽ tạo sức lan tỏa, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của khu vực và cả nước - Ảnh minh họa: TTXVN

   

Theo đó, đoạn cao tốc An Hữu - Cao Lãnh có chiều dài trên 33km là một phần tuyến cao tốc Hồng Ngự - Trà Vinh, kết nối cửa khẩu quốc tế Dinh Bà (Đồng Tháp), Quốc lộ 1, cao tốc Bắc - Nam phía Đông và đường Hồ Chí Minh. Để đảm bảo hiệu quả cho việc đầu tư, Dự án được triển khai theo phương thức đối tác công - tư (PPP), hợp đồng BOT.

Dự án sẽ được đầu tư phân kỳ theo 2 giai đoạn. Giai đoạn 1, Dự án sẽ xây dựng với quy mô 4 làn xe cao tốc hạn chế, chiều rộng 17m, vận tốc 80 km/h; mức đầu tư giai đoạn 1 (bao gồm lãi vay) dự kiến khoảng 6.944 tỷ đồng, trong đó, chi phí giải phóng mặt bằng trên 933 tỷ đồng, chi phí xây dựng trên 4.239 tỷ đồng, dự phòng 934 tỷ đồng, còn lại là chi phí quản lý dự án và chi phí khác; mức đầu tư giai đoạn 2 là 2.564 tỷ đồng.

Về thời gian thu phí hoàn vốn, đơn vị lập báo cáo đưa ra các mốc khác nhau tuỳ thuộc vào tỷ lệ vốn nhà nước tham gia vào Dự án. Cụ thể, thu phí thu hồi vốn trong 20 năm nếu ngân sách Nhà nước tham gia vào Dự án khoảng 61% tổng vốn đầu tư (4.196 tỷ đồng); thu phí trong 25 năm nếu vốn Nhà nước tham gia bằng 53% (3.676 tỷ đồng); thu phí trong 27 năm nếu Nhà nước hỗ trợ 50% vốn đầu tư (mức tối đa theo Luật PPP, tương đương 3.472 tỷ đồng); thu phí trong 30 năm nếu Nhà nước tham gia vốn khoảng 47% (3.256 tỷ đồng).

Nếu được thông qua, Dự án sẽ được xây dựng và cơ bản thông tuyến vào năm 2025, từ đó góp phần hoàn chỉnh mạng lưới giao thông trong khu vực, đáp ứng nhu cầu vận tải trên tuyến hành lang theo trục ngang chạy theo bờ Bắc sông Tiền; đồng thời, kết nối các tuyến trục dọc như: Quốc lộ 1, cao tốc Bắc - Nam phía Đông (cao tốc TP.HCM - Trung Lương - Mỹ Thuận - Cần Thơ - Cà Mau), cao tốc Bắc - Nam phía Tây (đường N2 - Mỹ An - Cao Lãnh - Lộ Tẻ - Rạch Sỏi) tạo sức lan tỏa, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của khu vực và cả nước.
LÊ HÒA