Cần xây dựng chính sách và các định hướng chiến lược cho kiểm toán trong thời đại số
Chính trị - Ngày đăng : 21:05, 09/09/2021
(BKTO) – Nhằm nâng cao chất lượng kiểm toán công nghệ thông tin (CNTT), đẩy mạnh ứng dụng CNTT vào hoạt động kiểm toán, tiến tới kiểm toán từ xa, KTNN Việt Nam cần xây dựng cơ chế chính sách và các định hướng chiến lược làm nền tảng pháp lý cho việc triển khai các hoạt động kiểm toán trong thời đại số, trong đó cần làm rõ khái niệm tài nguyên số công.
Nhóm công tác kiểm toán CNTT của KTNN Việt Nam tham dự phiên thảo luận về Tối ưu hóa công nghệ hiện đại trong kiểm toán công trong khuôn khổ Hội nghị chuyên đề ASOSAI lần thứ 8 |
Đó là nội dung trong bài tham luận “Thực trạng, yêu cầu và triển khai kiểm toán CNTT tại KTNN Việt Nam trong thời đại Cách mạng công nghiệp 4.0” được KTNN Việt Nam gửi đến Hội nghị chuyên đề lần thứ 8, trong khuôn khổ Đại hội Tổ chức Các cơ quan Kiểm toán tối cao châu Á (ASOSAI) lần thứ 15 vào chiều 08/9.
Kiểm toán hệ thống công nghệ thông tin đạt kết quả bước đầu
Tham luận cho biết, trong những năm qua, KTNN Việt Nam đang từng bước tiến hành kiểm toán các hệ thống CNTT và các cơ sở dữ liệu (CSDL) quốc gia tại Ngân hàng Nhà nước, Tổng cục Thuế, Tổng Cục Hải quan, Bảo hiểm Xã hội Việt Nam và đạt được một số kết quả tốt.
Tuy nhiên, khái niệm tài nguyên số công vẫn chưa được định nghĩa chính xác cùng hành lang pháp lý liên quan để thực hiện kiểm toán. KTNN mới bước đầu thực hiện kiểm toán một số hệ thống CNTT trọng yếu. Đây vẫn là một lĩnh vực mới đối với KTNN Việt Nam. Lực lượng kiểm toán viên thành thạo, chuyên sâu về CNTT còn mỏng...
Qua thực tiễn kiểm toán cũng như định hướng phát triển kiểm toán CNTT, KTNN tập trung làm rõ tính hiệu lực, hiệu quả của việc khai thác hệ thống CNTT tại các đơn vị được kiểm toán.
Cụ thể, KTNN sẽ xem xét tính hiệu quả, tính kinh tế cũng như sự phù hợp của các dự án CNTT liên quan đến việc quản lý, sử dụng tài sản công, tài chính công; đánh giá tính tuân thủ của hệ thống CNTT tại các đơn vị được kiểm toán và khả năng kiểm soát đối với các hệ thống CNTT...
Tuy nhiên, quá trình kiểm toán, KTNN cũng gặp những thách thức trong việc đánh giá tính hiệu lực, hiệu quả, kinh tế của các dự án CNTT, hệ thống CNTT của các đơn vị được kiểm toán. Thách thức này gắn trực tiếp tới đối tượng kiểm toán là tài nguyên số công trong khi cơ sở pháp lý về nội dung này chưa đầy đủ.
Bên cạnh đó, KTNN còn gặp thách thức trong việc tiếp cận các thông tin tài chính và nghiệp vụ từ hệ thống CNTT của đơn vị được kiểm toán, cách thức xây dựng và khai thác hiệu quả tài nguyên số công từ các CSDL kiểm toán chuyên ngành được kế thừa từ các CSDL quốc gia để phục vụ công tác kiểm toán.
Điều này liên quan gián tiếp đến việc kiểm toán CNTT nhằm xây dựng kho tri thức của KTNN và các phương pháp kiểm toán trong môi trường CNTT.
Tại phiên thảo luận về Tối ưu hóa công nghệ hiện đại trong kiểm toán công, các SAI đều đồng thuận rằng kiểm toán từ xa là xu thế tất yếu |
Hoàn thiện thể chế, hướng dẫn chi tiết kiểm toán tài nguyên số công
Có thể nói, trong bối cảnh Cách mạng công nghiệp 4.0 đang phát triển mạnh mẽ hiện nay, việc ứng dụng CNTT vào hoạt động kiểm toán đang trở thành xu thế tất yếu; đồng thời giúp cơ quan kiểm toán có thể thích ứng với những thách thức, điển hình như tình hình đại dịch Covid-19 hiện nay.
Box: Để triển khai hoạt động kiểm toán CNTT trong bối cảnh Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, theo KTNN Việt Nam, cần làm rõ vấn đề căn bản là khái niệm tài nguyên số công. Theo đó, hệ thống CNTT và thông tin, dữ liệu về tài chính công, tài sản công hoặc tài sản hình thành từ nguồn đầu tư tài chính công phải được coi là tài sản công; các dịch vụ hành chính công vận hành trên các hệ thống CNTT chịu sự kiểm soát của hệ thống kiểm soát liên quan phải chịu sự kiểm soát định kỳ của KTNN.
Nhằm nâng cao chất lượng hoạt động kiểm toán CNTT, đẩy mạnh ứng dụng CNTT vào kiểm toán, tiến tới kiểm toán từ xa, KTNN Việt Nam cần xây dựng cơ chế chính sách và các định hướng chiến lược làm nền tảng pháp lý cho việc triển khai các hoạt động kiểm toán trong thời đại số, trong đó cần làm rõ khái niệm tài nguyên số công.
Kiểm toán các dự án và hệ thống CNTT được đánh giá có rủi ro và trọng yếu cao nhằm đảm bảo việc đầu tư phát triển lĩnh vực CNTT của Nhà nước nói chung cũng như việc đầu tư vào các hệ thống CNTT của các đơn vị chính xác, hiệu quả và tuân theo pháp luật.
Thông qua việc kiểm toán, thu thập các thông tin về hệ thống thông tin tài chính quốc gia, đầu mối kiểm toán, phần mềm và dữ liệu quan trọng tạo nền tảng cho việc xây dựng các cơ sở dữ liệu chuyên ngành của KTNN.
Cùng với đó, cần tiếp cận, khai thác và phân tích dữ liệu của CSDL tài chính quốc gia phục vụ việc xây dựng và cung cấp dữ liệu cho CSDL chuyên ngành của KTNN. Xây dựng và đào tạo đội ngũ kiểm toán viên về kiểm toán CNTT.
Nghiên cứu và phổ biến kinh nghiệm nhằm nâng cao nhận thức, khả năng vận dụng kiểm toán CNTT và ứng dụng CNTT trong hoạt động kiểm toán. Hình thành các tài liệu, phương pháp kiểm toán trong môi trường kiểm toán CNTT. Hỗ trợ các loại hình kiểm toán khác, trọng tâm là việc chuyển giao phương pháp kiểm toán CNTT từ KTNN chuyên ngành VII cho các đơn vị trong Ngành…
Trên cơ sở đó, KTNN sẽ hướng dẫn chi tiết cách thức kiểm toán CNTT, trọng tâm là tài nguyên số công. Khảo sát sơ bộ hệ thống tài nguyên số công hằng năm và xây dựng cơ sở dữ liệu chuyên ngành về tài nguyên số công để từng bước xây dựng cơ sở dữ liệu kiểm toán chuyên ngành.
Đồng thời, nhanh chóng xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu tri thức kiểm toán dựa trên trí tuệ nhân tạo. Kiểm toán định kỳ các hệ thống CNTT tài chính quốc gia. Có thể thực hiện các cuộc kiểm toán CNTT độc lập hoặc lồng ghép với các cuộc kiểm toán khác, khi thực hiện lồng ghép, coi trọng việc chuyển giao công nghệ kiểm toán CNTT cho các đơn vị trong Ngành./.
Tại phiên thảo luận: Tối ưu hóa công nghệ hiện đại trong kiểm toán công các SAI: Singapore, Philippines, Ấn Độ, Trung Quốc, Thổ Nhĩ Kỳ, Myanmar, Bhutan đã chia sẻ đối tượng, khó khăn, thách thức, phương pháp… triển khai kiểm toán dữ liệu lớn (Big Data) và đồng thuận rằng, việc kiểm toán từ xa là xu thế. Bởi lẽ, hiện nay, các đơn vị được kiểm toán đều số hóa dữ liệu, hơn nữa, trong bối cảnh dịch Covid-19 bùng phát trên toàn cầu, các hoạt động liên quan đến các SAI đều thực hiện trực tuyến. Nhiều SAI cũng chia sẻ kinh nghiệm về việc xây dựng Cổng chứng từ điện tử để thu thập chứng từ, tài liệu từ đơn vị được kiểm toán để thực hiện kiểm toán từ xa. |
THÙY ANH và Nhóm phóng viên