Nâng cao hiệu quả hợp tác nông nghiệp Việt Nam - châu Phi

Doanh nghiệp - Ngày đăng : 20:06, 10/09/2021

(BKTO) - Kết quả hợp tác nông nghiệp giữa Việt Nam và các nước châu Phi thời gian qua rất khả quan. Để thúc đẩy hợp tác hơn nữa trong thời gian tới, hai bên cần có quyết tâm cao, thống nhất nhận thức, tìm cách tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc, tạo thuận lợi cho hợp tác nông nghiệp.


Đây là nhấn mạnh của Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Quang Hiệu tại Hội thảo trực tuyến “Hợp tác nông nghiệp Việt Nam - châu Phi: Tăng cường kết nối, cùng phát triển bền vững”, do Bộ Ngoại giao chủ trì, phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn và Tổ chức quốc tế Pháp ngữ tổ chức ngày 09/9.
                
   

Hội thảo được tổ chức theo hình thức trực tuyến. Ảnh: BNG

   

Phát biểu tại Hội thảo, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn chia sẻ, hợp tác trong lĩnh vực nông nghiệp giữa Việt Nam và các nước châu Phi, nhất là trong khuôn khổ hợp tác Nam - Nam có nhiều kết quả đáng khích lệ.

Việt Nam và nhiều quốc gia châu Phi cũng trở thành đối tác thương mại nông sản hàng đầu của nhau, tiêu biểu có gạo, điều, cà phê... “Nông nghiệp là lĩnh vực hợp tác còn rất nhiều tiềm năng giữa Việt Nam và các nước châu Phi và hai bên cần khai thác tối đa, tìm các phương thức hợp tác mới nhằm nâng cao hiệu quả hợp tác, cùng phát triển bền vững” - Bộ trưởng nhấn mạnh.

Bộ trưởng Nông Lâm nghiệp Sierra Leone Abu Bakarr Karim cho hay, châu Phi đang là thị trường tiềm năng cho hợp tác thương mại nông sản, nhất là sau khi Hiệp định thương mại tự do lục địa châu Phi (AFCFTA) có hiệu lực từ tháng 01/2021, hứa hẹn thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, thương mại nội khối của châu Phi và với các đối tác.

Theo Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Lê Quốc Doanh, hiện Việt Nam đã vươn lên thành một trong những quốc gia xuất khẩu nông, thủy sản lớn trên thế giới. Trong khi đó, châu Phi có dân số gần 1,3 tỷ người, nhu cầu xuất nhập khẩu nông sản ngày càng tăng, do đó đây sẽ là thị trường tiềm năng và còn nhiều dư địa để phát triển, nhất là trong lĩnh vực thương mại nông sản, sản xuất và chế biến nông nghiệp. Tuy nhiên, quy mô và mức độ hợp tác vẫn chưa tương xứng với tiềm năng và mong muốn của hai bên do nhiều nguyên nhân khách quan và chủ quan.

Từ thực tế đó, các đại biểu đề xuất nhiều phương hướng và cách tiếp cận mới nhằm nâng cao hơn nữa kim ngạch thương mại nông sản hai bên, như thông qua đẩy mạnh hoạt động trao đổi thông tin, trao đổi đoàn, xúc tiến thương mại và chú trọng hơn nữa đến thúc đẩy giao thương trực tuyến… Đồng thời tăng cường kết nối hệ thống phân phối, liên kết giữa các doanh nghiệp, tận dụng các nền tảng kỹ thuật số trong nghiên cứu, phát triển và mở rộng thị trường xuất nhập khẩu nông sản.

Bên cạnh đó, nhiều đại biểu đề xuất thúc đẩy quan hệ ngân hàng hoặc tìm kiếm một cơ chế tài chính phù hợp nhằm tháo gỡ khó khăn về thanh toán, tạo thuận lợi cho trao đổi hàng hóa; đẩy mạnh chuyển giao công nghệ, đầu tư vào các hoạt động chế biến nông sản, phát triển nông nghiệp.

Cùng với đó là tích cực tìm kiếm, phối hợp chặt chẽ để vận động các nguồn tài chính và nguồn nhân lực để triển khai dự án hợp tác nông nghiệp theo mô hình song phương, ba bên, bốn bên hoặc đối tác công - tư, theo hướng tăng cường kết nối và liên kết theo chuỗi giá trị và chuỗi cung ứng nông nghiệp, đảm bảo sự phát triển bền vững…/.

DIỆU THIỆN