Kiểm soát chặt chẽ hơn việc ban hành văn bản pháp luật

Chính trị - Ngày đăng : 23:35, 13/09/2021

(BKTO) - Chiều 13/9, tiếp tục chương trình Phiên họp thứ 3, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) đã cho ý kiến về tình hình thi hành Hiến pháp và thực hiện Nghị quyết số 67/2013/QH13 ngày 29/11/2013 của Quốc hội về tăng cường công tác triển khai thi hành luật, pháp lệnh, nghị quyết của Quốc hội, UBTVQH và ban hành văn bản quy định chi tiết năm 2021. Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định điều hành phiên thảo luận.


Báo cáo tại phiên họp, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long cho biết, tính từ ngày 01/10/2020 đến ngày 26/8/2021, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và các Bộ có nhiệm vụ xây dựng, ban hành 99 văn bản quy định chi tiết. Đến nay, đã ban hành 91/99 văn bản. Bên cạnh đó, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và các Bộ còn có nhiệm vụ xây dựng, ban hành 55 văn bản quy định chi tiết 05 luật có hiệu lực từ ngày 01/01/2022.
                
   

Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long trình bày báo cáo tại phiên họp. Ảnh: quochoi.vn

   

Việc xây dựng, ban hành văn bản quy định chi tiết trong thời gian qua đã được thực hiện theo đúng thẩm quyền, trình tự, thủ tục Luật định. Công tác thẩm định, kiểm soát thủ tục hành chính được các Bộ quan tâm thực hiện, đã đi vào nề nếp, có sự kiểm soát chặt chẽ, góp phần nâng cao chất lượng văn bản. Từ tháng 10/2020 đến tháng 7/2021, Bộ Tư pháp đã kiểm tra theo thẩm quyền 3.393 văn bản, phát hiện và có kết luận, kiến nghị xử lý đối với 69 văn bản trái pháp luật về thẩm quyền, nội dung, 05 văn bản không phải là văn bản quy phạm pháp luật nhưng có chứa quy phạm pháp luật.

Bộ Tư pháp đã tuân thủ đầy đủ quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật về trình tự, thủ tục, nội dung thẩm định, đảm bảo tiến độ, chất lượng. Việc thẩm định các thông tư được các Bộ quan tâm, chỉ đạo đầu mối là tổ chức pháp chế…

Bên cạnh đó, Báo cáo của Chính phủ cũng thẳng thắn nhìn nhận, công tác triển khai thi hành luật, pháp lệnh trong một số trường hợp còn chưa kịp thời, hiệu quả chưa cao. Việc ban hành văn bản quy định chi tiết để có hiệu lực đồng thời với văn bản được quy định chi tiết vẫn chưa được thực hiện triệt để, vẫn còn tình trạng chậm, nợ ban hành văn bản quy định chi tiết. Công tác phối hợp trong xây dựng văn bản pháp luật giữa các Bộ, ngành chưa thực sự chặt chẽ, hiệu quả…
                
   

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng trình bày báo cáo thẩm tra. Ảnh: quochoi.vn

   

Thẩm tra báo cáo của Chính phủ, Thường trực Ủy ban Pháp luật nhận thấy, năm 2021, mặc dù gặp nhiều khó khăn do tác động của đại dịch Covid-19 nhưng dưới sự lãnh đạo sát sao của Đảng, sự đồng hành của Quốc hội, sự chỉ đạo, điều hành chủ động, quyết liệt, linh hoạt, kịp thời của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, công tác thi hành Hiến pháp, luật, pháp lệnh, nghị quyết và ban hành văn bản quy định chi tiết đã đạt những kết quả tích cực.

Trong năm qua, mặc dù thời gian tính số liệu văn bản quy định chi tiết được ban hành của năm 2021(từ 01/10/2020 đến 26/8/2021) ngắn hơn so với năm 2020 nhưng số văn bản được ban hành lại nhiều hơn là 15 văn bản; số văn bản nợ cũng có xu hướng giảm dần qua các năm và giảm tích cực hơn so với năm 2020 là 20 văn bản. Tuy nhiên, tình trạng chậm, nợ ban hành văn bản quy định chi tiết vẫn chưa được khắc phục triệt để.
         
Theo Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Pháp luật, trong số những văn bản quy định chi tiết đã ban hành, có 36 văn bản được ban hành đúng thời hạn (chiếm 39,56%) và 55 văn bản ban hành chậm (chiếm 60,44%); trong đó, văn bản chậm ban hành lâu nhất là 01 năm 05 tháng, văn bản chậm ban hành ít nhất là 04 ngày, số văn bản chậm nhiều nhất là Nghị định (35/55 văn bản); cơ quan chậm ban hành thông tư nhiều nhất là Bộ Tài chính (07 văn bản). Có những luật được ban hành và có hiệu lực từ năm 2019 nhưng đến nay vẫn nợ ban hành văn bản quy định chi tiết.
                
   

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định kết luận phiên thảo luận. Ảnh: quochoi.vn

   

Kết luận nội dung thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định nêu rõ, trên cơ sở xem xét báo cáo của Chính phủ và Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Pháp luật, UBTVQH đánh giá cao nỗ lực, trách nhiệm của Chính phủ trong công tác tổ chức, thi hành Hiến pháp, luật, Nghị quyết có nhiều chuyển biến tích cực. Đặc biệt việc tổ chức, thi hành Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân đã góp phần quan trọng vào cuộc bầu cử thành công tốt đẹp. Việc tổ chức, thi hành Luật Văn bản quy phạm pháp luật cũng có nhiều điểm mới trong công tác xây dựng pháp luật.

Bên cạnh đó, UBTVQH đề nghị Chính phủ tiếp tục kiểm soát chặt chẽ việc ban hành văn bản quy định chi tiết nhanh hơn, kịp thời hơn; quan tâm đến việc nâng cao chất lượng công tác thẩm định, kiểm tra, rà soát văn bản để kịp thời phát hiện và sớm có biện pháp khắc phục đối với những văn bản pháp luật ban hành mà nội dung chưa phù hợp, chưa đảm bảo tính thống nhất của hệ thống pháp luật./.
Đ. KHOA