Dự án BT làm “nóng” diễn đàn báo chí

Hoạt động của Ngành - Ngày đăng : 09:10, 23/10/2017

(BKTO) - Vừa qua, KTNN đã tổ chức thành công Hội thảo “Cơ chế đầu tư BT - Những vấn đề đặt ra và giải pháp hoàn thiện”. Sau Hội thảo này, báo chí đã có nhiều bài viết phản ánh những bất cập trong cơ chế đầu tư BT (xây dựng - chuyển giao).


BT là mảnh đất màu mỡ cho lợi ích nhóm, tham nhũng…

Theo thống kê sơ bộ, 1 ngày sau khi diễn ra Hội thảo, khoảng 20 báo đã có bài viết về cơ chế đầu tư BT; trong đó, một số báo có tới 2 bài như các báo: Tuổi trẻ TP.HCM, Người lao động, Pháp luật TP.HCM. Chưa kể, nhiều trang thông tin điện tử đã dẫn lại bài viết của các báo.

Các bài viết đã phản ánh nhiều bất cập, hạn chế trong hình thức đầu tư BT. Phần lớn các báo đều nêu nhận định của KTNN: “Hình thức hợp đồng BT còn được gọi là đổi đất lấy hạ tầng. Tuy nhiên, hình thức này rất dễ bị bóp méo, biến tướng do thiếu công khai, minh bạch vì lợi ích nhóm, vì những khoản sinh lời vô cùng lớn từ cơ hội sở hữu những mảnh đất đắc địa của địa phương”.

Hội thảo đã thu hút đông đảo đại biểu và báo chí tham dự. Ảnh: LÊ HÒA

Dẫn số liệu của KTNN, báo Người lao động, Tuổi trẻ TP.HCM, Đấu thầu… cho biết: Qua kiểm toán 21 dự án BT, KTNN đã kiến nghị xử lý tài chính hơn 3.800 tỷ đồng và nhận thấy cơ chế, chính sách, thực tế triển khai loại hợp đồng dự án này còn nhiều bất cập, hạn chế. Các dự án BT đa số lựa chọn nhà đầu tư theo hình thức chỉ định thầu. Nhu cầu, mục tiêu đầu tư không rõ ràng, không thể hiện được sự cần thiết, cấp bách. Tổng mức đầu tư được lập và phê duyệt chưa đảm bảo theo quy định làm tăng vốn cho dự án. Một số chi phí trong tổng mức đầu tư lập cao so với thực tế và quy định, thiếu căn cứ, chưa chú trọng cắt giảm chi phí những hạng mục không cần thiết làm tăng tổng mức đầu tư không hợp lý nhằm chiếm dụng tiền từ NSNN.

Tình trạng chỉ định thầu đối với dự án BT không chỉ được thể hiện qua kết quả kiểm toán mà còn được nhiều chuyên gia trong và ngoài ngành phản ánh. Theo các chuyên gia, hầu hết dự án BT đầu tư bằng hình thức chỉ định thầu, không qua đấu giá. Đến khi đất giao cho nhà đầu tư, địa phương cũng không đấu giá quyền sử dụng đất. Đất lại được giao ngay sau khi phê duyệt dự án, gây thất thoát rất lớn cho ngân sách và là mảnh đất màu mỡ cho tham nhũng, tiêu cực. Chẳng hạn, bài: “ Mảnh đất màu mỡ cho tham nhũng” (Báo Tuổi trẻ) đã dẫn chứng, Hà Nội có 15 dự án BT thì 14 dự án chỉ định thầu, đồng thời nêu kiến nghị của PGS.TS Đặng Văn Thanh - chuyên gia kế toán, kiểm toán và ông Phạm Quang Tú (đại diện Tổ chức Oxfam) về vấn đề này.

Bên cạnh đó, báo chí còn phản ánh toàn diện nhiều bất cập khác trong quá trình thực hiện các BT. Đó là, các dự án BT thiếu công khai, minh bạch, là cơ hội cho lợi ích nhóm và mảnh đất màu mỡ cho tham nhũng; định giá đất thấp hơn thị trường; đổi đất vàng giá rẻ và thổi giá công trình; DN vẽ đường cho chính quyền; tình trạng thất thoát, lãng phí khi nhà đầu tư “một mình một chợ”; nhà đầu tư thiếu năng lực, kinh nghiệm quản lý; đầu tư công núp bóng BT; hành lang pháp lý còn thiếu, chồng chéo; các dự án BT làm thu hẹp quỹ đất, mất cân đối đô thị…

Lấp khoảng trống chính sách và tăng cường kiểm toán các dự án BT

Để khắc phục những bất cập trong cơ chế đầu tư BT trên, nhiều báo cũng đã ghi nhận, đưa ra các kiến nghị của KTNN và các chuyên gia. Chẳng hạn, từ những bất cập của cơ chế chính sách, Bài: “Cơ chế đầu tư BT- Còn nhiều khoảng trống pháp luật” (Báo Pháp luật TP.HCM) đã nêu lên các kiến nghị của KTNN. Cụ thể, Bộ Giao thông vận tải (GTVT) chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính xây dựng khung lợi nhuận cho các dự án BT thuộc phạm vi quản lý của ngành; bổ sung tiêu chí đánh giá năng lực quản lý đầu tư các dự án ngành GTVT trong quá trình đánh giá lựa chọn nhà đầu tư dự án BT.

Bộ Tài chính bổ sung quy định cụ thể về xác định lợi nhuận của nhà đầu tư; ban hành các văn bản hướng dẫn cụ thể về góp vốn và thanh toán đối với nguồn vốn chủ sở hữu của nhà đầu tư dự án. Chính phủ cần hướng dẫn cụ thể về xử lý vi phạm của các bên trong quá trình thực hiện hợp đồng dự án nhằm đảm bảo tính hiệu lực của hợp đồng; chỉ đạo nghiên cứu hướng dẫn đối với công tác lựa chọn nhà thầu của nhà đầu tư. Quốc hội cần cụ thế hóa Nghị định đối với các dự án đầu tư theo hình thức đối tác công tư thành Luật hợp tác công tư nhằm tạo sự ổn định, niềm tin cho nhà đầu tư, người dân và xã hội.

Cũng liên quan đến khung pháp lý đối với các dự án BT, GS.TSKH Đặng Hùng Võ - nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường - khuyến nghị, cần có quy định cụ thể về yêu cầu công khai, minh bạch toàn bộ thông tin về dự án BT, tạo cơ chế để người dân tham gia giám sát; không cho phép giao đất để trả cho nhà đầu tư hạ tầng trước khi nghiệm thu, hoàn thành đánh giá chất lượng và định giá về giá trị. Mặt khác, theo ông Võ, cơ chế đầu tư BT chỉ nên áp dụng đối với địa phương kém phát triển, nguồn thu ngân sách yếu kém và ngân sách trung ương vẫn phải trợ giúp, hạ tầng chưa đủ để thu hút đầu tư (Bài: “Dự án BT: Cơ hội cho lợi ích nhóm”, Báo Người lao động).

Trước thực trạng phần lớn các dự án BT được chỉ định thầu, hầu hết các báo đều nêu kiến nghị của KTNN và các chuyên gia là phải đấu thấu chọn nhà đầu tư. Ngoài ra, để đảm bảo công khai, minh bạch trong quá trình thực hiện dự án BT, tránh thất thoát cho Nhà nước, công tác kiểm tra, giám sát, kiểm toán nên đi vào ngay từ khi hình thành đến khi quyết toán dự án (Bài: “Đại gia “ôm đất vàng”: Một đợt rà soát lộ gần 4.000 tỷ sai phạm”, Báo Vietnamnet) và cần có nghị định riêng về đầu tư BT, trong đó không cho phép chỉ định thầu và nhà đầu tư tự lập dự án mà dự án phải được đưa ra đấu giá công khai để thu hút nhà đầu tư có năng lực thực sự, cơ quan Nhà nước lập, thẩm định và phê duyệt dự án BT như dự án sử dụng NSNN để tránh lợi ích nhóm và cơ chế xin cho (VTV).

NGỌC MAI (Tổng hợp)