Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về kết quả công tác năm 2021 và Kế hoạch kiểm toán năm 2022 của Kiểm toán Nhà nước
Đối nội - Ngày đăng : 19:35, 14/09/2021
(BKTO) - Sáng 14/9, tiếp tục chương trình Phiên họp thứ 3, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) đã cho ý kiến về Báo cáo của Tổng Kiểm toán Nhà nước về kết quả công tác năm 2021 và Kế hoạch kiểm toán năm 2022 của KTNN.
Tổng Kiểm toán Nhà nước Trần Sỹ Thanh, Phó Tổng Kiểm toán Nhà nước Vũ Văn Họa cùng đại diện một số đơn vị trực thuộc KTNN tham dự Phiên họp.
Kiến nghị xử lý tài chính 52.095 tỷ đồng
Báo cáo UBTVQH, Tổng Kiểm toán Nhà nước Trần Sỹ Thanh cho biết, mặc dù đại dịch Covid-19 tiếp tục diễn biến phức tạp, ảnh hưởng nghiêm trọng đến mọi hoạt động kinh tế - xã hội, trong đó có hoạt động kiểm toán song toàn ngành KTNN đã nỗ lực, tập trung triển khai đồng bộ nhiều giải pháp hữu hiệu, sát thực, tích cực đổi mới, với tinh thần quyết liệt, trách nhiệm, trên quan điểm ưu tiên, tạo điều kiện tối đa cho công tác phòng, chống dịch; tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin vào hoạt động kiểm toán và thực hiện cải cách hành chính.
Tổng Kiểm toán Nhà nước Trần Sỹ Thanh báo cáo tại Phiên họp. Ảnh: quochoi.vn |
Trên cơ sở đó, năm 2021, hoạt động kiểm toán tiếp tục có những đổi mới từ khâu xây dựng kế hoạch kiểm toán (KHKT) năm đến nội dung, phương pháp và cách thức tổ chức thực hiện cuộc kiểm toán nên hiệu lực, hiệu quả, chất lượng kiểm toán được nâng cao, góp phần quan trọng trong việc siết chặt kỷ luật, kỷ cương quản lý tài chính công, tài sản công, sử dụng hiệu quả nguồn lực quốc gia, tích cực phòng, chống tham nhũng, tiêu cực và thực hành tiết kiệm, chống lãng phí.
Việc triển khai thực hiện KHKT năm 2021 quyết liệt, linh hoạt, thích ứng nhanh với sự thay đổi, ưu tiên tối đa cho công tác phòng, chống dịch Covid-19. Đến 31/8/2021, toàn Ngành đã triển khai 144/211 đoàn kiểm toán, kết thúc 108 đoàn (đạt 51% kế hoạch), phát hành 83 báo cáo kiểm toán, thấp hơn so với cùng kỳ năm trước. Nguyên nhân do ảnh hưởng của dịch Covid-19 nên nhiều đoàn đang triển khai phải dừng thực hiện (37 đoàn).
Tổng hợp sơ bộ đến 31/8/2021 đối với 91 báo cáo kiểm toán đã phát hành, KTNN kiến nghị xử lý tài chính 52.095 tỷ đồng; hủy bỏ, sửa đổi, bổ sung 67 văn bản pháp luật (gồm: 01 Luật, 04 Nghị định, 03 Quyết định của Thủ tướng Chính phủ, 10 Thông tư và 49 văn bản khác). |
Bên cạnh hoạt động kiểm toán, KTNN cũng thực hiện linh hoạt và đạt kết quả tích cực trong các mặt công tác về: xây dựng pháp luật; hợp tác quốc tế; đào tạo, nghiên cứu khoa học; ứng dụng công nghệ thông tin…
Tập trung ưu tiên kiểm toán phục vụ hoạt động của Chính phủ, Quốc hội
Thẩm tra sơ bộ báo cáo của KTNN, Thường trực Ủy ban Tài chính - Ngân sách đánh giá, trong bối cảnh tình hình dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp tại nhiều địa phương, ảnh hưởng lớn đến việc triển khai thực hiện nhiệm vụ năm 2021 của KTNN, Ban cán sự Đảng, Đảng ủy, lãnh đạo KTNN đã tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức hiệu quả các nhiệm vụ thuộc thẩm quyền và đạt được những kết quả tích cực.
Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách Nguyễn Phú Cường trình bày báo cáo thẩm tra tại Phiên họp. Ảnh: quochoi.vn |
Theo đó, KTNN tiếp tục tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo, quán triệt và tổ chức thực hiện có hiệu quả các nghị quyết của Đảng, của Quốc hội, trong đó đặc biệt quan tâm đến việc nâng cao chất lượng kiểm toán, siết chặt kỷ luật, kỷ cương.
Hoạt động kiểm toán tiếp tục được đổi mới. Công tác xây dựng kế hoạch kiểm toán cơ bản bám sát Chiến lược phát triển KTNN đến năm 2030, bảo đảm tuân thủ pháp luật, chặt chẽ, công khai, minh bạch. Công tác kiểm soát chất lượng kiểm toán tiếp tục được chú trọng, việc kiểm soát chất lượng kiểm toán tại các đơn vị từng bước đi vào nề nếp và ngày càng chất lượng, phản ánh đúng thực chất. Hoạt động hợp tác quốc tế và nhiều nhiệm vụ khác cũng đạt kết quả đáng khích lệ.
Thảo luận tại phiên họp, các ý kiến trong UBTVQH bày tỏ nhất trí và đánh giá cao báo cáo của KTNN đã bao quát toàn diện những kết quả công tác của Ngành.
Đặc biệt, các đại biểu nhấn mạnh, trong bối cảnh dịch bệnh diễn biến phức tạp, tác động nghiêm trọng đến hoạt động kiểm toán, KTNN đã có nhiều giải pháp sáng tạo, linh hoạt, đảm bảo hoàn thành kế hoạch đã đề ra. Qua công tác kiểm toán đã góp phần siết chặt kỷ luật, kỷ cương trong quản lý tài chính công, tài sản công cũng như khai thác, phân bổ, sử dụng hiệu quả các nguồn lực của Nhà nước; thực hiện tiết kiệm, chống lãng phí và phòng, chống tham nhũng… Đồng thời, KTNN đã làm tốt vai trò Chủ tịch Tổ chức Các Cơ quan kiểm toán tối cao châu Á (ASOSAI) giai đoạn 2018 – 2021.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu ý kiến tại Phiên họp. Ảnh: quochoi.vn |
Phát biểu ý kiến tại phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đánh giá, trong năm 2021, với đặc thù hoạt động kiểm toán chịu tác động rất lớn bởi dịch bệnh Covid-19; đồng thời KTNN cũng có sự thay đổi về người đứng đầu. Trong điều kiện đó, KTNN đã nỗ lực, cố gắng rất lớn, có nhiều giải pháp linh hoạt, cơ bản hoàn thành tốt chức năng, nhiệm vụ được giao. Đây là vấn đề rất đáng biểu dương.
Bên cạnh đó, Chủ tịch Quốc hội lưu ý, hoạt động kiểm toán cần toàn diện hơn, có trọng tâm trọng điểm, trách nhiệm và quyết liệt hơn. Với những vấn đề phát hiện qua kiểm toán, KTNN cần mạnh dạn chấn chỉnh; bám sát quy định của pháp luật và thực hiện theo đúng quy định của luật, nơi nào không chấp hành thì cần có giải pháp.
Chủ tịch Quốc hội cũng đề nghị, cần tăng cường công khai, minh bạch hoạt động kiểm toán. “Công khai là vũ khí rất quan trọng của hoạt động kiểm toán. Một mặt có tác động rất lớn để siết chặt kỷ luật, kỷ cương về tài chính, ngân sách và việc thực hiện kết luận, kiến nghị kiểm toán. Mặt khác, thông qua công khai kết quả kiểm toán, người dân và xã hội cũng giám sát trở lại đối với hoạt động kiểm toán. Điều này có tác dụng rất tốt cho hoạt động kiểm toán” - Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh.
Nhiều ý kiến tại phiên họp cũng đề nghị KTNN cần quan tâm hơn đến tỷ lệ, chất lượng thực hiện kiến nghị kiểm toán; công bố công khai đối với các cá nhân, tổ chức ban hành các văn bản không đúng thẩm quyền theo kiến nghị kiểm toán…
Quang cảnh Phiên họp. Ảnh: quochoi.vn |
Trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 tiếp tục diễn biến phức tạp, trong khi số lượng công việc trong những tháng cuối năm còn khá lớn, các Ủy viên UBTVQH đề nghị KTNN có các giải pháp hiệu quả để hoàn thành kế hoạch, nhiệm vụ đề ra; trong đó tập trung ưu tiên thực hiện các cuộc kiểm toán phục vụ cho hoạt động giám sát của Quốc hội và UBTVQH.
Trân trọng tiếp thu các ý kiến góp ý tại phiên họp, Tổng Kiểm toán Nhà nước Trần Sỹ Thanh cho biết, KTNN sẽ có báo cáo tiếp thu giải trình đầy đủ các nội dung trong báo cáo thẩm tra sơ bộ và các ý kiến trong UBTVQH.
Tổng Kiểm toán Nhà nước nêu rõ, năm 2021 là năm thực hiện đại hội Đảng cùng với những tác động của dịch Covid-19 nên đã ảnh hưởng đến tiến độ hoàn thành một số nhiệm vụ của Ngành. Trong đó, việc triển khai hoạt động kiểm toán nhiều khả năng sẽ không đảm bảo kế hoạch đề ra. KTNN xác định, vấn đề ưu tiên hiện nay là kiểm toán theo yêu cầu của Chính phủ, của Quốc hội nhằm xác nhận số liệu để phục vụ thực hiện các quyết sách của Chính phủ. “Quan trọng nhất là có được những số liệu đủ để giúp các cơ quan của Quốc hội, Quốc hội và Chính phủ có thông tin phục vụ cho việc ban hành các quyết sách” - Tổng Kiểm toán Nhà nước cho biết.
Bên cạnh đó, KTNN sẽ tiếp tục phối hợp với Thanh tra Chính phủ nhằm giảm thiểu tình trạng chồng chéo, trùng lặp trong hoạt động.
Về thực hiện kiến nghị, Tổng Kiểm toán Nhà nước cho biết, hiện KTNN đang rà soát lại toàn bộ kết luận, kiến nghị kiểm toán trong những năm vừa qua để “đóng lại” tất cả những kiến nghị không hợp lý, không phù hợp hay không thực hiện được, nhằm thực hiện minh bạch, nâng cao hiệu lực, hiệu quả thực hiện kiến nghị kiểm toán./.
Đ. KHOA